Cha con tranh giành đế chế dệt may tỷ đô
Vijaypat Singhania, ông chủ đế chế dệt may tỷ đô Raymond đã nhường lại vị trí lãnh đạo cho con trai Gautam 3 năm trước. Nhưng hiện nay, chính ông đã đệ đơn kiện con trai tội lừa đảo vì đã đẩy ông ra khỏi căn hộ riêng của gia đình và “đá” ông ra khỏi công ty.
Ông chủ đế chế dệt may tỷ đô Vijaypat (Nguồn: India Times)
Vijaypat khẳng định cảm thấy rất hối hận và “ngu ngốc” khi trao quyền kiểm soát tập đoàn cho con trai. Đây cũng chính là vụ kiện tụng mới nhất trong danh sách rất dài những vụ tranh chấp trong các gia đình tài phiệt nổi tiếng của Ấn Độ.
Ông Vijaypat đã gây dựng cơ sở kinh doanh dệt may nhỏ của mình thành một thương hiệu nổi tiếng khắp Ấn Độ. Tập đoàn Raymond là một trong những nhà sản xuất com-lê len chất lượng nhất thế giới. Ngoài ra, các công ty con của gia đình Singhania còn đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác như xi măng, sữa và công nghệ.
Rắc rối của Vijaypat Singhania bắt đầu khi ông trao 37% cổ phần chi phối của mình cho con trai năm 2015.
Gia đình tài phiệt này đã từng có vụ kiện tụng đình đám Ấn Độ năm 2015. Theo phán quyết của tòa, Vijaypat cho biết đáng lý ra ông sẽ được nhận một căn hộ trong tòa nhà 36 tầng JK House của gia đình tại khu thượng lưu đồi Malabar của thành phố Mumbai, thủ phủ tài chính của Ấn Độ. Nhưng căn hộ này hiện do con trai ông nắm giữ như một phần tài sản thuộc công ty.
Khi căng thẳng leo thang, hội đồng quản trị còn tước chức vụ “chủ tịch danh dự” của Vijaypat, cáo buộc ông dùng từ ngữ lăng mạ trong các bức thư gửi công ty. Ông cũng cho biết bị cưỡng chế rời khỏi văn phòng và tài sản của mình. Vijaypat đang lên kế hoạch thử một phiên tòa cho phép cha mẹ lấy lại tài sản đã trao tặng cho con cái theo luật năm 2007 nếu họ không trang trải được các nhu cầu cơ bản của mình.
Hai cha con Vijaypat đã không nói chuyện suốt 2 năm. Ông cho rằng việc trao Raymond cho Gautam là quyết định “ngu dốt tột đỉnh” của mình và đang vận động một chiến dịch để tước quyền hành của con trai trong tập đoàn Raymond. Ông nói, “Tôi khuyên các bậc phụ huynh đừng mắc sai lầm trao hết tài sản cho con cái khi bạn còn sống”.
Nhưng Gautam cho rằng anh ta chỉ thực hiện nghĩa vụ của mình.
“Tôi chỉ làm điều đúng đắn. Trách nhiệm trên cương vị một người con khác với cương vị của một chủ tịch tập đoàn. Đây là một thành viên hội đồng quản trị (Vijaypat) đang lợi dụng chức vụ để chiếm tài sản của công ty”, Gautam phát biểu với tạp chí Economic Times, “Tôi chỉ là nạn nhân.”
Con trai ông Vijaypat, Gautam Singhania. (Nguồn: India Times)
“Cuộc chơi đã thay đổi với tôi khi tôi nhận cổ phần chi phối từ cha mình”, ông phát biểu với tờ Economic Times, “Tôi có thể đưa ra rất nhiều quyết định thúc đẩy tăng trưởng mà trước đây tôi không thể làm được”.
Ấn Độ xếp thứ 3 trên thế giới về số lượng các tập đoàn gia đình, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ, theo báo cáo của ngân hàng Credit Suisse. Vì đã xảy ra khá nhiều các cuộc tranh chấp quyền lực và thế hệ trẻ nước này nôn nóng chiếm quyền kiểm soát, một vài nhà phân tích cho rằng Ấn Độ cần áp dụng nhiều tiêu chuẩn tập đoàn toàn cầu hơn để quản lý hiệu quả những doanh nghiệp gia đình. Động thái này có thể giúp ngăn chặn những cuộc tranh chấp như đã xảy ra với gia đình Ambani.
Mukesh Ambani, hiện là người giàu nhất châu Á, đã tranh chấp tập đoàn Reliance với anh trai Anil của ông nhiều năm nay sau khi cha họ mất mà không để lại di chúc.
Căng thẳng còn gay gắt hơn giữa ông trùm rượu và bất động sản Ponty Chadha và người em trai Hardeep. Họ đều thiệt mạng khi đấu súng tranh giành quyền lực năm 2012.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cam kết ông sẽ không nhận “dù chỉ 1 xu” tiền lương của chức danh này.