Cậu ấm "lên ngôi lặng lẽ" của Tập đoàn Samsung

Sự kiện: Samsung

Người con trai duy nhất của chủ tịch Tập đoàn Samsung đang dần kiểm soát toàn bộ công việc kinh doanh của tập đoàn trong khi chủ tịch Lee Kun-hee vẫn chưa thể hồi phục sau cơn bạo bệnh. Thậm chí, việc này diễn ra một cách lặng lẽ mà không hề có một buổi lễ sắc phong chính thức và ngôi vị chủ tịch tập đoàn vẫn chưa được trao cho anh.

Phó chủ tịch tập đoàn Samsung là Lee Jae Yong - người con trai duy nhất của chủ tịch Lee Kun-hee hiện phải đối mặt với thử thách đầu tiên trên cương vị lãnh đạo cao nhất tại tập đoàn.

Điều đáng nói là thử thách này rất có thể sẽ mang đến tin buồn cho một vài vị lãnh đạo cấp dưới phụ trách mảng kinh doanh điện thoại di động.

Thời điểm này, chaebol lớn bậc nhất Hàn Quốc hiện đang tiến hành việc tái cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo trên toàn công ty.

Dù là hoạt động được Samsung thực hiện hàng năm tuy nhiên, cuộc cải tổ lần này dường như sẽ được thực hiện sâu và rộng hơn bao giờ hết trong bối cảnh mảng xây dựng và đóng tàu của tập đoàn đang trong tình trạng thua lỗ.

Đây là tình huống hoàn toàn khác so với năm 2014. Lúc đó, chủ tịch Lee Kun-hee đột ngột phải nhập viện do cơn đau tim vì vậy hầu như không có bất kỳ sự thay đổi lãnh đạo cấp cao nào diễn ra tại tập đoàn.

Tuy nhiên hiện nay, khi thị phần mảng kinh doanh điện tử sụt giảm 3 năm liên tiếp trước sức ép từ Apple, các chuyên gia phân tích đang kỳ vọng rằng vị thái tử trẻ 47 tuổi của đế chế Samsung sẽ có những bước đi quyết liệt hơn để khẳng định khả năng lãnh đạo và tìm cách cứu vãn cho tương lai toàn tập đoàn.

“Năm ngoái ông Shin đã may mắn giữ được chiếc ghế CEO tuy nhiên hiện tại mọi chuyện đã khác”, theo Lee Sang Hun - chuyên gia phân tích tại HI Investmetn & Securites Co.

Cậu ấm "lên ngôi lặng lẽ" của Tập đoàn Samsung - 1

Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee (trái) cùng con trai Lee Jae Yong.

“Năm ngoái, do chủ tịch Lee đột ngột nhập viện và Jae Yong phải lên nắm quyền trong một tình huống hết sức cấp bách.

Chính vì vậy, anh đã chọn phương án ổn định tình hình thay vì thực hiện một cuộc cải tổ lớn”.

"Thái tử" Lee đang dần kiểm soát toàn bộ công việc kinh doanh của tập đoàn trong khi chủ tịch Lee Kun-hee vẫn chưa thể hồi phục sau cơn bạo bệnh.

Thậm chí, việc này diễn ra một cách lặng lẽ mà không hề có một buổi lễ sắc phong chính thức và ngôi vị chủ tịch tập đoàn vẫn chưa được trao cho anh.

Dường như gia tộc Samsung đang rất tuân thủ truyền thống văn hoá của người Hàn Quốc cho rằng người con trai không được nắm giữ vị trí cao nhất trong khi cha mình còn sống.

Điều này diễn ra ngay cả khi các chuyên gia phân tích đều đã xem Jae Yong như là người thừa kế duy nhất và khả thi nhất của tập đoàn thời điểm hiện tại.

“Anh ấy không cần quá vội vã để có được chức danh chủ tịch tập đoàn. Hiện tại ai cũng biết rằng Samsung là của Lee Jae Yong”, Lee Seung Woo - chuyên gia phân tích tại IBK Securites nói.

Tránh mặt truyền thông

Lai lịch của Jae Yong được giữ kín vì Samsung không muốn bất cứ sai lầm nào cản trở niềm tin đặt vào người thừa kế này, ông Chung Sun Sup - chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Chaebul.com nhận xét.

“Chủ tịch Lee không cho phép danh tiếng của Samsung bị hủy hoại trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, ông nói.

Kể cả vậy, nhiều trang tin vẫn lật lại được thất bại của Jae Yong trong một dự án kinh doanh trực tuyến trước khi ông chính thức gia nhập Samsung.

Năm 2000, khi bong bóng dot-com vỡ, ông xây dựng một công ty có tên eSamsung, nhưng phải đóng cửa chỉ sau một năm hoạt động. 

Trong lễ thăng chức Phó chủ tịch cho Jae Yong, Samsung khẳng định ông đã đạt được nhiều thành quả trong việc thúc đẩy quyền lực của thương hiệu và đường hướng lãnh đạo vững chắc trong mảng kinh doanh smartphone, TV và linh kiện.

Ngoài ra, ông cũng được ca ngợi vì thắt chặt thành công mối quan hệ đối tác qua các buổi gặp mặt với CEO Google - Larry Page và CEO Apple - Tim Cook.

Jae Yong và người sau này trở thành CEO của Apple - Tim Cook đã xây dựng mối quan hệ khi hai công ty đàm phán một thương vụ mang tính quyết định đối với sự thành bại của iPod, một nguồn thạo tin tiết lộ.

Thời đó, Apple muốn loại bỏ ổ đĩa cứng dùng trong máy nghe nhạc, chuyển sang dùng một loại chip flash nhỏ và nhẹ hơn. Samsung đã đồng ý đầu tư vào một dây chuyền mới để sản xuất loại chip này.

uổi đàm phán giữa Jae Yong và Steve Jobs cũng dẫn tới việc Samsung phát triển màn hình diode phát quang hữu cơ trong tương lai, ứng dụng trong những chiếc ti vi mà Apple đang xem xét triển khai. Hiện tại, màn hình OLED đang được sử dụng trong dòng sản phẩm Samsung Galaxy.

Cậu ấm "lên ngôi lặng lẽ" của Tập đoàn Samsung - 2

"Thái tử" Lee đang dần kiểm soát toàn bộ công việc kinh doanh của tập đoàn trong khi chủ tịch Lee Kun-hee vẫn chưa thể hồi phục sau cơn bạo bệnh.

Jae Yong là nhân tố chính giúp linh kiện Samsung thâm nhập vào sâu sản phẩm iPhone, ông Greg Tarr - một nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon cho biết.

“Jae Yong được điều tới để đàm phán với Steve Jobs lúc đầu. Và bạn biết không, trong buổi lễ kỷ niệm sau này được Apple tổ chức, chỉ có một lãnh đạo duy nhất của Samsung được mời, đó chính là Jae Yong. Thậm chí nhiều nhân vật tai to mặt lớn tại Thung lũng Silicon cũng không được mời”, ông kể lại.

Jae Yong được đánh giá cao tại thánh địa công nghệ ở California, nơi Samsung có hàng trăm nhà lập trình viên đang viết phần mềm điện thoại, và ông là lựa chọn sáng giá cho một công ty đang cần một văn hóa kinh doanh sáng tạo hơn, chuyên gia Tarr nhận xét.

Ông Tarr gặp gỡ Jae Yong tại một bữa tiệc năm 2002 ở Seoul, bàn về công nghệ điện thoại di động khi ông lấy ra một chiếc điện thoại nắp gập của Samsung với màn hình màu 2 inch. Đến cuối buổi khi hai người trao đổi danh thiếp, ông mới biết mình vừa nói chuyện với ai.

“Ông ấy là người thực tế và khiêm tốn. Ông ấy rõ ràng rất sắc sảo khi thấu hiểu điện thoại không chỉ là một thiết bị dùng để nghe gọi, và buổi đối thoại ấy diễn ra cách đây 5 năm, khi iPhone còn chưa ra đời”, ông Tarr kể lại.

Giám đốc đầu tư tại công ty Harris Associates, Mỹ - ông David Herro – đã từng gặp Jae Yong nhiều lần và cảm thấy ấn tượng.

Trong một buổi gặp mặt thường niên tại trụ sở tập đoàn, khi ông Herro ba hoa về lượng tài sản của Samsung, thì Jae Yong chỉ khiêm tốn nói: “Đúng là chúng tôi đã thành công, nhưng để giữ được thành công đó không hề dễ dàng”.

“Ông ấy lo lắng nhất về rủi ro tiềm tàng của sự tự mãn, cũng như trăn trở về việc làm thế nào để công ty không ngừng vận động, không ngừng cải tiến. Đối với tôi, đây là một cách tư duy kinh doanh rất thấu đáo”, ông nhận xét.

“Tôi nghĩ hậu duệ của những lãnh đạo gia trưởng - như Jae Yong - sẽ mang tới một phương pháp tiếp cận hiện đại và mới mẻ, họ thấu hiểu rằng cần phải kinh doanh vì quyền lợi của cổ đông, chứ không phải vì gia đình”, ông Herro nói. 

Tuy nhiên, ông Oguro - người được Samsung tuyển dụng từ Sony những năm 2000 - lại có ý kiến ngược lại.

Ông được Samsung mời về để hỗ trợ phân khúc video camera và ở lại với tập đoàn trong 8 năm. Ông tỏ ra nghi hoặc về khả năng thấu hiểu khách hàng của lãnh đạo trẻ.

Năm 2004, Jae Yong đã hỏi ông Oguro về việc tại sao đầu chạy DVD và băng cassette Combo của Samsung lại bán chạy đến vậy. Khi nhận được câu trả lời là do vẫn còn rất nhiều người vẫn thích thuê băng video, Jae Yong đã tỏ ra ngạc nhiên.

“Các sản phẩm của Samsung phục vụ tầng lớp bình dân, nhưng ông ấy lại không biết gì về cuộc sống của những người bình thường. Ông ấy muốn gì là nhân viên đáp ứng cái đó”, ông Oguro chỉ ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Anh (Đời sống & Pháp luật)
Samsung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN