Cấp phép xây dựng: Sẽ gỡ khó cho dân

Sau khi Nghị định 64/CP của Chính phủ về cấp phép xây dựng có hiệu lực (từ 20/10/2012), nhiều hộ gia đình lẫn chuyên gia xây dựng đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý của văn bản này.

Theo quy định của Nghị định 64/CP, điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị là "phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, những trường hợp nằm trong quy hoạch 1/500 mới được cấp giấy phép xây dựng". Cùng với đó, hồ sơ xin phép phải có thêm bản vẽ kết cấu công trình.

Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều người dân và doanh nghiệp, thực tế hiện nay hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước chưa quận, huyện nào có quy hoạch 1/500, chỉ những dự án của doanh nghiệp mới có quy hoạch này.

Còn nếu khu vực nào đã có quy hoạch 1/500 thì trong quy hoạch này đã quy định rõ về khoảng lùi, tầng cao, kiến trúc… chi tiết, đầy đủ trước đây, những dự án đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 thì không phải xin cấp phép xây dựng, chủ nhà chỉ xây dựng theo mẫu nhà chung của toàn dự án.

Cấp phép xây dựng: Sẽ gỡ khó cho dân - 1

Với quy định mới, nhiều hộ gia đình đã phải hoãn kế hoạch xây nhà mới của mình vì không thể xin được giấy phép xây dựng.

Theo các chuyên gia xây dựng, việc ban hành Nghị định 64 đã gây khó khăn cho nhiều người dân, gây tốn kém cho họ cả về tiền bạc lẫn thời gian. Chẳng hạn, để xây một căn nhà trước đây chỉ cần bản vẽ kiến trúc với chi phí khoảng 3-4 triệu đồng. Nay, với quy định mới trong Nghị định 64 thì người dân phải thuê làm bản vẽ kết cấu tốn thêm khoảng 10 triệu đồng và khoảng 1 tháng để hoàn thành.

Thậm chí, với quy định mới, hiện nhiều hộ gia đình đã chuẩn bị kinh phí, ký hợp đồng thuê thầu xây dựng nhà, nhưng phải hủy bỏ vì không xin được giấy phép xây dựng.

Trước phản ánh của người dân và cơ quan quản lý, mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thừa ủy quyền Thủ tướng đã có văn bản giải trình những vướng mắc này.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Nghị định 64 quy định về điều kiện phải phù hợp với quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, thiết kế đô thị là chỉ áp dụng đối với công trình, nhà ở tại đô thị. Trường hợp khu vực đô thị đã ổn định đã ổn định chức năng thì không phải lập quy hoạch chi tiết mà chỉ lập thiết kế đô thị để làm căn cứ cấp giấy phép xây dựng.

Còn ở nông thôn, việc cấp phép xây dựng chỉ áp dụng đối với những khu vực đã có quy hoạch điểm dân cư hoặc có quy định cụ thể của của UBND cấp huyện. Những khu vực còn lại khi xây dựng nhà ở không phải xin giấy phép xây dựng.

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho người dân, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở nông thôn, trong đó bản vẽ chỉ yêu cầu đơn giản, chỉ có sơ đồ mặt bằng công trình, với nhà dưới 3 tầng thì cho phép hộ gia định tự thiết kế mà không phải thuê tư vấn thiết kế và thẩm định.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, những vướng mắc hiện nay là do việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tại các địa phương triển khai chậm.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh việc khắc phục hạn chế trên. Đồng thời, sắp tới Bộ sẽ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể đối với từng loại hình công trình và nhà ở riêng lẻ tại đô thị và nông thôn, trong đó có tính đến các điều kiện về quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đối với các công trình, nhà ở tại các khu đô thị đã ổn định về chức năng cho phù hợp với tình hình thực tế. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Anh (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN