Cấp phép đầu tư FDI: Bớt thủ tục, thu hút vốn

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, thời gian cấp phép đầu tư kéo dài một phần do các địa phương còn “nhút nhát” khi đưa ra các quyết định. Ông cho biết, sẽ bỏ bớt nhiều thủ tục thời gian tới.

Thủ tục đầu tư nhiêu khê, nhiều giấy phép con gây mất thời gian, cơ hội và tăng chí phí… là những bức xúc của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại diễn đàn đối thoại giữa chính quyền TPHCM và các doanh nghiệp FDI diễn ra hôm qua, 24/3.

Đại diện Công ty Pizza Hut kể: Trong 2 năm qua, công ty gặp nhiều khó khăn khi xin cấp phép mở mới các điểm hoạt động kinh doanh. Cuối năm 2012, Pizza Hut triển khai mở thêm 2 cửa hàng mới tại Hà Nội, nhưng phải mất 14 tháng mới hoàn tất thủ tục. 

Trong đầu tháng 3/2014, công ty tiếp tục xin mở thêm 3 nhà hàng tại Hà Nội và nhận được yêu cầu của cơ quan cấp phép là ngoài các “giấy phép con” như an toàn thực phẩm, môi trường, chứng minh tài chính, báo cáo kiểm toán thì phải có thêm ý kiến của các quận, nơi công ty sẽ mở cửa hàng.

Theo đại diện một công ty luật, hoàn tất một giấy phép đầu tư phải mất 3-6 tháng, bởi yêu cầu nhiều giấy phép con đi kèm, rồi phải chờ trả lời của các cơ quan quản lý. Mặt khác, thời gian cấp phép hoạt động không đồng nhất: Hai công ty cùng hoạt động trong lĩnh vực và chức năng giống nhau, nhưng một được cấp phép 5 năm, và một được cấp phép 10 năm.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh thừa nhận có tình trạng mỗi địa phương hiểu quy định một cách khác nhau. Bộ trưởng cũng cho rằng, thời gian cấp phép kéo dài còn do các địa phương còn “nhút nhát” khi đưa ra các quyết định. 

Để an toàn, thời gian qua, hầu hết các tỉnh, thành phố đều xin ý kiến bộ ngành chuyên môn với những dự án đầu tư cảm thấy khó quản lý. Lúc này, thời gian cấp phép sẽ phụ thuộc vào thời gian thông tin phản hồi của cơ quan Trung ương.

Giữ quy trình cấp phép hiện hành với 4 lĩnh vực

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, năm 2013, TPHCM tiếp nhận 2.218 hồ sơ và tỷ lệ trễ hẹn rất lớn. Thời gian trễ hẹn dài nhất là 257 ngày, trung bình là 58 ngày. Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan. 

Đó là phải lấy ý kiến các sở ngành, thêm thủ tục, rồi thiếu quy định về hướng dẫn do luật quy định chồng chéo, và cả do nhà đầu tư không bổ sung các thông tin.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Lê Mạnh Hà, kể từ 2/4/2014, TPHCM sẽ thực hiện theo hướng chỉ xin ý kiến khi cần thiết, công khai quá trình xử lý hồ sơ trên mạng nhằm tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nắm rõ hồ sơ, và nhà đầu tư tự kiểm tra. Đối với doanh nghiệp trong nước, sẽ triển khai cấp giấy chứng nhận kinh doanh tại nhà. Thông tin trao đổi với nhà đầu tư sẽ thực hiện qua email.

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Đỗ Nhất Hoàng, việc cấp phép đầu tư trong thời gian tới sẽ dựa vào các tiêu chí để xác định, các địa phương căn cứ các tiêu chí đó để triển khai. Trong sửa đổi Luật Đầu tư tới đây cũng sẽ tập trung làm rõ về các tiêu chí cấp phép.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, cần bỏ bớt các thủ tục cấp phép, chỉ những lĩnh vực liên quan tới 4 lĩnh vực là tài chính – ngân hàng, giáo dục, đất đai, môi trường là vẫn giữ các quy trình cấp phép như hiện nay. 

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện Chính phủ đang cải thiện môi trường đầu tư qua việc giảm thuế và chính sách ưu đãi. Ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ 1/1/2016 sẽ là 20% thay vì 25% như trước đây và 22% hiện nay. Một số thủ tục khác cũng được tinh giản.

Chính sách đất đai minh bạch hóa hơn. “Thủ tục bớt đi để chúng ta thu hút được nhiều vốn FDI hơn”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói. Tuy nhiên, phải có giải pháp quản lý doanh nghiệp FDI nếu bỏ đi hoàn toàn các quy trình cấp phép.

Theo ông Lê Mạnh Hà, kể từ 2/4/2014, TPHCM sẽ thực hiện theo hướng chỉ xin ý kiến khi cần thiết, công khai quá trình xử lý hồ sơ trên mạng nhằm tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nắm rõ hồ sơ, và nhà đầu tư tự kiểm tra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đại Dương (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN