Cạnh tranh khốc liệt trong "thế giới cò" bất động sản
Môi giới bất động sản (BĐS) thường được gọi tắt là sale BĐS hay nhân viên kinh doanh BĐS. Tuy nhiên, một số người lại vẫn quen gọi nghề này với cái tên “cò” BĐS.
Trong cuộc sống hàng ngày, người ta thường quen với các tên gọi như: “cò” thuốc, “cò” bệnh viện, “cò” giấy tờ…. và “cò” nhà đất để chỉ những người trung gian hưởng hoa hồng từ đôi bên.
Môi giới BĐS thường hay bị gọi là cò nhà đất (Ảnh minh họa).
Trở lại khái niệm “cò” bất động sản, tại sao lại có khái niệm này khi hiện nay, để chỉ công việc môi giới nhà đất người ta đã có những khái niệm khác như: chuyên viên kinh doanh BĐS, nhân viên môi giới địa ốc?
Loài cò được xem là loài động vật không bao giờ hại đồng loại, để bẫy cò người ta thường bịt mặt con cò lại hoặc dùng một con cò bằng gỗ và điều khiển được. Con cò trang trí giống y hệt một con cò thực thụ để dụ những con cò trên cánh đồng lại gần và cò thật bị sập bẫy. Con cò gỗ là con cò môi giới làm cho lũ cò thật sa bẫy. Đây cũng là nguồn gốc của tên gọi “cò” mà nhiều người vẫn dành cho nghề môi giới.
Xã hội phát triển, tên gọi “cò” nhà đất cũng ít xuất hiện hơn mà thay vào đó là môi giới BĐS. Để trở thành một nhà môi giới nhà đất hợp pháp, bạn phải tham gia khóa học bắt buộc và thi để được nhận chứng chỉ. Chứng chỉ này không chỉ thể hiện trình độ của nhà môi giới mà còn chứng tỏ môi giới là một nghề nghiệp thực thụ và không phải lừa đảo.
Người môi giới là người có kiến thức chuyên nghiệp tư vấn giúp cho người mua và người bán đều có lợi ích trong việc mua bán, chỉ nhận hoa hồng sản phẩm hoặc phí môi giới, không lợi dụng để tạo lợi ích cá nhân cho bản thân mình.
Ngày nay có rất nhiều chủ đất quyết định tự xây nhà và tự bán với hình thức thông thường là cắm biển rao bán, dán thông báo… nhưng họ hoàn toàn bế tắc trong việc tiếp cận khách hàng mục tiêu của mình. Lý do hết sức giản đơn, khách hàng không quan tâm vàtin tưởng vào những tờ giấy dán trên cột điện. Do đó, môi giới BĐS ra đời để kết nối giữa người mua và người bán lại với nhau.
Những khách hàng mới lần đầu đi mua nhà, mua đất thường không biết gì vế giấy tờ pháp lý: Mua bán ra sao? Đặt cọc thế nào? Giá cả bao nhiêu là phù hợp? Cách thức mua bán, cách giao tiền, giao nhà, nhận giấy tờ sang tên đăng bộ ra sao...? Chính lúc này, môi giới sẽ tư vấn cho khách hàng từng bước giao dịch.
Tuy nhiên, thế giới của môi giới BĐS không chỉ một màu hồng yên bình, giới thiệu khách hàng và nhận hoa hồng. Nơi đây cũng giống một chiến trường mà nhiều môi giới “đấu đá” lẫn nhau.
Thông thường một nhân viên môi giới BĐS không cần bằng cấp, không phải tốt nghiệp đại học này hay cao đẳng kia mà chỉ cần giao tiếp hoạt bát là được. Công ty môi giới BĐS nơi họ làm việc cũng chẳng cần nhân viên của mình có bằng cấp cao, chỉ cần bán được hàng cho họ mà thôi.
Bán được sản phẩm, hoa hồng dành cho môi giới rất nhiều, có khi đủ sống 3 tháng chính vì vậy trong mỗi công ty môi giới thì việc cạnh tranh, giành giật khách càng trở nên khốc liệt.
Trong mỗi sản phẩm bán được thì “cò” hay còn gọi là môi giới luôn được chiết khấu phần trăm tùy theo giá trị sản phẩm. Có những khách hàng vừa gặp một môi giới này xong thì ngay sau đó một môi giới khác cùng công ty nhanh chóng tiếp cận, chấp nhận cắt phế hoa hồng của mình để trả cho khách – hay trong giới “cò” gọi là “cắt máu”.
“Được 30 triệu đồng từ một căn hộ thì nhân viên đó sẵn sàng cắt phế luôn cho khách thêm 10 triệu đồng từ chính tiền hoa hồng của mình, thử hỏi có khách nào lại không chọn nhân viên đó” - Một nhân viên môi giới BĐS chia sẻ.
Chính vì thế, nhiều công ty để hạn chế “cạnh tranh không lành mạnh” đã ra một số quy định như không được “tranh” khách trong nhà mẫu. Nếu môi giới nào vi phạm sẽ bị phạt 100 triệu đồng cho 1 lần vi phạm.