Cảnh giác với sàn vàng ảo

Nhiều ngân hàng tăng huy động vàng, trong khi ngược lại, nhà đầu tư trên sàn vàng ảo lo lắng sau vụ lừa đảo lên tới 60 tỉ USD ở Trung Quốc.

Hồi cuối tháng 6, các ngân hàng (NH) thương mại lớn, nhỏ trên địa bàn TPHCM đều ngưng hoặc giảm mạnh việc huy động vàng, có NH chỉ nhận gửi từ 10 lượng vàng trở lên. Thế nhưng gần đây, nhiều NH đang tăng huy động vàng trở lại, lãi suất gửi vàng cũng tăng lên.

Gom vàng để kiếm lời?

Từ ngày 18-7, NH TMCP Á Châu (ACB) phát hành chứng chỉ huy động vàng kèm quyền chọn kỳ hạn từ 1 - 3 tháng với lãi suất 0,8%/năm. Đối với các chứng chỉ huy động vàng chưa đến ngày đáo hạn, ACB tiếp tục thực hiện những cam kết với khách hàng. Những khoản gửi đáo hạn sau ngày 25-11 (thời điểm chấm dứt huy động vàng theo quy định) nhưng khách hàng không đến rút, ACB sẽ chuyển sang giữ hộ vàng không trả lãi.

Từ ngày 28-7, NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng vào cuộc với số lượng nhận huy động vàng miếng SJC từ 1 chỉ trở lên với lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 0,5%/năm, kỳ hạn 2-3 tháng lãi suất cao hơn là 0,6%/năm. Tại NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), lãi suất gửi vàng cao nhất là 1,2%/năm kỳ hạn từ 4 đến 6 tháng. Các NH khác như SCB, VietABank… cũng không ngừng nhận vàng khách hàng đem đến gửi.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM, cho biết huy động vàng không áp dụng đại trà mà chỉ những đơn vị được NH Nhà nước cho phép huy động nhằm cân bằng trạng thái, dùng vàng mới huy động chi trả vàng cho các khoản huy động vàng trước đó. Việc huy động phải chấm dứt vào ngày 25-11 theo quy định của NH Nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều người trong ngành cho rằng các NH có thể đang gom vàng kiếm lời khi giá vàng ít biến động, lãi suất VNĐ cao. Với NH yếu thanh khoản thì “cái gì huy động được đều gom” nhằm bù đắp thanh khoản. Đối với các NH khỏe, thậm chí dư thừa vốn, vẫn gom vàng là để hưởng chênh lệch lãi suất.

Cụ thể, từ nhiều tháng qua, giá vàng trong nước luôn ổn định ở vùng 41- 42 triệu đồng/lượng và dự báo khó tăng mạnh trong ngắn hạn. Lúc này, các NH được phép huy động vàng sẽ bán vàng lấy tiền đồng, cho vay ngắn hạn VNĐ với lãi suất 13%-14%/năm sẽ lời lớn so với lãi suất huy động vàng trên dưới 1%/năm.

“Có thể kiếm lời từ vàng, dại gì các NH không làm. Còn khả năng rủi ro khi giá vàng tăng mạnh là có thể nhưng trong thời điểm này rất khó xảy ra” - một chuyên gia am hiểu lĩnh vực này phân tích. Chưa kể, một số NH được kinh doanh vàng tài khoản, với mức chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới luôn từ 1-2 triệu đồng/lượng, nếu giá vàng biến động, NH có thể mua vàng tài khoản để cân đối nên không sợ bị lỗ.

Cảnh giác với sàn vàng ảo - 1

Nhà đầu tư cần cảnh giác, không nên lao vào các sàn vàng ảo.

Cảnh giác sàn vàng chui

Sau vụ một mạng lưới giao dịch vàng tương lai (sàn vàng ảo) bị phát hiện đã lừa đảo hàng ngàn người chơi tại Trung Quốc với số tiền lên tới 60 tỉ USD, nhiều nhà đầu tư vàng ảo trong nước bắt đầu thận trọng. Để trấn an nhà đầu tư, nhiều sàn vàng chui trong nước liên tiếp mời gọi. Nhân viên một sàn vàng ảo ở Hà Nội có chi nhánh tại TPHCM tiếp thị: Sàn vàng H. được lập bởi các công ty uy tín, được “bảo kê” bởi một số công ty chứng khoán, tập đoàn bất động sản… nên sẽ không có chuyện lừa đảo như ở Trung Quốc. Một số người còn cho rằng vụ lừa đảo sàn vàng Trung Quốc không thể ảnh hưởng đến Việt Nam bởi hệ thống máy chủ của các công ty trong nước đa phần ở Nga...

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), cảnh báo: Tình trạng sàn vàng chui ở Trung Quốc và Việt Nam đang diễn ra với cách thức, mô hình giống nhau nên khả năng rủi ro rất cao. Mạng lưới sàn vàng vừa bị cảnh sát Trung Quốc phát hiện đã giao dịch chui từ nhiều năm nay. Các nhà đầu tư hoa mắt bởi viễn cảnh lợi nhuận khổng lồ kiếm được từ sàn vàng ảo khi đòn bẩy tài chính cao, chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ mở tài khoản.

Tại Việt Nam, các sàn vàng chính thức đã phải dừng hoạt động từ tháng 3-2010 nên các sàn vàng hiện nay đều hoạt động bất hợp pháp. Các công ty quảng cáo chỉ là đại lý, nhà đầu tư sẽ “đánh” vàng trực tuyến theo giá thế giới với các sàn quốc tế…

“Vụ lừa đảo 60 tỉ USD tại Trung Quốc là bài học cho những nhà đầu tư đang lao vào sàn vàng trái phép trong nước khi nguy cơ rủi ro, thua lỗ, cháy tài khoản… là rất lớn. Không ít nhà đầu tư cũ của VGB tham gia sàn vàng chui phản ánh việc họ bị thua lỗ, cháy túi hoặc có thắng nhưng không lấy được tiền” - ông Hải dẫn chứng.

Khó đòi tiền dù thắng

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, hoạt động của các sàn vàng trực tuyến hiện nay là bất hợp pháp. Vì sàn vàng hoạt động phi chính thức nên khi nhà đầu tư bị “quỵt” tiền cũng không biết kêu ai. Ngay hoạt động chuyển tiền bằng ngoại tệ giữa nhà đầu tư với các sàn vàng chui cũng đã vi phạm Nghị định 95 về quản lý ngoại hối. Vì vậy, nhà đầu tư cần cảnh giác, không nên lao vào các sàn vàng ảo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN