Cảnh giác khi mua đất nền thanh lý ‘siêu rẻ’

Tờ rơi, tin nhắn, giấy dán cột điện rao bán đất nền do ngân hàng thanh lý với giá vài trăm triệu đồng/nền đang ồ ạt xuất hiện tại TP.HCM trước thềm xuân Mậu Tuất.

Tạm lắng một thời gian, gần đây hoạt động buôn bán đất nền tại TP.HCM nở rộ trở lại. Ngoài các cách thức như dán giấy, phát tờ rơi quảng cáo, hằng ngày người dân còn liên tiếp nhận được các tin nhắn có nội dung “ngân hàng (NH) đang thanh lý đất nền giá siêu rẻ ”. 

Do giá rao bán chỉ dao động 300-800 triệu đồng/nền nên được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, khi đi thực tế, không ít khách hàng thất vọng do đất quá xấu, nằm ở vị trí xa, giấy tờ chưa rõ ràng…, khác hẳn những gì được quảng cáo.

Cảnh giác khi mua đất nền thanh lý ‘siêu rẻ’ - 1

“Mua là có lời ngay”

Thấy trước nhà có tờ rơi giới thiệu NH thanh lý hàng chục lô đất giá rẻ, chị Ngọc Thảo (ngụ quận Tân Bình) vội liên hệ theo số điện thoại ghi trên đó thì gặp một người xưng là nhân viên Công ty Địa ốc Đ.H.T. Nhân viên này cho hay khu đất trên được chủ đầu tư cũ thế chấp tại NH nhưng hiện không còn khả năng trả nợ. Vì thế NH liên kết với Công ty làm lại hạ tầng, phân lô bán nền để phát triển thành khu dân cư Phong Phú 2. Khi ký hợp đồng mua bán, khách hàng sẽ được phía NH hỗ trợ sang tên sổ đỏ.

“Sau khi thanh toán 95%, khách hàng sẽ được làm thủ tục sang tên, công chứng luôn. Nếu muốn mua theo hình thức trả chậm thì khách hàng chỉ cần thanh toán trước 50%, số còn lại trả chậm trong vòng sáu tháng không lãi suất. Đất này mua để ở là ngon lành!” - nhân viên này cam kết.

Nghe chị Thảo băn khoăn không biết chủ đầu tư cũ đã giải chấp hết các lô chưa bán ra hay chưa, nhân viên môi giới vội khuyên chị… nên mua để đầu tư. “Giai đoạn này, bên công ty chỉ triển khai bán trước 50 nền có diện tích 90-100 m2, giá 520-650 triệu/nền tùy vị trí và diện tích. Qua Tết sẽ tiếp tục mở bán giai đoạn 2 và giá sẽ tăng lên 15%. Như vậy, nếu chị mua ngay giai đoạn này thì qua Tết đã lời ít nhất 15% rồi. Khu vực này mua để đầu tư hoặc xây phòng trọ đều rất tiềm năng, ở đây người dân được xây dựng tự do” - nhân viên tư vấn rót mật vào tai chị Thảo.

Chị Thảo tiếp tục đề nghị được xem giấy tờ trước khi mua đất thì người môi giới ngập ngừng nói sổ đang thế chấp tại NH. Nếu muốn ra sổ liền thì khách hàng phải đóng luôn 95% giá trị đất. “Tôi thấy giá cả khá phù hợp nhưng giấy tờ có vẻ nhập nhằng khiến tôi thấy lo nên không dám mua nữa, dù cũng tiếc vì giá khá mềm” - chị Thảo chia sẻ.

Cảnh giác khi mua đất nền thanh lý ‘siêu rẻ’ - 2

Tờ rơi, giấy dán quảng cáo đất ngân hàng thanh lý đang xuất hiện nhiều nơi ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đừng chết vì ham rẻ

Trao đổi về hiện tượng này, lãnh đạo một NH cho biết: Khi thanh lý tài sản, các NH thường đăng tải thông tin trên website và các phương tiện truyền thông một cách công khai, minh bạch chứ không sử dụng hình thức phát tờ rơi dọc đường, dán cột điện hoặc thông qua cò đất. Quy chế của ngành NH đòi hỏi mọi thủ tục thẩm định tài sản thế chấp, nhất là đối với bất động sản phải chặt chẽ, minh bạch, hồ sơ pháp lý vững chắc và đầy đủ, thậm chí có hẳn chứng thư thẩm định giá tài sản này.

“Vì vậy, có thể khẳng định thông tin trên tờ rơi, tin nhắn rao bán đất là tài sản thanh lý của NH đều là mạo danh. Các cò đất hoặc công ty môi giới sử dụng thông tin đất “cắm” NH sẽ dễ dụ được người mua đến tham quan nhiều hơn” - vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín đưa ra lời khuyên: Trước khi quyết định mua, khách hàng phải kiểm tra kỹ xem đất đã ra sổ chưa. Với hợp đồng mua bán, cần rà soát kỹ để tránh các điều khoản bất lợi cho mình. Đối với tài sản đã thế chấp thì cần phải quan tâm xem đã được giải chấp chưa. Nếu không kiểm tra kỹ, lỡ dính vào một tài sản thế chấp thì sau này khách hàng sẽ rất phiền toái. Ngoài ra còn phải xem dự án đó nằm trong khu quy hoạch chưa, cơ sở hạ tầng thế nào...

“Cứ cho là quỹ đất ở TP.HCM ngày càng cạn kiệt nhưng cũng không phải đến mức nhà đầu tư phải “vơ bèo gạt tép”, lao vào mua những dự án đất nền dính líu đến thế chấp, thanh lý làm gì cho mệt. Hiện không thiếu dự án có giấy tờ pháp lý đầy đủ, quy hoạch bài bản do các chủ đầu tư uy tín chào bán, khách hàng đầu tư vào những dự án như thế sẽ an toàn hơn rất nhiều” - ông Tín phân tích.

Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cũng cho rằng: Về khía cạnh thị trường thì những mỹ từ như thanh lý, giá rẻ… chỉ là kỹ thuật quảng cáo nhằm lôi kéo khách hàng tới. Bằng thuật ngữ tài sản NH thanh lý, người môi giới nhà đất đánh vào tâm lý người dân nghĩ rằng cái gì thanh lý giá cũng rẻ và có NH đứng đằng sau thì sẽ an tâm hơn. Nhưng đa phần những nền đất này đều ở xa, thuộc loại kén người mua hoặc là những miếng đất trước đây quy mô lớn khó bán, nay dùng kỹ thuật phân lô bán nền để đẩy hàng nhanh hơn. Điều đó cũng khiến hiện tượng phân lô bán nền nở rộ ở nhiều quận, huyện vùng ven TP.

“Với những dự án đất giá rẻ, thấp hơn giá trung bình trên thị trường khu vực thì thường tiềm ẩn yếu tố rủi ro pháp lý: Hoặc là giấy tờ chưa hợp lệ, hoặc là khu vực đó chưa được phép phân lô tách thửa. Do đó, nhà đầu tư cần phải đặc biệt quan tâm để tránh mất tiền oan vì những loại tài sản không rõ nguồn gốc, pháp lý mập mờ” - ông Hiển khuyến cáo.

Tiền nào của nấy thôi, giá rẻ thì chẳng thể nào là của "thơm" được. Công ty kinh doanh bất động sản giờ nhiều như nấm sau mưa, chỉ cần có mảnh đất rộng vài chục nền là thành lập được công ty. Phân lô bán nền xong thì họ cũng rút lui khỏi thị trường. Những kiểu làm ăn chụp giựt, treo đầu dê bán thịt chó không phải là chuyện hiếm. Chính vì thế những ai muốn mua đất xây nhà nên tìm hiểu thật kỹ về pháp lý, không nên quá tin vào lời quảng cáo.

Ông HUỲNH TRUNG HIẾU, một nhà đầu tư nhà, đất chuyên nghiệp ở quận 3, TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Linh (Pháp luật TPHCM)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN