Cảnh báo thất thu ngân sách trong khai khoáng
Hôm qua (10/10), nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam thất thu ngân sách đáng kể bởi tình trạng xuất lậu khoáng sản, coi nhẹ chế biến, gian lận kê khai thuế, phí liên quan khai khoáng… Vì vậy, nên sớm thực thi Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác.
Tại Hội thảo “Tăng hiệu quả thu ngân sách từ khai thác khoáng sản, giải pháp nào cho Việt Nam” diễn ra hôm qua (10/10), TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nêu số liệu thống kê của Trung Quốc năm 2012 cho thấy, Việt Nam xuất sang Trung Quốc nhiều hơn 5,4 tỷ USD so với số liệu báo cáo của Việt Nam và trong số chênh đó, phần lớn đến từ xuất tài nguyên khoáng sản.
Việt Nam vẫn chưa thực thi sáng kiến minh bạch trong khai thác khoáng sản dù đã tiếp cận 5 năm nay. Ảnh minh họa: Như Ý
Doanh nghiệp tự khai tự nộp
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) cho hay, theo báo cáo của Bộ Tài chính trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về tăng thuế suất tài nguyên, số thu thuế tài nguyên bình quân giai đoạn 2010-2012 là 35.542 tỷ đồng/năm, chiếm 5,54% tổng thu ngân sách.
Phần lớn tiền thuế tài nguyên đến từ dầu khí, chiếm 82-83% tổng thu thuế tài nguyên, các loại tài nguyên khác chỉ chiếm 16-17% tổng thu thuế tài nguyên và 1,43% tổng thu thuế nội địa. Theo đại diện Tổng cục Thuế, tỷ trọng số thu thuế tài nguyên còn nhỏ so với tổng thu thuế và phí nội địa.
Theo ông Thuấn, Luật Khoáng sản 2005 quy định, hoạt động thăm dò, khai thác chủ yếu thông qua hình thức cấp phép theo cơ chế của hệ thống xin-cho, khoáng sản khai thác chưa được chế biến sâu, giá trị không cao.
Vì vậy, ngoài thuế tài nguyên và lệ phí giấy phép không đáng kể thì hiệu quả nguồn thu ngân sách từ khai thác khoáng sản nhìn chung thấp, chưa kể để lại nhiều hậu quả xấu về môi trường, xã hội.
TS Lê Đăng Doanh nêu ví dụ, có địa phương, tiền thuế tài nguyên không đủ trang trải chi phí hoạt động của bộ máy hành chính; có địa phương, tiền thuế tài nguyên không bù được tiền tu sửa đường xuống cấp do khai thác khoáng sản gây ra.
Đại diện Tổng cục Thuế chỉ rõ các bất cập trong thu thuế tài nguyên khai thác khoáng sản hiện nay như nhiều tài nguyên có giá trị cao chưa có quy định thu thuế tài nguyên, các loại đá granite cao cấp vẫn có mức thuế suất như đá thông thường .
Chính sách thuế cũng chưa quy định rõ việc thu thuế tài nguyên với hộ gia đình, cá nhân khai thác tài nguyên, vật liệu xây dựng thông thường. Nhiều doanh nghiệp để trốn thuế sản lượng, nhiều doanh nghiệp chỉ xuất hóa đơn khi người mua yêu cầu.
Đặc biệt, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp chủ yếu thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp. Các khoản thuế phí chủ yếu được tính toán dựa trên sản lượng do doanh nghiệp tự khai báo. Trong khi đó, hiện chưa có cơ chế để giám sát sản lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp.
Một vấn đề khác được nêu ra là chuyện xuất lậu khoáng sản. Theo TS Lê Đăng Doanh, việc xuất khẩu lậu tài nguyên khoáng sản như than đá diễn ra khá công khai và nhức nhối. Với sản lượng xuất khẩu lậu, chúng ta không thu được thuế dẫn đến thất thoát.
Nên sớm tham gia Sáng kiến minh bạch khoáng sản
Ở góc độ khác, ông Đậu Tuấn Anh, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải đối mặt hiện tượng chi trả chi phí không chính thức cao và phổ biến.
Doanh nghiệp thường phải chi 7% tổng thu nhập cho các chi phí không chính thức, khoảng 10% doanh nghiệp phải chi trên 10% tổng thu nhập cho chi phí không chính thức.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, biện pháp tốt nhất để vừa hạn chế thất thu trong khai thác tài nguyên và giảm tham nhũng, phiền nhiễu cho doanh nghiệp là thực thi Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI).
Bà Trần Thanh Thủy, điều phối viên của Liên minh Khoáng sản nêu ví dụ về vai trò của EITI. Ở Nigeria, thông qua báo cáo EITI năm 2005, chính phủ nước này xác định được 560 triệu USD cần truy thu từ lĩnh vực dầu khí đồng thời tiết kiệm được 1 tỷ USD ngân sách.
Với nguyên tắc chính phủ và doanh nghiệp cùng công khai một số thông tin liên quan công nghiệp khai thác dưới sự tham gia của cơ quan giám sát độc lập, EITI được coi như bộ tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực khai thác tài nguyên. Tính đến tháng 7, có 45 quốc gia cam kết thực hiện EITI. Ở khu vực ASEAN, các quốc gia đã thực thi EITI gồm Indonesia, Timor Leste, Philippines và Myanmar.
Theo TS Lê Đăng Doanh, lợi ích của việc thực thi EITI đã được khẳng định, điều quan trọng là chúng ta phải nhanh chóng thúc đẩy việc thực thi EITI. Việt Nam tiếp cận EITI từ năm 2009 thông qua việc tham dự hội nghị toàn cầu EITI tại Doha.
Bộ Công Thương sau đó được chỉ định là cơ quan đầu mối xem xét thực thi EITI ở Việt Nam. Tuy nhiên, 5 năm nay, Việt Nam vẫn chưa chính thức cam kết thực thi EITI. Theo ông Doanh, sự chi phối của các nhóm lợi ích trong công nghiệp khai khoáng là nguyên nhân làm chậm tiến trình thực hiện EITI ở Việt Nam.
Theo dữ liệu khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2009-2013 của VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, khả năng tiếp cận thông tin, tài liệu của doanh nghiệp khai khoáng còn khó khăn, đặc biệt với các chính sách về đất đai, ưu đãi đầu tư, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Điều này khiến các doanh nghiệp phải nhờ cậy tới mối quan hệ với cán bộ cơ quan nhà nước, làm nảy sinh tham nhũng. |