Cảnh báo: “Sớm hay muộn cũng phải đánh thuế tài sản”
Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, Quốc hội có thể trì hoãn việc đánh thuế tài sản hoặc các loại thuế khác nhưng sớm hay muộn việc này vẫn sẽ xảy ra bởi “không gian tài khóa đã hết cửa”.
Ông Cường đã nêu lên quan điểm này tại hội thảo về công cụ quản lý ngân sách Nhà nước do Oxfam tổ chức mới đây.
Theo ông Cường, quy mô chi ngân sách trong cơ cấu GDP của Việt Nam tương đối cao. Điều này đã được ông và các ý kiến khác nhắc tới nhiều năm trước tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra hiện tại.
Trong khi ấy, ở phía ngược lại, vấn đề đặt ra thu ngân sách là năm nay một số địa phương rơi vào tình trạng thất thu vì dựa vào nguồn thu ngoài thuế quá nhiều, ví dụ như khoản thu từ đất đai.
Bởi vậy, ông cho rằng, không gian tài khóa của Việt Nam còn ít và biện pháp sẽ phải tính tới là tăng thuế.
Vì thế, theo ông, Quốc hội có thể đang trì hoãn việc đánh thuế với bất động sản hay một số loại thuế khác nhưng sớm hay muộn, việc này sẽ xảy ra vì hiện đã không còn nguồn thu khác.
“Chính phủ không tự tạo ra tiền. Sớm hay muộn ta cũng phải tăng thuế” vị chuyên gia này nói.
Chuyên gia cảnh báo không gian tài khóa của Việt Nam còn ít và biện pháp phải tính tới sẽ là tăng các loại thuế.
Đây cũng là ý kiến được ông Mathew Martin, Giám đốc Tổ chức Tài chính phát triển quốc tế (DFI) nhắc tới trong khuyến nghị với Việt Nam. Theo ông, thuế suất thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam hiện thấp hơn hầu hết các nước láng giềng và thấp hơn mức trung bình toàn cầu (mức trung bình toàn cầu là 25%).
Ông đề xuất có biện pháp mạnh mẽ hơn là nâng mức thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vị này cũng kiến nghị thêm một loạt khoản có thể tăng thu là: Thuế carbon để khuyến khích giảm sử dụng nhiên liệu sản xuất biến đổi khí hậu. Theo ông, hiện Việt Nam áp dụng thuế bảo vệ môi trường tuy nhiên thuế suất với một số hàng hóa như nhựa hay thuốc trừ sâu rất thấp. Ngoài ra, ông cũng nêu đề xuất cần xem xét lại khoản thuế thu nhập cá nhân với quà tặng và thừa kế hiện chỉ ở 10% hay mức thuế suất hiện chỉ là 0,1% với doanh thu chuyển nhượng cổ phần. Vị này cũng đặt ra câu hỏi về việc xem xét lại việc áp thuế trong du lịch.
Thực tế, thu thuế từ du khách là vấn đề cũng được giới chuyên gia trong nước nhắc tới trước đó.
Trong một hội thảo tổ chức năm 2017, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã nêu ý kiến, cần xem xét đến nguồn thu từ khách du lịch, có thể là 1 USD/người cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Nguyên nhân bởi hiện Việt Nam mới chi khoảng 2 triệu USD xúc tiến mỗi năm, con số này quá nhỏ bé với các nước, chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 1,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nên đánh thuế cao với người có nhiều tài sản.