Cẩn trọng gói vay lãi suất thấp
Nhiều ngân hàng gần đây tung ra gói vay lãi suất thấp chỉ dưới 10%. Tuy nhiên nếu có nhu cầu đi vay, khách hàng nên cẩn trọng tìm hiểu kỹ bởi những ưu đãi đôi khi chỉ “mào đầu”, chưa kể điều kiện vay và ràng buộc không dễ vượt qua.
Với lời mời chào lãi suất ưu đãi chưa từng có, tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Tiên Phong (TPB) tung ra gói tín dụng cho vay lãi suất 0,82%/tháng, tức 9,9%/năm cho 3 tháng đầu tiên.
Trước đó, tháng 9, HDBank mở gói "Phát lộc" lãi suất 8,6%/năm cho khách hàng có nhu cầu vay mua nhà để ở, sửa chữa nhà, vay bổ sung vốn kinh doanh cũng với thời gian ưu đãi 3 tháng đầu.
Ngân hàng HSBC Việt Nam đưa ra sản phẩm và lãi suất tương tự. Chưa kể một loạt chương trình như BIDV dành 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn VND với lãi suất sàn 9%/năm.
VietinBank tung gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi 8,95%/năm. Các gói cho vay lãi suất thấp kể trên đều có điểm chung áp dụng đến hết tháng 12-2012.
Ông N.Đ, một khách hàng nhà ở cư xá Ngân hàng (phường Tân Thuận Tây, quận 7, TPHCM) cho biết bản thân có nhu cầu vay một khoản tiền để nâng cấp, cải tạo nhà ở.
Tuy nhiên, liên hệ với nhiều ngân hàng, ông N.Đ nhận ra “nói dễ nhưng khó làm” bởi đa số điều kiện vay rất khắt khe.
Chẳng hạn, tại HDBank, ông được nhân viên ngân hàng nơi đây tư vấn: Để được vay với lãi suất ưu đãi 8,6%/năm, ông phải có mức thu nhập 30 triệu đồng/tháng, trong đó 70% được trả qua ngân hàng; phải có tài sản đảm bảo tối thiểu 800 triệu đồng nhưng chỉ được cho vay tối đa 50% giá trị tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, khách hàng phải có tối thiểu 50% vốn trong tổng số vốn dự định đầu tư. “Điều kiện như thế, chẳng khác nào đánh đố, tôi đến bó tay” - ông N.Đ nói.
Việc đưa ra các gói cho vay lãi suất dưới 10% chỉ là những chiêu để quảng cáo, còn người có nhu cầu có vay được tiền hay không là chuyện khác. Ông Đặng Quốc Hùng |
Cùng cảnh ngộ, ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM kể bản thân cũng nhận được nhiều lời chào mời vay lãi suất 9%, nhưng khi đến mới thấy vay vốn như “mơ về nơi xa lắm”.
Mặc dù lãi suất hạ, nhưng các điều kiện cho vay rất khắt khe, chưa kể vay được hay không còn tùy vào quan hệ của DN hoặc cá nhân với ngân hàng. Ngay cả có quan hệ tốt thì mức lãi vay tối thiểu cũng 15% chứ không thể thấp hơn, ông Hùng khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành dẫn chứng thêm: “Ngay cả ngân hàng hỗ trợ cho những người mua nhà của công ty mức lãi vay vẫn rơi vào 15%/năm. Những công ty mua nhà hoặc vay để đầu tư kinh doanh bình quân 17-18%/năm”.
Theo ông Đực, lãi suất ưu đãi với nhiều ngân hàng, nhiều sản phẩm có khi chỉ là “chiêu”, ông nào ham nhảy vào ký hợp đồng vay dưới 8-9%, sau đó một thời gian ngắn khi hết thời hạn ưu đãi, lãi suất có thể nhảy lên thì 15-17%/năm.
Một lưu ý khác khi đi vay đó là mức phạt các ngân hàng thường áp dụng cho khách hàng tất toán trước.
Tại TPB, mức phạt đối với khách hàng trả trước trước 1/2 thời vay là 3%, sau 1/2 thời gian vay là 2% và sau 3/4 thời gian vay là 1%. Với nhiều ngân hàng khác, mức phạt này dàn đều từ 1 đến 3%, bất luận trả trước thời gian bao lâu.
Đáng nói nhiều khách khi vay rất không lưu ý đến quy định này. Bản thân nhân viên tư vấn ngân hàng đôi khi cũng không làm rõ.