Cần thay đổi gói 30.000 tỷ nhưng không thể vội

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nhận định, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng không thể giải cứu thị trường BĐS, số tiền này không là gì so với nửa triệu tỷ đồng nợ BĐS.

“Nhưng nó là chất bôi trơn giúp thị trường chuyển động (dù tốt hay xấu) đã là một thành công”, ông Ánh nói. Theo ông, hiện mức thu nhập, tích lũy của người thu nhập thấp và trung bình khu vực thành thị chỉ tạm đủ ăn. Năm 2010, mức thu nhập chỉ khoảng 26 triệu đồng/người/năm - mức này chỉ đủ tiêu dùng cá nhân, làm sao mua nhà với mức giá 10-15 triệu đồng/m2.

Dù có được vay vốn ưu đãi, số tiền kiếm được mỗi tháng cũng không đủ khả năng trả lãi và gốc. “Nhà nước cần tập trung hỗ trợ để tạo phân khúc nhà ở xã hội cho thuê dài hạn, khi nào có điều kiện mới tính tới chuyện giúp họ mua nhà”, ông Ánh chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thừa nhận, việc cho vay gói 30.000 tỷ đồng ban đầu còn trục trặc, tiến độ không như kỳ vọng. Hiện, Bộ Xây dựng đang cùng Ngân hàng Nhà nước khắc phục vướng mắc. “Cũng phải thấy là tốc độ cho vay tháng sau đã cao hơn tháng trước”, ông Hà nói.

Theo ông Ánh, bản chất của gói 30.000 tỷ đồng là có vay - có trả, nên các ngân hàng đều phải quan tâm tới khả năng trả nợ của khách hàng, để khoản cho vay không biến thành nợ xấu (ngay từ khi mới cho vay).

“Số tiền 21.000 tỷ đồng (30% gói hỗ trợ) để cho cá nhân vay không phải lớn, muốn giải ngân hết không khó. Chỉ cần không bắt ai phải chịu trách nhiệm về khoản cho vay và thu hồi vốn thì sẽ hết ngay”, ông Ánh nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, bài học từ gói kích thích kinh tế năm 2009 còn đó. Ban đầu gói kích thích này cũng gặp vướng mắc, vì quy trách nhiệm thu hồi vốn nên không ngân hàng nào dám cho vay. Tuy nhiên, khi vừa bỏ quy định đó “các ngân hàng cho vay thả cửa”.

Ngoài ra, theo ông Ánh, quy định có hợp đồng mua nhà mới xét cho vay vốn ưu đãi là quy trình ngược. Thay vào đó nên xét cho vay trước và mở tài khoản ở ngân hàng đó để giữ tiền. Khi đã được xét vay, người vay sẽ tìm mua nhà và ký hợp đồng, có hợp đồng ngân hàng sẽ giải ngân, chuyển tiền cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, thay vì ưu tiên khâu tiền kiểm thì nên tập trung cho hậu kiểm, nếu ai vi phạm sẽ tịch thu nhà không bồi thường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN