Cạn kiệt tiền, Venezuela phải bán vàng để trả nợ
Hiện nay, Venezuela đang cạn kiệt tiền mặt một cách nhanh chóng và quốc gia này đã phải bán vàng để trả nợ.
Venezuela đang cạn kiện tiền và có thể sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ trong năm tới khi nhiều khoản thanh toán của quốc gia này sắp đến ngày đáo hạn.
Giờ đây, nguồn dự trữ của Venezuela chỉ còn vàng. Tuy nhiên, nguồn dự trữ vàng này cũng đã giảm trong năm nay vì quốc gia này cần tiền mặt để thanh toán các khoản nợ và duy trì các chương trình phúc lợi xã hội.
Ảnh: CNN
Từ nay cho tới cuối năm 2016, Venezuela sẽ phải thanh toán khoản nợ trị giá 15,8 tỉ USD. Tuy nhiên, hiện giờ, quốc gia này vẫn chưa có khả năng thanh toán.
Venezuela chỉ có 15,2 tỉ USD trong dự trữ ngoại tệ, con số thấp nhất kể từ năm 2003. Phần lớn dự trữ ở đây là vàng.
Gần 1 tỉ USD dự trữ của Venezuela là tiền mặt và một vài tỉ USD là dự trữ ở IMF.
Hiện tại, chính phủ quốc gia này vẫn chưa tiết lộ họ đang có bao nhiêu vàng. Trong tháng 2 vừa qua, quốc gia này dự trữ 14 tỉ USD vàng. Đến tháng 5, con số này đã giảm còn 11,7 tỉ USD, tương đương với gần 70% dự trữ vàng. Tuy nhiên, con số này đang cạn kiệt nhanh chóng, theo dữ liệu từ chính phủ Venezuela.
"Venezuela phải bán vàng để thanh toán nợ. Dự trữ tiền mặt của quốc gia này gần như bằng 0", Edward Glossop, chuyên gia kinh tế tại các thị trường mới nổi tại Capital Economics cho biết.
Theo đó, giờ đây, Venezuela phải phụ thuộc vào dầu để thúc đẩy nền kinh tế và thanh toán các khoản nợ. Tuy nhiên, giá dầu vẫn còn rất thấp và quốc gia này cũng không kiếm được bao nhiêu.
Venezuela không có sự lựa chọn ngoại trừ việc bán vàng để thanh toán nợ, các chuyên gia cho biết.
Đây là tín hiệu cho thấy, dù Venezuela là nước dự trữ dầu lớn nhất thế giới thì quốc gia này vẫn là nước có nền kinh tế "tồi tệ" nhất hành tinh hiện nay.
Đồng nội tệ của quốc gia này đã giảm mạnh, lạm phát đã tăng vọt hơn 100% và quốc gia này không thể thanh toán các mặt hàng nhập khẩu rẻ tiền như: khoai tây chiên hay thậm chí là giấy ăn. Nền kinh tế của Venezuela được dự đoán sẽ giảm 10% trong năm nay, theo IMF.
Trong khi đó, chính phủ của quốc gia này vẫn tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu công để tăng cường lương hưu, trợ cấp cho các cửa hàng tạp hóa và cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí. Tuy nhiên, những chính sách này dường như không thể duy trì khi giá dầu đang giảm mạnh.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, hiện giờ chỉ có hai điều có thể cứu được Venezuela:
Thứ nhất là sự hồi phục của giá dầu sẽ giúp Venezuela thu lại được nhiều tiền trong ngân sách. Tuy nhiên, điều này không thể chờ trong ngắn hạn.
Thứ hai là Trung Quốc hoặc Nga, những liên minh chính của quốc gia này, có thể tình nguyện thanh toán các khoản nợ cho Venezuela. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga hiện nay cũng đang rơi vào khủng hoảng, vì thế, Nga không thể cứu Venezuela.
Vào năm ngoái, Trung Quốc đã cung cấp cho Venezuela hàng tỉ USD và quốc gia vẫn có thể cứu Venezuela một lần nữa. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào Trung Quốc ở thời điểm này là điều không bền vững vì nền kinh tế của Trung Quốc đang suy thoái.