Cần có ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế
Ngày 24.10, các đại biểu Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ năm 2013 và các chỉ tiêu trong năm 2014, đồng thời kết hợp thảo luận về đề án tái cơ cấu nền kinh tế.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng: Sắp tới cần phải kiên định với mục tiêu 3 chương trình đột phá và tích cực tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu khu vực dân doanh, tái cơ cấu nông nghiệp. Cần phải tìm ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường chứ không phải chỉ là lúa gạo.
“Làm sao để đẩy mạnh được nội lực của khu vực dân doanh. Muốn vậy thì Chính phủ phải có những cam kết để tạo lập niềm tin thì doanh nghiệp mới tin để vay vốn, đầu tư” - đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng, Việt Nam càng sớm thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì càng sớm vươn lên được. Nếu còn chưa thay đổi được thì chỉ vui với những thành tựu trên giấy mà thôi.
ĐBQH Trần Du Lịch phát biểu tại tổ TP. Hồ Chí Minh chiều qua 24.10.
Theo đại biểu Nghĩa, xuất khẩu là lĩnh vực chúng ta quan tâm và cần phải đánh giá một cách nghiêm túc. Xuất khẩu nhiều nhưng chưa chắc đã vui. Chẳng hạn, lâu nay khu vực FDI đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế, chúng ta cảm thấy vui và yên tâm. “Tuy nhiên tôi cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài đã có thị trường nên họ đầu tư vào chúng ta để đảm bảo hàng hóa cho thị trường có sẵn của họ. Còn các doanh nghiệp trong nước thì tuy xuất khẩu được nhiều nhưng vẫn dựa trên nguyên liệu nhập khẩu, hoặc xuất thô” - ông Nghĩa đánh giá. Vì thế, ĐB Nghĩa nhận định: Việt Nam cần phải đặt ra mục tiêu muốn vượt lên mô hình tăng trưởng mới, vượt lên đẳng cấp mới. Muốn thế chúng ta phải chuyển đổi nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới. Đây là mục tiêu sẽ động đến vấn đề tái cơ cấu. Vấn đề nhóm lợi ích là bình thường nên đề xuất cần có ủy ban tái cơ cấu, có định chế cho chuyên gia độc lập ví dụ, muốn tái cơ cấu điện lực, khoáng sản… làm sao mà để họ tự tái cơ cấu được.
"Việt Nam càng sớm thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì càng sớm vươn lên được. Nếu chưa thay đổi được thì chỉ vui với những thành tựu trên giấy mà thôi”. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa |
Đóng góp thêm về tình hình xã hội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) cho rằng, một trong những vấn đề xã hội đáng báo động nhất hiện nay là tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm bị buông lỏng hết mức. “Rất nhiều thứ hoa quả hiện nay đã bị người sản xuất sử dụng hóa chất để bảo quản, làm cho đẹp mắt để dễ tiêu thụ mà không hề quan tâm tới sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Ngành chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề bức xúc này”.
Một đại biểu khác, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến thì cho rằng: Tình hình kinh tế suy thoái, tỷ lệ người thất nghiệp tăng đã làm tăng đầu vào tội phạm của xã hội. “90% các vụ giết người là do các nguyên nhân xã hội, trong đó 20% số vụ là do người thân trong gia đình giết nhau. Tỷ lệ người phạm tội trẻ tăng lên, tuổi phạm tội thấp xuống, 13 tuổi. Do đó, nếu không có các giải pháp giáo dục mạnh mẽ thì chắc chắn tình trạng này sẽ còn rất phức tạp”- Trung tướng Kim Tuyến cho biết.