Cần có cái nhìn toàn diện về tỉ giá
Kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nguồn thiết bị, nguyên phụ liệu nhập khẩu, khi tỉ giá tăng thì chi phí nhập khẩu sẽ tăng theo, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, giảm tính cạnh tranh của hàng hóa và gây áp lực lạm phát trong nước
Trong mấy ngày qua, tỉ giá tăng khá mạnh, có thời điểm giá USD trên thị trường tự do cán ngưỡng 21.800 đồng/USD, cao hơn khoảng 200-300 đồng/USD so với giá USD niêm yết trong ngân hàng (NH) thương mại.
Không theo sự mất giá các đồng tiền chủ chốt
NH Nhà nước cho rằng tỉ giá trên thị trường khá nhạy cảm với diễn biến đồng USD trên thị trường thế giới và cả động thái điều hành chính sách tiền tệ của các nước, nhất là thông tin từ chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Giá USD tăng mạnh so với một số đồng tiền chủ chốt của châu Âu, Canada, Anh, Malaysia, và Úc nhưng tăng ít so với đồng tiền các nước khu vực châu Á như: Trung Quốc, Nhật, Thái Lan… Thương mại của Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn ở thị trường các nước châu Á, nơi đồng tiền mất giá ít so với USD, nên tác động về cán cân thanh toán chưa đáng kể.
Việc điều hành tỉ giá cần tầm nhìn toàn diện về lợi ích của nền kinh tế. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Tấn Thạnh
Việc điều hành tỉ giá mấy năm qua khá ổn định, chỉ có năm 2011 tiền Việt trượt giá đến 9,3% so với USD nhưng từ năm 2012 đến nay tỉ giá USD luôn được điều chỉnh tăng bình quân 1%-2%/năm. Một quan chức NH Nhà nước phân tích: “Không nhất thiết phải điều chỉnh mạnh tỉ giá theo mức độ mất giá của các đồng tiền chủ chốt so với đồng USD. Việc điều chỉnh tỉ giá cần có cái nhìn toàn diện với mối tương quan giữa VNĐ với các đồng tiền khác, đặc biệt cần xem xét tỉ trọng thương mại của Việt Nam với các nước”. Vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn thiết bị, nguyên phụ liệu nhập khẩu, nên khi tỉ giá tăng thì chi phí nhập khẩu sẽ tăng theo, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, dẫn đến giảm tính cạnh tranh của hàng hóa và gây áp lực lạm phát trong nước.
Hàm chứa nguy cơ lợi bất cập hại
Trong điều kiện nợ công về ngoại tệ khá lớn, việc tăng tỉ giá sẽ gián tiếp làm tăng thêm nợ nước ngoài. Tại cuộc họp về tình hình kinh tế trong nước quý I/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, đại diện Vụ Kinh tế Dịch vụ cho rằng việc tăng tỉ giá hỗ trợ xuất khẩu không nhiều nhưng lại tác động làm tăng thêm nợ công. Nếu tỉ giá tăng 1% sẽ làm dư nợ nước ngoài tăng thêm khoảng 10.000 tỉ đồng, bởi phần lớn các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam tính bằng USD.
NH Nhà nước khẳng định hoàn toàn có cơ sở để ổn định tỉ giá USD trong biên độ không quá 2% trong năm nay. Hạn mức đó đã “chi” 1% trong những ngày đầu năm, khi tỉ giá đưa lên 21.458 đồng/USD nhằm dẫn dắt thị trường. Theo Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm, nền kinh tế nhập siêu khoảng 1,8 tỉ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,8 tỉ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2 tỉ USD. Tuy nhập siêu khá lớn nhưng do cung cầu ngoại tệ của doanh nghiệp chưa căng thẳng, các tổ chức tín dụng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu chính đáng của cá nhân và doanh nghiệp, nên việc điều chỉnh tăng tỉ giá USD sẽ hàm chứa nguy cơ lợi bất cập hại.
Hai luồng ý kiến Có 2 luồng ý kiến về chính sách điều hành tỉ giá. Một số chuyên gia cho rằng cần mạnh dạn phá giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Nhưng số chuyên gia khác cho rằng trong điều kiện nhập siêu triền miên, nợ công ngoại tệ lớn, việc tăng tỉ giá sẽ mang đến nhiều khó khăn hơn cho nền kinh tế... Qua cân nhắc việc lợi và hại, NH Nhà nước nhấn mạnh việc sử dụng công cụ tỉ giá thời điểm này cần nhìn toàn diện về sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu và tác động lên nhập khẩu. Xuất khẩu được lợi nhờ điều chỉnh tăng tỉ giá nhưng chi phí đầu vào cũng bị đội lên, sẽ khiến đóng góp cho tăng trưởng kinh tế không cao. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gia công dựa trên nhập nguyên vật liệu nên giá trị gia tăng thấp, đó là chưa kể đến các yếu tố yếu kém khác mang tính cạnh tranh về mẫu mã, chủng loại, tính năng vượt trội... |