Cận cảnh Dự án 5.000 tỷ ngập bùn đất
Dự án Điamôn Phốt phát do Cty cổ phần DAP 2 – Vinachem làm chủ đầu tư không chỉ ngập bùn đất mà cột khói của nhà máy còn bị nghiêng, nhiều hạng mục kém chất lượng.
Tranh cãi chậm tiến độ
Việc Dự án nhà máy phân bón Điamôn Phốt phát tại Tằng Looroong (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) ngập bùn đất ảnh hưởng đến các nhà thầu dẫn đến việc thi công chậm tiến độ và chất lượng công trình. Việc này không những không được chủ đầu tư (Công ty cổ phần DAP 2 – Vinachem) đưa ra giải pháp khắc phục mà lại chuyển sang tranh cãi, khiến tiến độ bị kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình và gây thiệt hại tiền của nhà nước.
Đường đi vào công trình ngập bùn đất gây cản trở việc thi công. Ảnh: Minh Đức
Như báo Tiền Phong đã phản ánh “Sắt thép hoen gỉ giữa công trường ai chịu?” (4/9/2013) và “Nhà máy phân bón DAP2 chậm tiến độ do đâu?” (30/8/2013), đơn vị thi công là Tổng công ty cổ phần xây dựng công nghiệp Việt Nam thực hiện xây dựng gói thầu EPC 1 đã bị “đẩy” khỏi dự án Điamôn Phốt phát do Công ty cổ phần DAP 2 – Vinachem làm chủ đầu tư.
Nguyên nhân dẫn đến việc Vinaincon bị “trảm” là vào ngày 1/8, TTCL là nhà thầu đứng đầu liên danh trong dự án có văn bản số F032- TTCL (H)-L-0272 gửi chủ đầu tư DAP 2- Vinachem cho rằng, nhà thầu Vinaincon chậm tiến độ và đề nghị dừng công việc của nhà thầu này.
Đại diện DAP 2 cho biết Vinaincon đã thi công hạng mục 06 không đạt chất lượng thi công theo thiết kế, kế hoạch huy động nhân lực, máy móc, thiết bị không đáp ứng được yêu cầu… Tuy nhiên, bản thân DAP 2 cũng thừa nhận, không chỉ Vinaincon chậm tiến độ, nhiều nhà thầu khác thi công tại dự án này cũng không đảm bảo tiến độ theo cam kết.
Phải đi ủng giữa trời nắng vào công trường.
Lỗi nhiều bên, đổ hết cho một bên
Trái ngược với việc “hăng hái” để liệt kê các lỗi của nhà thầu Vinaincon, thì những tồn tại của đơn vị thiết kế là CECO cũng như các nhà thầu khác lại không được TTCL đề cập đến trong văn bản 0272 gửi chủ đầu tư DAP 2. Đặc biệt, chỉ đến khi báo chí đặt câu hỏi, đại diện của chủ đầu tư là DAP2 mới thừa nhận tháp ống khói của nhà máy cũng bị “vênh” so với thiết kế. Theo đó, ống khói bị vênh, phía giám sát thi công cũng đã yêu cầu nhà thầu hạng mục này phải “nắn” lại cho thẳng.
Khi mọi chuyện chưa ngã ngũ, thì trong một động thái bất ngờ, phía TTCL đã giao cho nhà thầu CECO tạm thời quản lý và thực hiện các công việc vật chất trên công trường một số hạng mục trong gói thầu EPC 1 do Vinaincon thi công, không cho công nhân của Vinaincon vào công trường để bảo vệ tài sản của mình.
Đại diện chủ đầu tư nói rằng họ chỉ quan tâm đến tiến độ, chất lượng công trình và làm việc với đại diện liên danh nhà thầu là chính. Theo ông Đồng Văn Quyết – Giám đốc DAP2- VINACHEM, căn cứ vào hợp đồng liên danh đã ký giữa các bên thì đại diện liên danh nhà thầu có quyền đề nghị chấm dứt công việc của nhà thầu thành viên trong liên doanh, nếu chủ đầu tư không trả lời thì nhà thầu đứng đầu liên danh vẫn có quyền quyết định việc đó.
Phía chủ đầu tư cũng cho hay dự án sẽ cố gắng cán đích vào tháng 9/2014. Tuy nhiên, VINACHEM lại cố tình “lờ đi” Điều 20 của hợp đồng liên danh quy định chi tiết về trình tự thủ tục xử lý, giải quyết tranh chấp của các bên tham gia liên danh.
Liên quan đến cáo buộc tại văn bản 0272 cho rằng chất lượng chế tạo và thi công cọc của Vinaincon đã không đáp ứng được tiến độ và chất lượng”, Vinaincon đã giải quyết triệt để và phương án xử lý đã được tất cả các bên chấp thuận, sau đó mới tiếp tục triển khai thi công ngay công tác đóng cọc.
Về sai sót trong việc thi công cọc, Vinaincon khẳng định có sai sót trong bản vẽ thiết kế của CECO gửi, cụ thể: vỏ 60 bọc cuộn 66, sau đó CECO lại sửa bản thiết kế thành vỏ 76, điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho chúng tôi trong quá trình chuẩn bị, lập kế hoạch và tổ chức thi công đúc cọc. Giải thích từ Vinaincon cho thấy thời điểm đổ bê tông hạng mục 06, để đảm bảo tiến độ nên phải thi công trong điều kiện thời tiết không thuận lợi vào đúng giữa mùa mưa, mất điện toàn công trường nên không thể sử dụng máy đầm mà phải sử dụng phương pháp thủ công.
Mò mẫm tìm đường đi.
Để khẩn trương sửa lỗi này, đơn vị thi công đã đề xuất các phương án khắc phục với TTCL, nhưng Vinaincon đã không nhận được ý kiến chính thức nào để giải quyết vấn đề nêu trên.
Như cáo buộc của TTCL tại văn bản 0272 đối với Vinaincon cho rằng: Các hạng mục khác đều không đạt tiến độ thi công. Đại diện Vinaincon “phản pháo” rằng, báo cáo của TTCL là hoàn toàn không đúng theo thực tế thi công, mặc dù phải thi công trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt của mùa mưa, điều kiện hết sức tồi tệ (phần móng các hạng mục luôn ngập nước, phương tiện vận chuyển thường xuyên bị sa lầy phải dùng máy xúc bánh xích để kéo, do công trường không có đường tạm thi công, không có hệ thống thoát nước...) nhưng thực tế tiến độ thi công của Vinaincon vẫn được đẩy nhanh hơn.
Việc chậm tiến độ theo phía Vinaincon, một phần lớn trách nhiệm thuộc về đơn vị thiết kế CECO: theo tiến độ, tháng 12/2012, Vinaincon phải nhận được bản thiết kế đã được phê duyệt nhưng đến ngày 16/04/2013 (tức sau 4 tháng) Vinaincon mới nhận được bản thiết kế này. Trong quá trình thi công, hồ sơ thiết kế phải bổ sung, điều chỉnh nhiều như hạng mục 20.3, 20.4, 22, 25,17.1… dẫn đến khó khăn chồng chất trong quá trình thi công.
Vinaincon cũng phản ứng mạnh mẽ rằng: Không có căn cứ pháp lý và căn cứ thực tế” khi TTCL “tố” Vinaincon, không có hành động đáng kể để khắc phục sự chậm trễ và sai sót như yêu cầu của Chủ đầu tư và đại diện liên danh. Sự chậm trễ này bắt nguồn từ việc các bên tham gia liên danh không có sự phối hợp nhất quán, không triển khai được các nội dung công việc tại các buổi họp, không có kết luận và đề ra phương án giải quyết khắc phục tại các biên bản làm việc, tại các buổi làm việc hoàn toàn thiếu vai trò đứng đầu, điều phối của đại diện liên danh là TTCL.
Một phần lớn trách nhiệm trong việc chậm trễ này là vai trò của đơn vị thiết kế CECO vì giao thiết kế quá chậm (gần 5 tháng), bản vẽ sai sót trầm trọng, phải sửa đổi rất nhiều lần vì bản vẽ không phù hợp với thực tế thi công tại công trường.
Khu vực cổng vào nhà máy như bãi chiến trường.
Đối với nội dung nhà thầu "không đáp ứng được bất cứ điều kiện nào của Hợp đồng" nhằm loại bỏ đơn vị thi công như TTCL đưa ra, theo Vinaincon là hoàn toàn không có cơ sở thực tế, vi phạm pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của Vinaincon với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước khi tham gia liên danh.
Được biết, Vinaincon cũng đang tiến hành tổng hợp tất cả các thiệt hại thực tế phát sinh từ các hành vi thiếu trách nhiệm của TTCL để tiến hành yêu cầu bồi thường thiệt hại.
"Chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước, mọi hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Vinaincon đều xâm hại trực tiếp tới tài sản của nhà nước. Chúng tôi chỉ đồng ý chấm dứt tham gia liên danh và bàn giao phần công việc của mình trên công trường khi và chỉ khi quyền lợi hợp pháp của Vinaincon được đảm bảo theo đúng Thỏa thuận liên danh và Hợp đồng đã ký với Chủ đầu tư, tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật Việt Nam", thông cáo báo chí của Vinaincon khẳng định.