"Cán bộ doanh nghiệp nhà nước nhận lương tiền tỷ cả xã hội xôn xao"

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung lưu ý tình trạng doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh, rất gò bó, ràng buộc. Vì thế, mỗi khi có cán bộ nào đấy ở DNNN được trả lương 1 tỉ đồng, 1,5 tỉ đồng/năm thì cả xã hội xôn xao.

"Cán bộ doanh nghiệp nhà nước nhận lương tiền tỷ cả xã hội xôn xao" - 1

Thủ tướng chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN

Được trả lương hơn tỷ đồng thì cả xã hội xôn xao

Phát biểu tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, sáng 22/11, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) Nguyễn Đình Cung đánh giá, thời gian qua, DNNN đã không còn ưu đãi riêng, không còn tình trạng chỉ đạo, chỉ định vay vốn. Nhà nước cũng không cấp vốn để xử lý các doanh nghiệp thua lỗ mà áp dụng nguyên tắc thị trường.

Tuy nhiên ông lưu ý tình trạng DNNN không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh, rất gò bó, ràng buộc và không để cho DNNN hoạt động theo thị trường.

“Phổ biến là không được tuyển dụng, sử dụng, trả lương cho cán bộ, người lao động theo nguyên tắc thị trường. Mỗi khi có ông nào đấy ở DNNN được trả 1 tỉ đồng, 1,5 tỉ đồng thì cả xã hội xôn xao. Vấn đề là những người này không phải họ nhận được bao nhiêu tiền mà quan trọng là họ làm ra bao nhiêu tiền”, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

"Cán bộ doanh nghiệp nhà nước nhận lương tiền tỷ cả xã hội xôn xao" - 2

Ông Nguyễn Đình Cung

Về cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, TS Nguyễn Đình Cung nhìn nhận: "Vừa rồi đã làm rất tốt và nên tiếp tục củng cố xu hướng thiên về chất lượng CPH, không chạy theo số lượng.

CPH như cơ cấu lại danh mục đầu tư của nhà nước và phải chuyển đổi được từ tài sản kém, chưa tốt thành tài sản tốt; từ tài sản tốt thành tài sản tốt hơn; đừng làm theo xu hướng ngược lại. Như vậy mới củng cố được nền tảng và sức mạnh của khu vực DNNN nói riêng và khu vực nhà nước nói chung”, ông Cung nói.

Về quản trị công ty, ông Cung lưu ý phải tập trung đầu tiên vào tháo bỏ những ràng buộc để DNNN có quyền tự chủ kinh doanh. Tự chủ ở đây là tự chủ quyết định ngành nghề kinh doanh, còn làm thế nào để người điều hành quyết định. “Thời gian qua ta đã hành chính hóa rất nhiều trong việc ra quyết định đầu tư và kinh doanh, hành chính hóa động lực của DNNN”, ông Cung nêu thực tế.

Kiến nghị kiểm tra, thanh tra người đứng đầu

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2017, theo báo cáo của 294 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước thì tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần là 543.858 tỉ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2016... Vốn chủ sở hữu theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần năm 2017 là 210.035 tỉ đồng, tăng 14% so với năm 2016. Tổng doanh thu đạt 482.545 tỉ đồng, tăng 21% so với năm 2016...

Tuy nhiên, theo ông Dũng, cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng. Công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của DNNN còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động...

"Cán bộ doanh nghiệp nhà nước nhận lương tiền tỷ cả xã hội xôn xao" - 3

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc. Ngoài ra, việc cổ phần hóa còn chậm, có khả năng không đạt theo kế hoạch của Thủ tướng đề ra.

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, còn một số cá nhân, doanh nghiệp vi phạm nguyên tắc thị trường, không công khai, minh bạch thông tin tài chính, cá biệt một số cá nhân lãnh đạo vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến thua lỗ, mất vốn tại một số dự án.

Từ hạn chế trên, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Kiên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN