Cần 40 tỉ USD đầu tư cho ngành điện trong 5 năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam phải đối mặt với việc thu xếp nguồn đầu tư lớn để phát triển ngành điện đáp ứng nhu cầu nền kinh tế.

Bên hành lang Quốc hội (QH), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên đã trao đổi với báo chí quanh tình hình cung ứng điện trong thời gian tới.

Cần 40 tỉ USD đầu tư cho ngành điện trong 5 năm - 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Đức Kiên: Cần đầu tư lớn về nguồn điện

Đánh giá chung, ông Kiên cho rằng hiện nay, tình trạng cắt giảm phụ tải rất ít xảy ra, chứng tỏ ngành điện đã đáp ứng đượng tương đối nhu cầu điện. Tuy vậy, nếu đối chiếu kế hoạch phát triển 5 năm của đất nước, với sự phân bổ của các nhà máy điện như hiện nay, vẫn thấy có sự mất cân đối nhất định.

“Các tỉnh phía Nam có nhu cầu điện của cả sản xuất kinh doanh cũng như điện sinh hoạt cao hơn khu vực phía Bắc. Nhưng ở các tỉnh phía Nam, các nguồn điện tự nhiên hay tái tạo lại rất hạn chế. Mặc dù chúng ta đã làm 2 mạch 500 KV để điều hoà điện Nam-Bắc nhưng chúng ta vẫn có tình trạng thiếu điện cục bộ một khi có tình trạng hạn hán hay các mỏ khí vào chu kỳ sửa chữa”- ông Kiên chỉ ra.

Để khắc phục tình trạng thiếu điện trong tương lai, ông Kiên cho rằng cần phải có đầu tư lớn về nguồn điện. Hiện nay, chúng ta cũng đã làm nhiều cách thu hút vốn đầu tư để phát triển nguồn điện như Chính phủ đi vay của các định chế tài chính quốc tế về, giao lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xây dựng các nhà máy điện. Hiện nay, cũng đang đẩy mạnh cổ phần hoá các nhà máy phát điện, các nhà máy thuỷ điện trừ các nhà máy đa mục tiêu.

“Tuy nhiên, về lâu dài, nên đặt vấn đề khi thị trường thay đổi, yêu cầu về giá thay đổi thì người sản xuất, cung ứng họ phải thay đổi theo thị trường, theo Luật Điện lực. Giá điện phải được thị trường hoá. Hiện nay, giá điện là chúng ta chưa theo thị trường. Ta vẫn điều hành giá theo cả dư luận chứ chưa theo quy luật của kinh tế thị trường. Nếu chúng ta không khẩn trương theo thị trường sẽ rất khó bởi có thể thấy nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực thép vào vào Việt Nam do mong muốn tranh thủ giá điện mà chúng ta còn bao cấp. Đó là một vấn đề lớn”- ông Kiên phân tích.

Trước đó, tại toạ đàm “Cung ứng điện giai đoạn 2016-2020: Nguy cơ thiếu điện và giải pháp” mới đây, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay theo ước tính số tiền đầu tư của các nhà máy điện từ nay đến năm 2020 là gần 30 tỉ USD. Đó là chưa kể việc xây dựng các nhà máy điện, hệ thống lưới điện truyền tải. Như vậy, tổng số tiền cần đầu tư trong giai đoạn này là 40 tỉ USD, tức mỗi năm gần 7,9 tỉ USD. “Với số tiền này khi làm quy hoạch VII, các chuyên gia tính toán đủ để cung ứng điện trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc dự phòng thấp nên phải đòi hỏi người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm. Để giảm đầu tư vào lưới điện, giảm rủi ro mất cân bằng cung cầu nhưng vẫn đòi hỏi ngành điện đầu tư đủ cho nhu cầu điện”- ông Phúc nói.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng đánh giá ngành điện của Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề gay gắt như đầu tư rất lớn, khả năng cung ứng vốn ít và hàng loạt vấn đề đề môi trường, tính hiệu quả.

Về một trong những giải pháp, TS Trần Đình Thiên cho rằng cần xem xét là giá năng lượng bởi giá cũng ảnh hưởng tới tiêu dùng năng lượng. “Phải tính tới cân bằng năng lượng trên cơ sở giá điện bởi điểm này cũng quyết định có thu hút được vốn vào ngành điện hay không?”- ông Thiên nói.

Ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhắc lại con số mỗi năm Việt Nam cần 5 tỉ USD để truyền tải và phát điện, hi vọng thu hút được 70% từ tư nhân. “Với giá điện hiện nay, để thu hút được như vậy khá là khó. Trong quá khứ, nguồn đầu tư 1/3 dựa vào ODA. Với số lượng, mức độ phát triển như hiện nay, nguồn đầu tư 1/3 từ ODA cũng cần phải xem xét. Về giải pháp, Franz Genner, cho rằng tiêu thụ năng lượng là giải pháp rất quan trọng và ít tốn kém nhất để chúng ta có thể tránh được những đợt tăng giá điện mới. '

Theo như ước tính Việt Nam có thể tiết kiệm 10 KW phát điện nếu đầu tư công nghệ vào những doanh nghiệp sử dụng điện. Về phía cung, trước đây, Việt Nam đã rất thành công trong việc tạo nên các nguồn điện từ nhiệt điện than, mang đến nguồn điện giá rẻ. Tuy nhiên, những nguồn lực nội địa không đủ cung ứng trong tương lai nên phải nhập khẩu than. Việt Nam đang kỳ vọng dựa vào nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời… tuy nhiên đầu tư vào nguồn năng lượng này khá tốn kém. Như vậy, điều này có liên quan tới biểu giá điện. Biểu giá điện hiện nay không đủ cao để hấp dẫn đầu tư trong tương lai”- Chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nêu quan điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thùy (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN