Cần 3 tháng để lãi suất vay về dưới 14%
Quy định về giảm lãi suất huy động và cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên đã có hiệu lực từ hôm 28-5. Đây là lần thứ 3 trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất, mức giảm đã là 3 điểm phần trăm. Tuy vậy, lần cắt giảm thứ ba vừa qua không làm nhiều người quan tâm và theo một số ngân hàng, để vốn thực sự rẻ và nhiều doanh nghiệp tiếp cận được thì phải 3 tháng nữa.
Nhìn vào động thái giảm lãi suất của NHNN có thể thấy lãi suất huy động nhanh chóng giảm theo quy định, nhưng lãi suất cho vay chưa giảm nhiều. Theo báo cáo của Cục thống kê TPHCM, đến 10-5, nhiều doanh nghiệp vẫn vay với lãi suất trên 19%, và theo ông Nguyễn Đức Kiên, thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng Á Châu, lãi suất bình quân tính chung cho cả hệ thống tới thời điểm tuần qua vẫn quanh quẩn mức 17%. Như vậy, quy định áp trần lãi suất cho vay ở 15% vào đầu tháng 5, và vào 25-5 vừa qua còn 14% đối với các đối tượng ưu tiên vẫn chưa giúp lãi suất cho vay giảm nhiều.
Trong khi huy động vốn tiếp tục tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm, tăng 5,42% so với cuối 2011 nhưng lãi suất cho vay lại không giảm nhiều. Cụ thể, tín dụng toàn ngành ngân hàng trong gần 5 tháng âm 0,89%, nhiều ngân hàng con số âm của tín dụng còn cao hơn, như tại Eximbank, tăng trưởng tín dụng quí 1 âm gần 7%, Vietinbank âm 2,6%... nhưng lãi suất vẫn không hạ để kích thích doanh nghiệp vay.
Một số ngân hàng thương mại cho biết trong thời gian qua đã bỏ tiền mua trái phiếu và tín phiếu, thay vì cho vay. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, trong 5 tháng, con số trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh đã phát hành thành công là 77.404 tỉ đồng, trong khi cả năm 2011, con số này chỉ là hơn 73.000 tỉ đồng. Lợi suất trái phiếu trong tuần trước còn 9,5- 10%, giảm hơn 1 điểm phần trăm so với giữa tháng 3. Tín phiếu cũng được NHNN phát hành thành công 3000 tỉ đồng trong tuần qua. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 92 ngày còn 6,48% và lãi suất trúng thầu kỳ hạn 182 ngày còn 8%.
Phải cần 3 tháng nữa để lãi suất cho vay về dưới 14%
Giải thích nghịch lý này, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB), cho rằng hiện tại nhiều ngân hàng có nguồn vốn dồi dào, nhưng không cho vay mà mua các loại giấy tờ có giá là do vốn này được xem là vốn thừa, chưa cần dùng tới, các loại giấy tờ này có thanh khoản cao, khi cần tiền có thể lập tức chuyển sang được, trong khi nếu cho doanh nghiệp vay, thời gian thu hồi vốn chậm, và rủi ro rất cao, lúc cần thu lại vốn trả cho người gửi sẽ mất thời gian hơn (hoặc có khi không thu hồi được). Trong lúc khó khăn như hiện tại, ngân hàng cũng phải chọn cách làm an toàn nhất vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
Còn theo ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank, hiện tại, nợ quá hạn đang tăng mạnh ở tất cả các ngân hàng. Chính tại doanh nghiệp, thu hồi công nợ cũng là điều rất vất vả thì ngân hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận để giảm rủi ro. “Chỉ khi chính sách tài khóa mới được chính phủ cân nhắc thay đổi, tăng đầu tư công ở những lĩnh vực cần thiết thì vốn từ ngân hàng mới chảy ra được, còn hiện tại, sẽ không dễ dàng”.
Về giảm lãi suất cho các khoản nợ cũ của doanh nghiệp, ông Phước cho rằng chi phí huy động vốn của ngân hàng vẫn cao do lãi suất chỉ mới giảm trong 3 tháng trở lại đây. Nếu giảm mạnh lãi suất và tăng cường cho vay với mức lãi suất quá thấp thì không bù nổi chi phí huy động. Nhìn vào chênh lệch huy động và cho vay có thể lên đến 5 điểm phần trăm, nhưng đó là so với lãi suất huy động ở mức 11% như hiện tại, còn vào tháng 2 trần lãi suất vẫn là 14%. Thêm vào đó, doanh nghiệp chỉ trả lãi cho ngân hàng 3 hoặc 6 tháng/lần nhưng mỗi tháng ngân hàng đều phải trả lãi cho người gửi, do vậy ngân hàng phải tính toán kỹ lưỡng để không rơi vào cảnh lợi nhuận âm, và càng không để cho nợ xấu ảnh hưởng nặng đến hoạt động kinh doanh.
Còn theo ông Tuấn, với nợ cũ hay khoản vay mới đều có độ trễ. Với những khoản nợ cũ, thường thì trong hợp đồng vay có quy định trong bao nhiêu tháng sẽ áp dụng biểu lãi suất mới, thường thì 3 hoặc 6 tháng. Vì vậy, chắc chắn vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn với lãi suất thấp, nhưng lãi suất sẽ tiếp tục giảm và trong thời gian tới, từ từ, doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh. Còn doanh nghiệp vay mới thì tâm lý là chờ lãi suất giảm thêm nên chưa vay.
Theo ông Phước, trong 3 tháng tới, lãi suất cho vay sẽ về dưới 14% trên toàn hệ thống do ngân hàng đã có được nguồn vốn rẻ hơn, và việc thu hồi nợ cũng có thể sẽ đỡ khó hơn. Hiện tại ở Eximbank, ông Phước cho rằng tín dụng đã bắt đầu chảy, tuy chưa nhiều. Theo ông Phước, ở một lãi suất nào đó sẽ có các đối tượng vay chấp nhận được và tiến hành vay, nên tình hình tín dụng sẽ cải thiện trong các tháng tiếp theo.
Trong khi đó, ông Kiên cho rằng tại ACB, tín dụng mặc dù chỉ tăng trưởng 1,8% trong quí 1, nhưng thường thì tăng mạnh vào các tháng cuối năm, và hiện tại đã bắt đầu tăng nên ông Kiên vẫn cho rằng trong năm nay ACB sẽ tăng trưởng tín dụng ở mức 17% như chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước.