Cần 10 triệu tỷ đồng tái cơ cấu kinh tế: Những vấn đề phải đối mặt

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo các chuyên gia, cùng với việc sẽ phải huy động nguồn lực lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng (tương đương 480 tỷ USD), Chính phủ sẽ phải đối mặt với bài toán phân bổ lại nguồn lực, giữ kỷ luật ngân sách (thay vì tập trung vào khối doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng như đã làm thời gian qua).

Cần 10 triệu tỷ đồng tái cơ cấu kinh tế: Những vấn đề phải đối mặt - 1

Habeco - doanh nghiệp sẽ được thoái vốn để tạo nguồn tái cơ cấu kinh tế. Ảnh: Như Ý.

Băn khoăn vốn 10 triệu tỷ đồng

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc Chính phủ đưa ra đề án tái cơ cấu mới, có điều chỉnh so với trước đây là rất đáng hoan nghênh. “Đề án đã đánh giá tương đối thẳng về những gì đã làm được, chưa làm được của đề án tái cơ cấu trước đây. Tuy nhiên, tôi băn khoăn Chính phủ sẽ lấy ở đâu ra hơn 10 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu nền kinh tế? Nếu chưa gì đã đặt ra một số tiền lớn như vậy, sau này sẽ rất dễ xảy ra việc nại lý do không có tiền thì không tái cơ cấu. Chính phủ nói sẽ bỏ ra khoảng 1/3 ngân sách và huy động từ các nguồn khác, nhưng ngay cả phần này cũng đã quá nhiều”, bà Lan nói.

Theo bà Lan, việc dựa vào vốn nhà nước để thực hiện tái cơ cấu như đề án rất khó. Nhất là trong bối cảnh ngân sách và ODA càng ngày càng khó hơn. Bản thân, các nhà cung cấp ODA cũng muốn Việt Nam phải tính toán hết sức thận trọng để sử dụng có hiệu quả nhất, đem lại lợi ích cho dân, cho doanh nghiệp nhiều hơn.

“Nhiệm vụ ưu tiên là tái cơ cấu thể chế kinh tế. Nếu không thay đổi được thể chế mà cứ bỏ tiền vào không khác gì tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Hơn nữa, tiền lại bị tiêu xài một cách lãng phí, không được tính toán đầy đủ nên không mang lại hiệu quả cần thiết. Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI, XII cũng nói trong 3 đột phá chiến lược thì thể chế là số 1”, bà Lan phân tích.

Theo bà Lan, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công đều đòi hỏi cải cách thể chế trước. Phải xác định rõ nhà nước tập trung làm gì, những việc còn lại phải để cho xã hội làm theo hướng: Nhà nước nhỏ lại cho thị trường lớn lên. “Số tiền nợ của các doanh nghiệp nhà nước hiện đã lên tới hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Không đổi mới cơ chế để buộc những doanh nghiệp này vào kỷ luật thị trường, không thực hiện được tái cơ cấu. Cần bán bớt những doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, giải tỏa bớt tài sản mà họ đang giữ và sử dụng lãng phí. Cần đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa nhiều hơn, tỷ lệ cao hơn”, Bà Lan đề xuất.

Bỏ xin-cho, giữ kỷ luật ngân sách

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, để tái cơ cấu hiệu quả, cần thay đổi cách làm. Cụ thể cần thay đổi cấu trúc thị trường, cơ cấu doanh nghiệp, ngành nghề đi cùng với sự thay đổi của cả cấu trúc của bộ máy điều hành. Cụ thể, trong tái cơ cấu, mục tiêu cốt lõi là thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực. Thực tế dù đã hô hào nhiều nhưng 5 năm qua có vẻ như việc thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực chưa diễn ra. Thậm chí, vừa qua, hệ thống này có thể yếu đi chứ không phải mạnh lên. Giá đầu vào cơ bản của các nguồn lực chưa được đo lường đầy đủ bằng nguyên tắc thị trường (giá đất, giá xăng, giá điện, lãi suất, tiền lương) dẫn đến cấu trúc ngành và doanh nghiệp có vấn đề.

“Cốt lõi của quá trình tái cơ cấu không phải là câu chuyện cổ phần hóa được bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước. Quan trọng hơn cả chính là phải để các nguồn lực chuyển sang theo cơ chế thị trường”, ông Thiên nói.

Cần cải cách Luật Ngân sách và tái cơ cấu nguồn thu, chi ngân sách là quan điểm của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) khi bàn về việc tái cơ cấu. Theo ông Cung, lâu nay chúng ta tìm mọi cách để huy động nguồn lực, nhưng giờ phải phân bổ lại và sử dụng nguồn lực cho hiệu quả. Cụ thể, cần chấm dứt ngay tình trạng “Sáng ngủ dậy, nhà nước đã mất hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ” bằng cách chấm dứt hoạt động và cho phá sản những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. “Việc đầu tiên phải làm trong tái cơ cấu là phải thực hiện đầy đủ, nhất quán kỷ luật ngân sách của từng địa phương, bộ ngành và Chính phủ. Cùng đó, bãi bỏ ngay cơ chế xin cho đặc thù của khối DNNN. Đồng thời áp đặt triệt để nguyên tắc cạnh tranh thị trường theo phương châm lời ăn, lỗ phá sản, đồng thời truy cứu trách nhiệm với tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý”, ông Cung đề xuất.

Đồng quan điểm phải có cách tiếp cận tái cơ cấu mới thông qua giữ kỷ luật ngân sách và nợ công, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Suốt giai đoạn 2011-2015, Việt Nam thực hiện tái cơ cấu với 3 trọng tâm gồm tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. Mặc dù cả 3 chương trình tái cơ cấu này đều liên quan đến ngân sách nhà nước ở các mức độ khác nhau, song do thiếu chương trình tái cơ cấu ngân sách nhà nước tương ứng nên vai trò của ngân sách nhà nước đối với 3 trụ cột tái cơ cấu nói trên rất mờ nhạt. “Tái cơ cấu đầu tư công phải gắn với tái cơ cấu ngân sách và nợ công. Để làm được, trước hết cần giữ kỷ luật “thép” trong chi ngân sách và thiết lập công bằng trong thu chi ngân sách giữa trung ương và địa phương”, ông Ánh nói.

Báo cáo Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguồn lực thực hiện kế hoạch này trong giai đoạn 2016 - 2020 được huy động chung từ nền kinh tế, dự kiến khoảng 10,5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 500 tỷ USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên - Tuấn Nguyễn (Tiền Phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN