Cấm dùng tiền mặt mua nhà, xe...?

Các cơ quan chức năng có thể sẽ ban hành quy định các giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng; quy định bổ sung giấy tờ chứng minh thanh toán qua ngân hàng vào hồ sơ kê khai lệ phí trước bạ; lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ tại siêu thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí...

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đưa dự thảo nghị định thanh toán bằng tiền mặt ra lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Triệt để thanh toán qua thẻ, chuyển khoản

Theo dự thảo này, người dân không được dùng tiền mặt thanh toán cho giao dịch mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán, ô tô (bất kể giá trị giao dịch). Cá nhân giao dịch bất động sản, xe máy, xe điện vượt hạn mức thì cũng không được dùng tiền mặt thanh toán.

Các tổ chức không được dùng tiền mặt giao dịch bất động sản, chứng khoán, tàu bay, tàu thủy, ô tô (bất kể giá trị giao dịch). Ngoài các giao dịch này thì khi tổ chức thanh toán cho tổ chức, cá nhân khác số tiền vượt hạn mức thì không được dùng tiền mặt.

Việc dùng tiền mặt chỉ áp dụng trong trường hợp chi trả tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, thưởng cho người lao động; chi trả tiền thu mua nông, lâm, thổ, hải sản và các loại vật tư khác hoặc các khoản thanh toán khác dưới hạn mức thanh toán bằng tiền mặt. Các hạn mức cụ thể cho từng giao dịch sẽ được ban hành sau.

Cũng trong dự thảo trên, các bộ, ngành liên quan gồm NHNN, Bộ Tài chính, Công Thương, Xây dựng, TN&MT, Công an… phải có trách nhiệm ban hành các quy định, chính sách và thiết bị thúc đẩy các giao dịch mua bán - kể cả hoạt động giải trí vui chơi, ăn uống… triệt để sử dụng phương thức thanh toán qua chuyển khoản, qua thẻ mà không dùng tiền mặt.

Đặc biệt các ngân hàng sẽ được ấn định lại mức phí dịch vụ tiền mặt. Mức phí hiện hành theo Thông tư 01/2007 là 0%-0,05% trên số tiền mặt được giao dịch.

Cấm dùng tiền mặt mua nhà, xe...? - 1

Theo dự thảo, mua, bán, chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng. Ảnh: HTD

Dùng tiền mặt: Khó chống tham nhũng, trốn thuế

Tại Dự thảo báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 161/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 về thanh toán bằng tiền mặt, NHNN nhận định: Đối tượng và phạm vi áp dụng trong nghị định này có giới hạn nên hiệu lực về hạn mức thanh toán bằng tiền mặt chỉ tập trung vào các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức sử dụng vốn nhà nước, các đối tượng khác vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, các đối tượng không sử dụng ngân sách nhà nước đang chiếm tỉ trọng lớn và ngày càng phát triển mạnh. Thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch có giá trị lớn của các đối tượng này đang gây khó khăn trong việc giảm gánh nặng trong các máy ATM, phòng, chống tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền, tiền giả.

Dự thảo báo cáo cũng đánh giá thông tư hướng dẫn Nghị định 161 chỉ mới quy định hạn mức được phép thanh toán bằng tiền mặt dưới 30 triệu đồng, hạn mức này theo đánh giá của 14/63 chi nhánh NHNN là còn cao. Theo đề nghị của Bộ Tài chính, NHNN nghiên cứu xây dựng quy định: các giao dịch góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phiếu, dự án, vay và cho vay của doanh nghiệp với các cá nhân hoặc doanh nghiệp khác có giá trị 20 triệu đồng trở lên phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng.

NHNN đề xuất: Cần mở rộng điều chỉnh các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, góp vốn, mua cổ phần.Đối với những giao dịch có giá trị lớn như mua bán bất động sản, giao dịch góp vốn, chuyển nhượng vốn, cổ phiếu, trái phiếu… phải quy định bằng hình thức chuyển khoản.

Theo NHNN, việc quy định về các giao dịch bằng tiền mặt phải có lộ trình phù hợp với thói quen sử dụng tiền mặt, trình độ dân trí và điều kiện hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời không làm cản trở hoạt động của tổ chức, cá nhân; không gây tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế-xã hội.

Được biết ngày 28-1, VCCI sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo trên tại Hà Nội.

Các tổ chức không được thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch sau:

- Mua, bán, chuyển nhượng bất động sản.

- Mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán.

- Mua, bán, chuyển nhượng các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng gồm: tàu bay; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; ô tô (kể cả ô tô điện), rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc được kéo bởi ô tô phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

- Thanh toán cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch khác vượt hạn mức thanh toán bằng tiền mặt.

Các cá nhân không được thanh toán bằng tiền mặt đối với:

- Mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán.

- Mua, bán, chuyển nhượng các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng gồm: tàu bay; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; ô tô (kể cả ô tô điện), rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc được kéo bởi ô tô phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

- Các giao dịch khác có giá trị vượt hạn mức thanh toán bằng tiền mặt gồm: Mua, bán, chuyển nhượng bất động sản; mua, bán, chuyển nhượng xe mô tô hai bánh, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự phải đăng ký và gắn biển số; giao dịch góp vốn bằng tiền; mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán không qua Sở Giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán; (Trích Dự thảo Nghị định)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Như (Báo pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN