Cấm chủ ngân hàng làm chủ công ty con
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sắp có động thái mới về giám sát sở hữu chéo ngân hàng, nhằm tránh rủi ro kép.
Tránh đại gia thao túng
Trước những nghi án lũng đoạn cổ phiếu, thao túng ngân hàng, lập phương án kinh doanh khống để vay vốn hàng ngàn tỷ đồng được đề cập trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn trường hợp đại gia thao túng ngân hàng để rót vốn cho công ty sân sau hiện chưa lộ diện.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định: “Cần phải có quy định các ông chủ ngân hàng không được làm chủ các công ty khác. Hàn Quốc sau khủng hoảng đã ra quy định như vậy”.
Về phía ngân hàng, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TienPhongBank, kiêm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Doji khẳng định: “Nhiều người nghĩ rằng, cổ đông đầu tư vào ngân hàng là nhằm vay tiền dễ dàng hơn. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ Luật Các tổ chức tín dụng sẽ thấy, khi các cổ đông tham gia hội đồng quản trị, các cổ đông này không được vay tiền, thậm chí không được bảo lãnh, không được hỗ trợ tín dụng cho các công ty con. Vì vậy, chúng tôi không kỳ vọng TienPhongBank là cổng tài chính của Doji. Tập đoàn Doji có thể góp hàng nghìn tỷ đồng vào TienPhongBank, nhưng không kỳ vọng có thể vay được 100 triệu đồng từ Ngân hàng. Chúng ta đã thấy bức tranh u ám của đầu tư chéo hiện nay và chúng tôi tuân thủ nguyên tắc: tránh hiệu ứng rủi ro kép”.
Cũng theo ông Phú, tại Việt Nam, việc cổ đông chi phối ngân hàng (chiếm trên 51% cổ phần) là không thể xảy ra, bởi theo Luật Các tổ chức tín dụng, cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Hơn nữa, cũng không có quy định nào cấm nhà đầu tư tham gia đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng không được đầu tư vào lĩnh vực khác.
Dù vậy, việc cổ đông hoặc nhóm cổ đông liên kết, lách quy định để thâu tóm ngân hàng là không khó. Các ông chủ ngân hàng cũng dễ dàng bơm vốn cho công ty con bằng cách cho người khác đứng tên công ty con.
Điều đáng lo ngại nhất là, tình trạng sở hữu chéo giữa các ông chủ ngân hàng và các công ty sân sau sẽ đe dọa tính an toàn của cả hệ thống. Theo báo cáo của các ngân hàng, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại là khá cao, có ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn trên 30%. So với tỷ lệ an toàn vốn trung bình ở các nước có nền kinh tế mạnh chỉ đạt 8 - 9%, thì tỷ lệ này của ngân hàng ở Việt Nam hoàn toàn không thấp. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là con số thực.
“Nếu thực sự các ngân hàng an toàn vốn 20-30% như báo cáo trên giấy, thì hoàn toàn có thể tự giải quyết được nợ xấu, không cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Việc tăng vốn của các ngân hàng thời gian qua có thể là ảo. Các ông chủ sở hữu nhiều ngân hàng, vay vốn từ ngân hàng này để tăng vốn cho ngân hàng khác, chứ thực chất là không tăng vốn”, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chính sách công (Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright) nhận định.
Cấm ngân hàng thương mại tham gia đầu tư
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đều có quy định để hạn chế xung đột lợi ích giữa các cổ đông lớn của ngân hàng và các doanh nghiệp sân sau. Tuy nhiên, ở hầu hết các nước đều có tình trạng lách luật. Ở Việt Nam, tình trạng này còn nan giải hơn do Việt Nam rất ít kinh nghiệm trong quản lý sở hữu chéo.
“Chúng tôi đang nghiên cứu về vấn đề này. Sắp tới, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sẽ có cải thiện trong giám sát sở hữu chéo, quy định sắp tới có thể sẽ chặt chẽ hơn”, ông Thành nói và cho rằng, vấn đề nan giải nhất gây hệ lụy trong hệ thống ngân hàng hiện nay là sự nhập nhèm giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại.
“Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thông báo sẽ trở thành tập đoàn tài chính. Bản chất của tập đoàn tài chính là vừa có chức năng đầu tư, vừa có chức năng thương mại. Trong khi đó, bài học khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua cho thấy, việc cho phép ngân hàng thương mại tham gia đầu tư là một trong những nguyên nhân chính gây khủng hoảng”, ông Thành phân tích.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc điều hành Quỹ Vietnam Capital Partners cho biết, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều nước đã cấm ngân hàng thương mại được phép đầu tư. “Việt Nam cần có quy định chặt chẽ để hạn chế quyền đầu tư của các ngân hàng, nếu không sẽ có tình trạng ông chủ ngân hàng dùng tiền của người khác để đi đầu tư mạo hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Sơn nhận xét.