Các tiểu thư, thiếu gia Trung Quốc mê mẩn bởi trời Tây

“Phú nhị đại” là từ người ta dùng để gọi thế hệ thứ hai của những gia đình siêu giàu Trung Quốc. Những cậu ấm cô chiêu này được bố mẹ cho đi học ở nước ngoài và không muốn trở về quê hương vì lối sống quá khác biệt...

Các tiểu thư, thiếu gia Trung Quốc mê mẩn bởi trời Tây - 1

Các "phú nhị đại" không có cảm giác mình là người Trung Quốc. Trong khi đó, các bậc phụ huynh cũng chẳng muốn con mình về nước bởi ở nước ngoài ổn định hơn...

Những phú nhị đại ở Vancouver và rắc rối của "1% nhà giàu" Trung Quốc

Nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, số người giàu tăng lên và những vấn đề của người giàu cũng bắt đầu nảy sinh.

Tác giả Jaiyang Fan vừa có bài viết trên tờ The New Yorker phản ánh một vấn đề mà giới nhà giàu Trung Quốc đang gặp phải: vấn đề với các phú nhị đại - thế hệ thứ hai trong các gia đình giàu có. Người ta thường nhắc đến phú nhị đại với thói ăn chơi sa đoạ và những nơi phù hoa. Tuy nhiên, ít người đặt câu hỏi, điều gì đã ảnh hưởng để tạo nên một thế hệ như vậy.

Trong bài viết, Jaiyang Fan đề cập đến các phú nhị đại đi du học và ở lại nước ngoài, cụ thể là tại thành phố Vancouver, và có thể là các nước khác như Singapore hay Anh và giải thích một phần nguyên nhân gây nên những rắc rối mà họ gặp phải.

Về phần phú nhị đại, họ có tất cả mọi thứ, xe sang, nhà đẹp và có cả chương trình thực tế dành riêng cho mình, mang tên The Ultra Rich Asian Girls of Vancouver (tạm dịch là Những cô gái châu Á giàu có ở Vancouver), tập trung vào 6 cô gái suốt ngày chỉ “ăn chơi nhảy múa”.

Nhân vật trong câu chuyện của Fan tên là Pam, 26 tuổi tâm sự rằng, cô thấy mình khó sống được tại Trung Quốc khi mà chưa có được những bí quyết kinh doanh tại thị trường trong nước. Người phương Tây thẳng thắn, nói rõ và nói thật còn ở Trung Quốc cứ phải mệt mỏi “giữ ý giữ tứ”.

Ở Trung Quốc, cô được đối xử như đứa trẻ con không biết gì và thỉnh thoảng có cảm giác như mình là một "sinh vật lạ". Nhiều phú nhị đại không muốn học tại Trung Quốc vì họ cho rằng về Trung Quốc sẽ bị áp đặt “lối tư duy một chiều” quá khác biệt so với lối sống ở phương Tây.

Nhiều người cho rằng các phú nhị đại chắc chắn sẽ thừa kế cơ nghiệp của cha mẹ. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Một cô gái khác trong chương trình kể cha cô muốn cô ở lại Canada. "Bố tôi không muốn tôi sẽ phá hủy công ty mà ông đã dày công xây dựng. Ông ấy nói với tôi rằng nếu con không đủ khả năng để đảm đương, sẽ tốt hơn nếu con có thu nhập ổn định hàng tháng và trao quyền thừa kế cho người khác".

Bù lại các bậc cha mẹ giàu có thường cung cấp vốn để các phú nhị đại tự mở công ty, coi như một khoản đầu tư mạo hiểm để kiểm tra năng lực kinh doanh của con. Bố mẹ của cô gái có tên Weymi hứa sẽ cho cô 500.000 USD để xây dựng một tạp chí song ngữ viết về phong cách sống sẽ có mặt tại các cửa hàng xa xỉ.

Weymi cho biết cô không hi vọng sẽ kiếm được nhiều tiền từ đây, nhưng tất cả bạn bè của cô đều đồng tình rằng dự án này đậm chất "Weymi.” Trong khi đó một chàng trai khác chưa tốt nghiệp đại học đã được bố mẹ cấp vốn mở cửa hàng sushi băng chuyền ở trung tâm thành phố.

Theo bà Jaiyang Fan, vấn đề nằm ở chỗ các phú nhị đại không có cảm giác mình là người Trung Quốc. Trong khi đó, các bậc phụ huynh cũng chẳng muốn con mình về nước bởi ở nước ngoài ổn định hơn, và đương nhiên, có thể giữ tài sản dễ hơn.

Nước nào cũng có vấn đề về chênh lệch thu nhập giữa người giàu và người nghèo. Nhưng chuyện ở Trung Quốc lại có phần khác biệt. Trung Quốc gặp vấn đề vì các phú nhị đại không về nước sẽ dẫn đến chảy máu chất xám và các dòng tiền nóng ồ ạt chảy ra khỏi Trung Quốc.

Bản thân Trung Quốc vẫn muốn những người con xa xứ có tình yêu nước, cảm nhận sự quan tâm của người ở trong nước bằng cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, kết nối Trung Quốc với các nước khác thông qua các đại sứ quán, lãnh sự quán, hội sinh viên ở nước ngoài. Điều mà Trung Quốc thực sự muốn, đó là làm thế nào để những người Trung Quốc trẻ giàu có đang ở nước ngoài quan tâm đến vấn đề trong nước. Đương nhiên điều này khá khó khăn.

Hình ảnh "phú nhị đại" trong mắt người Trung Quốc

“Phú nhị đại” là từ người ta dùng để gọi thế hệ thứ hai của những gia đình siêu giàu Trung Quốc. Trong một nền văn hóa mà sự nghèo đói và tính tằn tiện đã tồn tại hàng nghìn năm, lối sống xa hoa của người giàu trở thành nhân tố xấu đối với đa số người dân.

Năm ngoái, con trai của người đàn ông giàu nhất Trung Quốc tung ảnh con chó của anh đeo hai đồng hồ Apple mạ vàng ở hai chân trước. Trên các diễn đàn, cộng đồng mạng bình luận rằng các phú nhị đại khoe khoang những thứ mà họ dùng tiền của gia đình để mua và sự phô trương kệch cỡm là thuốc độc đối với tinh thần làm việc của người Trung Quốc.

Mặc dù vậy, phú nhị đại vẫn là đối tượng mà công chúng quan tâm. Hàng loạt phim truyền hình dài tập về phú nhị đại xuất hiện trong vài năm gần đây. Người dân cũng đang theo dõi một chương trình truyền hình trực tế về phú nhị đại mang tên Ultra Rich Asian Girls of Vancouver (Những cô gái châu Á siêu giàu ở Vancouver".

Weymi là nhân vật chính trong chương trình, còn những nhân vật khác là bạn của cô. Tiếng Hoa và tiếng Anh là hai ngôn ngữ trong chương trình. Người Hoa ở đại lục và trên khắp thế giới xem nó trên mạng Internet để hiểu cuộc sống xa hoa tột đỉnh của những cô gái gốc Á tại Vancouver.

Họ lên án, chế giễu các cô vì thói vung tiền bạt mạng nhằm chứng tỏ đẳng cấp. Tập 1 kết thúc với việc người ta nghi một cô thực hiện những hành vi không xứng tầm - như dùng các túi Hermes nhái hay mặc những trang phục không phải là sản phẩm của các nhà thiết kế thời trang danh tiếng.

"Trong các diễn đàn về chương trình, cộng đồng mạng thường đưa ra những câu kiểu như: Tại sao họ phải phô trương tiền như thế? Tôi không nghĩ tôi khoe của, mà tôi chỉ đang thể hiện cuộc sống của tôi", Weymi vừa nói vừa nhún vai.

Xu hướng rời Trung Quốc của người giàu

Khoảng 30% của cải ở Trung Quốc thuộc về khoảng 1% dân số. Dù người nghèo vẫn chiếm đa số trong nền kinh tế, một báo cáo gần đây cho thấy Trung Quốc có nhiều tỷ phú USD hơn cả Mỹ.

Jeffrey Winters, giáo sư chính trị của Đại học Northwestern tại Mỹ, nhận định rằng thế giới đang chứng kiến sự xuất hiện của người giàu với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Ông nói thêm rằng Trung Quốc là một trong số rất ít quốc gia mà tình trạng siêu giàu từng biến mất (trong Cách mạng Văn hóa) rồi lại tái xuất hiện.

Một nghiên cứu do Ngân hàng Trung Quốc và tổ chức Hurun Report thực hiện cho thấy 60% người giàu Trung Quốc có ý định hoặc đang trong quá trình chuyển ra nước ngoài. (Theo tiêu chuẩn ở Trung Quốc, những người sở hữu hơn 10 triệu nhân dân tệ, tương đương 1,5 triệu USD, thuộc tầng lớp giàu).

Hiện tại, dân Trung Quốc đang chuyển tiền ra nước ngoài với tốc độ khoảng 450 tỷ USD mỗi năm. Phần lớn số tiền đó chảy vào bất động sản. Theo Hiệp hội Bất động sản Trung Quốc, khách hàng người Hoa trở thành nguồn cung cấp tiền mặt lớn nhất đối với thị trường nhà ở dân cư ở Mỹ.

Người giàu rời Trung Quốc bởi nhiều lý do. Một số người lo ngại tình trạng ô nhiễm, trong khi nhiều người khác muốn con tiếp cận nền học vấn tiên tiến.

Zhou Xuegang, giáo sư xã hội học của Đại học Stanford (Mỹ) nhưng từng lấy bằng cử nhân ở Trung Quốc, nhận định: “Sự cạnh tranh trong hệ thống trường ở Trung Quốc rất khốc liệt. Các trường hàng đầu có thể nhận nhiều học sinh nhưng đôi khi bạn vẫn không thể chiếm một suất dù bạn rất giàu”.

Song một bộ phận người giàu Trung Quốc muốn rời quê hương vì không yên tâm khi để tài sản ở đó. Sự lo ngại của họ tăng lên trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm và thị trường chứng khoán trở nên bất ổn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Mai (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN