Các tập đoàn lỗ lớn, ai trả nợ thay?

Trao đổi về khoản vay ưu đãi 300 triệu USD của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để cải cách các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, Ông Đặng Quyết Tiến - phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính - khẳng định "sẽ không trả nợ thay các tập đoàn".

Ông Tiến cho biết khoản vay này thuộc dự án cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty do ADB hỗ trợ, với tổng nguồn vốn của cả chương trình là 630 triệu USD. Mục tiêu của dự án là giúp các tập đoàn, tổng công ty cơ cấu lại nợ.

* Thưa ông, tái cơ cấu nợ thực chất có phải là dùng khoản vay này để đảo nợ?

- Tái cơ cấu nợ là thay thế các khoản vay ngắn hạn, lãi suất cao bằng khoản vay dài hạn với lãi suất hợp lý. Qua đó, việc này sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền và khả năng trả nợ của các doanh nghiệp.

Các tập đoàn lỗ lớn, ai trả nợ thay? - 1

Một số tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ sẽ được vay vốn ưu đãi để cơ cấu lại nợ. Trong ảnh: tàu Vinashin Atlantic của một đơn vị thành viên Vinalines

* Như vậy, Nhà nước có ưu ái quá cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước?

- Nhà nước không trả nợ thay cho doanh nghiệp mà khoản nợ cũ vẫn còn đó. Hay được hiểu là quy mô nợ của doanh nghiệp không thay đổi mà thời hạn vay chỉ kéo dài từ 5 năm lên 20 năm và từ lãi suất 15% được giảm xuống mức thấp hơn. Còn xét về lợi ích tổng thể, khoản vay ưu đãi này sẽ góp phần làm giảm nợ xấu, tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế. Nếu doanh nghiệp không trả được các khoản nợ đến hạn thì sẽ gây ra nợ xấu cho ngân hàng, tác động tiêu cực đến toàn xã hội.

* Liệu có nên bơm vốn cho các tập đoàn, tổng công ty có nợ lớn, thưa ông?

- Những doanh nghiệp có nợ ít hoặc không nợ cũng chả vay làm gì. Chỉ những doanh nghiệp có nợ nhiều mới vay thôi. Thời gian qua, có những khoản nợ mà doanh nghiệp đang phải vay với lãi suất cao, thời hạn ngắn nên lợi nhuận có được chỉ để trả tiền lãi.

Điều này khiến nhiều tập đoàn, tổng công ty lao đao, gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh. Do vậy, với những doanh nghiệp có hướng ra vẫn phát triển được, nhưng bí nguồn tiền để có thể tiếp tục sản xuất bền vững thì Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần. Còn đối với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không thể phục hồi được nữa thì buộc phải cho phá sản, giải thể... chứ không thể đổ vốn vào được.

* Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết Vinashin nợ hơn 80.000 tỉ đồng, Vinalines nợ hơn 40.000 tỉ đồng và Tập đoàn Sông Đà (nay là Tổng công ty Sông Đà) cũng nợ lên đến hơn 10.000 ti đồng... Liệu những “cục nợ” này tới đây sẽ được vay?

- Để được vay ưu đãi, trước hết doanh nghiệp phải tự đăng ký nếu đáp ứng được các tiêu chí như có trên 50% vốn nhà nước sở hữu; đề án tái cơ cấu của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các bên liên quan là ban quản trị, giám đốc... cam kết tái cơ cấu, cải cách và chuyển đổi; ngành kinh doanh phải nằm trong các ngành như nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, giáo dục, năng lượng, tài chính, giao thông, cấp nước...

Căn cứ theo những tiêu chí trên, Bộ Tài chính sẽ rà soát hồ sơ đăng ký của các đơn vị rồi gửi danh sách cho đơn vị tư vấn làm việc với doanh nghiệp. Đơn vị tư vấn do ADB lựa chọn.

* Theo ông, rủi ro như thế nào khi cho các doanh nghiệp có nợ lớn như vậy vay?

- Như tôi nói ở trên, chúng ta cho các tập đoàn, tổng công ty vay khi vẫn nhìn thấy họ có lối ra, tức là họ có dự án tốt, có khả năng sinh lợi. Còn để được vay, dù cho Chính phủ VN vay nhưng hằng tháng ADB giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp.

Trước khi quyết định cho vay, đơn vị tư vấn độc lập sẽ đánh giá cụ thể về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tóm lại, đơn vị tư vấn sẽ phản biện toàn bộ những gì mà doanh nghiệp xây dựng.

Mặc dù đây là khoản vay ưu đãi, nhưng ADB với tư cách là nhà đầu tư chứ không phải là nhà tài trợ. Vậy nên, để bỏ vốn vào thì họ sẽ đánh giá rất khắt khe và khách quan. Yêu cầu đầu tiên của nhà đầu tư là phải có khả năng thu hồi được nợ và nhìn thấy sinh lợi.

* Được biết Tổng công ty Sông Đà đã được vay hơn 100 triệu USD từ ADB. Hiệu quả của việc cho vay này ở đâu khi mới đây Bộ Tài chính công bố đơn vị này có số nợ lên đến 10.000 tỉ đồng?

- Hầu hết số tiền được vay đã giúp Tổng công ty Sông Đà tái cơ cấu nợ. Còn năm 2009, khi thực hiện giai đoạn đầu của dự án, Tổng công ty Sông Đà chưa có đề án tái cơ cấu hoàn chỉnh như những yêu cầu mà chúng ta đang làm. Và hiện nay, theo đề án tái cơ cấu của đơn vị này, một số dự án đầu tư sẽ được bán đi và một số lĩnh vực đầu tư không phải là ngành nghề đầu tư chính cũng sẽ được thoái vốn. Riêng về lĩnh vực đầu tư mà sẽ được thoái vốn, Bộ Tài chính đề nghị ADB và các nhà tư vấn kêu gọi thêm các nhà tài trợ vào mua với giá hợp lý.

Dự án cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty gồm ba giai đoạn (từ năm 2009-2015). Giai đoạn 1 đã thực hiện từ năm 2009 với khoản hỗ trợ 130 triệu USD cho hai đơn vị là Tổng công ty Sông Đà (trước đây là Tập đoàn Sông Đà) và Tổng công ty Đường sông miền Nam vay. Giai đoạn 2 sẽ triển khai từ năm 2013 với 300 triệu USD và giai đoạn 3 là 200 triệu USD.

Lãi suất vay theo thỏa thuận của kết quả hiệp định đàm phán từng hợp đồng vay và dựa trên Libor + (tức là lãi suất liên ngân hàng Anh cộng thêm một khoản phí nhất định theo kết quả từng hiệp định đàm phán - PV). Thời hạn vay 25 năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thanh (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN