Các "ông lớn" nợ trăm nghìn tỷ vì đâu?
Theo đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ, tính đến tháng 9-2011, tổng số nợ của các DNNN tại các ngân hàng lên đến trên 415.000 tỉ đồng, tương đương 16,9% tổng dư nợ tín dụng.
Tại hội thảo đổi mới cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ tái cấu trúc DNNN tổ chức ngày 31-5, các chuyên gia, nhà khoa học cũng như Bộ Tài chính cho rằng để xảy ra một loạt sai phạm của Vinalines, Vinashin... là do buông quản lý và giám sát vốn nhà nước tại các DNNN...
Nợ gấp 3-10 lần vốn chủ sở hữu
Trong tổng số nợ 415.000 tỉ đồng, hơn một nửa số tiền này là khoản vay của các tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Dầu khí VN: 72.300 tỉ đồng, Tập đoàn Điện lực VN: 62.800 tỉ đồng, Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản VN: 20.500 tỉ đồng, Vinashin: 19.600 tỉ đồng. Theo Bộ Tài chính, có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trên ba lần, đặc biệt có bảy tập đoàn và tổng công ty có tỉ lệ trên 10 lần.
Ông Đặng Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán VN, cho rằng cần phân tích những khoản nợ mà các tập đoàn và tổng công ty đang vay, khoản nào là bình thường, khoản nào không có khả năng trả. “Chúng ta phải đánh giá cụ thể khả năng tài chính của từng DN. Còn việc DN không có vốn mà đi vay để kinh doanh là bình thường. Chỉ lo ngại là các DN đi vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Còn kinh doanh đến mức không có khả năng thanh toán, hoạt động thua lỗ là điều không hay cho kinh tế, vì dù là vốn đi vay hay vốn của Nhà nước thì cũng là vốn của người dân, của toàn xã hội” - ông Thanh nói.
Để đánh giá tình trạng tài chính của DN khỏe hay yếu, theo ông Thanh, có hai chỉ tiêu xem xét là tổng số nợ với tổng số tài sản. Nếu như tổng số nợ chiếm 50% tổng số tài sản thì DN đó lâm vào tình trạng không bình thường, còn khi nợ chiếm 90% tổng tài sản thì DN lâm vào tình trạng phá sản.
Công trình thủy điện Lai Châu do Tập đoàn Điện lực VN làm chủ đầu tư. Tập đoàn này nợ 239.699 tỉ đồng
Thiếu minh bạch, quản lý lỏng lẻo
Ông Phạm Đình Soạn, nguyên cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho rằng sai phạm tại các DN như Vinalines do một phần cơ chế. Việc giám sát vốn nhà nước tại các DN có quá nhiều tầng nấc nhưng không tập trung mà “anh nọ tưởng anh kia làm”. Do vậy, cần tổ chức một đơn vị giám sát chịu trách nhiệm chính là Bộ Tài chính.
Ông Đặng Văn Thanh chia sẻ những sai phạm vừa qua như ở Vinalines, Vinashin chỉ được phát hiện khi cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra là do cơ chế chưa thật sự minh bạch. Hiện nay gần như không có cơ chế tài chính - kế toán cho các tập đoàn và tổng công ty, trong khi các “ông lớn” rất phức tạp, kinh doanh đa ngành, đan chéo, dọc có ngang có.
Chính vì vậy, báo cáo tài chính hợp nhất, xử lý tài chính nội bộ lúng túng, nói sai cũng được, nói đúng cũng được. Lỗ hổng này cơ quan quản lý đã nhìn ra từ vài năm nay nhưng không xử khi chưa thấy nổi lên ung bướu. Cho đến khi phát hiện thì ung thư đã di căn, con bệnh quật xuống đã gây thiệt hại lớn.
“Ngay cả những khoản chi tiêu lên đến hàng ngàn tỉ đồng mà bộ phận kế toán không hay, không có vấn đề mới lạ. Để chấn chỉnh tình trạng này, tới đây hệ thống kiểm soát nội bộ tập đoàn cần phải được thiết lập vì đây là hệ thống “cầu chì”, ví như hệ thống điện, nếu không có cầu chì thì nhiều thiết bị điện sẽ hư hỏng” - ông Thanh nói.
Không thể tiếp tục “nuôi”
Để tái cấu trúc DNNN, ông Đặng Quyết Tiến, phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho biết một trong những phương án mà Bộ Tài chính đưa ra là cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Theo đề án này, đến năm 2015 sẽ phải cổ phần hóa thành công 573 DNNN. So với tiến độ của năm 2011 và cả bốn tháng đầu năm nay, mới có sáu DNNN được cổ phần hóa nên phải tăng tốc khoảng 240% mới hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, ông Soạn lo ngại cổ phần hóa sẽ khó có thể thành công nếu “làm trong tâm trạng lừng khừng, nửa vời như hiện nay”. Theo ông Soạn, phải xử lý ngay những vướng mắc liên quan phương thức xác định giá trị tài sản DN, xử lý công nợ... trên nguyên tắc phải theo cơ chế thị trường thì mới cổ phần hóa được.
Liên quan đến đề xuất thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các DNNN của Bộ Tài chính, ông Soạn đề nghị chỗ nào làm không hiệu quả, gây thiệt hại thì phải thoái sớm. Ngành nào hoạt động mang lại tỉ suất lợi nhuận cao nên tính toán thật kỹ. Ông Đinh Quang Tri, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN, cho rằng việc cải tổ DNNN phải xem những DN nào không phát huy hiệu quả thì bán luôn. Thà rằng Nhà nước lỗ một tí còn hơn nuôi rồi sau này mất toàn bộ vốn. Có thể giải thể DN đó để tạo cơ hội cho tư nhân thúc đẩy lên.
Mặt khác, vụ đổ vỡ xảy ra do nhiều nguyên nhân cá nhân, công tác tổ chức cán bộ... Do đó, chính sách tài chính và cán bộ phải đi cùng với nhau. Nếu cơ chế tài chính rất đẹp nhưng người thực hiện không đủ năng lực kinh tế, quản lý, kỹ thuật và đạo đức thì cơ chế tài chính có đẹp bằng “giời” cũng hỏng.
Không thể không vay... Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Biên, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV), cho rằng việc DN phải vay vốn khi đang có những dự án là đương nhiên bởi khó có DN nào đủ vốn làm tất cả. Dù số tiền vay của TKV đã lên tới trên 20.000 tỉ đồng, ông Biên khẳng định tình hình tài chính của TKV hiện đang tốt và nếu có vay 20.000 tỉ đồng thì cũng không phải là nỗi lo quá lớn, bởi doanh thu một năm của tập đoàn này đang ở khoảng 100.000 tỉ đồng. Ông Biên cũng cho biết trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu tăng sản lượng cung ứng than cho nền kinh tế, TKV sẽ phải tiếp tục tăng vay để đầu tư. Các khoản vay đều phải được sử dụng đúng mục đích và đảm bảo hiệu quả đầu tư. CẦM VĂN KÌNH |