Các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ kiếm tiền thế nào?
Doanh thu của ngân hàng lớn nhất tại Mỹ như JPMorgan, Citigroup, Bank of America, Capital One... chủ yếu đến từ thẻ tín dụng, dịch vụ thanh toán cá nhân và doanh nghiệp.
1. JPMorgan Chase (JPM)
Trong quý II, phần lớn doanh thu của JPM đến từ thẻ tín dụng, thế chấp, giao dịch ATM và dịch vụ thanh toán cho các doanh nghiệp nhỏ. Khoảng 1/3 doanh thu của ngân hàng này đến từ dịch vụ cho doanh nghiệp lớn và đầu tư. Số còn lại đến từ dịch vụ quản lý tài sản và thương mại cho doanh nghiệp cỡ vừa.
2. Bank of America (BAC)
Hơn 30% doanh thu của Bank of America đến từ dịch vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, 40% doanh thu đến từ dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp lớn và quản lý tài sản. Số còn lại đến từ tịch thu các khoản thế chấp xấu.
3. Citigroup
Hơn một nửa doanh thu của Citigroup đến từ dịch vụ ngân hàng toàn cầu. Citigroup cũng là ngân hàng Mỹ có hoạt động khách hàng cá nhân quốc tế lớn nhất. Doanh thu từ dịch vụ đầu tư và ngân hàng doanh nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ hơn so với dịch vụ khách hàng cá nhân. Dù vậy, theo Bove, “Nguồn doanh thu chính của Citigroup đến từ dịch vụ dành cho các công ty thuộc nhóm Fortune 500 trên toàn thế giới”.
4. Wells Fargo (WFC)
Dịch vụ ngân hàng bán lẻ chiếm gần 2/3 doanh số quý II của Wells Fargo. Trong khi đó dịch vụ doanh nghiệp chỉ chiếm 25%. Hơn 15% doanh thu của ngân hàng đến từ dịch vụ quản lý tài sản.
5. Goldman Sachs (GS)
Tại Goldman Sachs, mảng kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ và hàng hóa mang lại nhiều doanh thu nhất, chiếm hơn 40%. Mảng đầu tư góp vốn chiếm khoảng 25% doanh thu của ngân hàng. Ngoài ra, mảng tư vấn đầu tư cho các CEO và thỉnh thoảng thực hiện các giao dịch phái sinh mang về 20% doanh thu, còn dịch vụ quản lý đầu tư chiếm 15%.
6. Morgan Stanley (MS)
Gần 50% doanh thu của Morgan Stanley đến từ đầu tư, trong khi dịch vụ môi giới chiếm phần lớn số còn lại. Khoảng 10% doanh thu của ngân hàng này là từ các dịch vụ đầu tư cho nhóm khách hàng siêu giàu và các tổ chức.
7. Bank of New York Mellon (BK)
Dịch vụ đầu tư, thanh toán, ký thác và dịch vụ văn phòng chiếm tới 70% doanh thu quý II của BK. 30% còn lại đến từ quản lý đầu tư.
8. US Bancorp (USB)
Dịch vụ ngân hàng bán lẻ chiếm hơn 30% doanh thu của US Bancorp còn dịch vụ thanh toán giao dịch thẻ tín dụng cho doanh nghiệp chiếm 25%. Trong khi đó, phần doanh thu còn lại đến từ cho vay và quản lý tài chính doanh nghiệp. Cho vay cá nhân và doanh nghiệp là nguồn doanh thu lớn nhất của USB. Ngoài ra, dịch vụ thanh toán cũng chiếm phần đáng kể.
9. PNC Financial (PNC)
Dịch vụ ngân hàng bán lẻ và cho vay thế chấp nhà ở chiếm gần một nửa doanh thu quý II của PNC, trong khi số còn lại đến từ dịch vụ cho doanh nghiệp. Dịch vụ quản lý tài sản chiếm 8% và lợi tức từ cổ phần tại Blackrock chiếm 6% doanh thu của PNC. Theo Dick Bove, nhà phân tích tại Rafferty Capital Markets, “PNC kiếm tiền bằng dịch vụ cho vay theo truyền thống. Thử thách lớn nhất hiện tại của PNC là những chi phí cho vay cao hơn dự tính tại khu vực đông nam và trung Mỹ khi ngân hàng này cố gắng tăng thị phần tại đây”.
10. Capital One Financial (COF)
Trong quý II/2014, thẻ tín dụng chiếm tới 60% doanh thu của Capital One, trong khi dịch vụ ngân hàng bán lẻ chiếm 30% và dịch vụ thương mại chiếm 10% còn lại. Đây cũng là xu hướng chung của các ngân hàng lớn nhất thế giới. Nguyên nhân là xu hướng dùng thẻ tín dụng đang phổ biến trở lại và COF cũng tận dụng được ảnh hưởng của các vụ sáp nhập lớn như của ING Direct và Houshold Finance.