Các ngân hàng đang “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến nợ xấu?

Nhiều chuyên gia cho rằng cần có cái nhìn khách quan hơn về nợ xấu, mặc dù để xảy ra nợ xấu là lỗi của ngân hàng nhưng không thể để một mình ngân hàng loay hoay xử lý nợ xấu.

Chỉ xử lý được 15% nợ xấu

Tại hội thảo do Ngân hàng Nhà nước tổ chức về xử lý nợ xấu chiều tối qua 26/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, tính đến nay VAMC đã thực hiện mua được 25.062 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc là 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng. VAMC đã phối hợp với các TCTD tổ chức thu hồi nợ đạt 37.983 tỷ đồng dưới nhiều hình thức như bán nợ, bán tài sản bảo đảm…đạt tỷ lệ 15% dư nợ gốc nội bảng.

Các ngân hàng đang “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến nợ xấu? - 1

Nhiều nút thắt trong vấn đề xử lý nợ xấu. Ảnh minh họa 

Hầu hết khoản nợ xấu đã mua đều có tài sản bảo đảm là bất động sản, hoặc tài sản hình thành từ vốn vay kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp…Việc bán tài sản kể cả cưỡng chế thi hành án để thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn nếu khách hàng không đồng thuận và tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm.

Công tác thu hồi nợ kết quả hạn chế so với khối lượng nợ xấu tồn tại. VAMC gặp nhiều nút thắt trong quá trình xử lý nợ xấu như: nguồn lực hạn chế trong khi số lượng khoản nợ lớn, tài sản bảo đảm các khoản nợ đa dạng, phân tán.

Nguồn vốn của VAMC còn hạn chế và chưa phù hợp với yêu cầu xử lý nợ theo chức năng, nhiệm vụ của VAMC, đặc biệt trong công tác mua bán nợ theo giá trị thị trường. Việc xử lý nợ xấu của VAMC không thể triệt để và hiệu quả nếu không có dòng tiền thực sự để hỗ trợ các TCTD, khách hàng.

Ngoài ra, khó khăn về xử lý tài sản bảo đảm; vướng mắc về thủ tục tố tụng và thi hành án; hành lang pháp lý để vận hành thị trường mua bán nợ còn nhiều hạn chế. VAMC mua nợ xấu của các TCTD nhưng không thể bán được cho bên thứ ba nếu không có chức năng kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ.

Cần có luật riêng để xử lý nợ xấu

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, để có thể thành công trong công tác xử lý nợ xấu qua VAMC cần có cái nhìn khách quan về nợ xấu.

Đó là nợ xấu không phải do một mình ngân hàng gây ra mà do nhiều nguyên nhân. Ngành ngân hàng phải chịu trách nhiệm về nợ xấu, tuy nhiên nguồn gốc của nợ xấu là do các doanh nghiệp, hộ gia đình vay vốn nhưng không trả được nợ vay, vì cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Không để một mình ngành ngân hàng loay hoay xử lý nợ xấu. Nợ xấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế, do đó cả xã hội cần chung tay để xử lý.

Ngoài ra, cần tháo gỡ những nút thắt liên quan đến cơ chế chính sách, xây dựng và thông qua một đạo luật xử lý nợ xấu hoặc có Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về xử lý nợ xấu, luật này có giá trị trong thời hạn xử lý nợ xấu từ 3-5 năm.

Trường hợp chưa thể ban hành luật này thì cần thiết lập tổ liên ngành bao gồm Bộ Công An, Viện kiểm soát, Tòa án, chính quyền địa phương tham gia cùng VAMC tổ chức thực hiện.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cũng cho rằng thủ phạm chính của nợ xấu là doanh nghiệp, nạn nhân chính của nợ xấu chính là ngân hàng. Hiện nay tỷ lệ nợ xấu được công bố chính thức là thấp, nằm trong chuẩn “đẹp”. Tuy nhiên con số nợ xấu ở ngân hàng, VAMC, nợ cơ cáu ở mức độ cao hơn con số công bố hiện nay.

Theo ông, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao ngân hàng lại tạo ra sợ xấu kinh khủng như thế, tại sao ngân hàng không thu hồi nợ xấu, kê biên tài sản, tịch thu hàng hóa, nhà cửa để bán?

Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu vô cùng khó khăn do phụ thuộc vào nhiều yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng. Theo ông, ngân hàng đang “đơn thương độc mã’ giữa cuộc chiến xử lý nợ xấu. Ngân hàng không thể thu hồi được nợ khi doanh nghiệp không có nguồn tiền và tự ngân hàng không thể thu hồi, phát mại tài sản  bảo đảm là bất động sản.

Xử lý tài sản bảo đảm quá gian nan, vì theo quy định của pháp luật gần như phải có sự đồng thuận của khách hàng, cơ quan ban ngành. Ngân hàng phải nhờ Tòa án phán xử gây khó khăn, chậm trễ, tốn kém…mỗi vụ mất vài ba năm.

Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như bất cập về quy định mua bán nợ, chi phí xử lý nợ xấu bị trói như kinh doanh…Một nguyên nhân khiến nợ xấu chậm xử lý do ngân hàng đối mặt với nguy cơ hình sự hóa trách nhiệm dân sự, lao động.

Do đó ông cho rằng cần có đạo luật riêng về xử lý nợ xấu, nếu không thì đừng thắc mắc vì sao ngân hàng chậm xử lý nợ xấu, cũng đừng băn khoăn nợ xấu không đạt chuẩn quốc tế, bắt ngân hàng phải cơ cấu lại nợ xấu; đòi hỏi ngân hàng cho vay lãi suất thấp…

TS. Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho rằng, xử lý nợ xấu ở Việt Nam rất phức tạp, đã đến lúc cần có giải pháp đột phá, quyết liệt, đồng bộ để xử lý dứt điểm hơn về nợ xấu.

Theo ông,kinh nghiệm Thái Lan, Malaysia chỉ thành công khi nợ được bán theo giá thị trường. Vì thế, dứt khoát phải bán theo giá, cơ chế thị trường và phải chấp nhận có lãi, lỗ.

TS. Lực kiến nghị cần tăng vốn mồi cho VAMC để có thêm tiền mua nợ xấu theo giá thị trường, sau khi VAMC kinh doanh, có lãi thì trả lại ngân sách; cho phép lập tổ chức định giá độc lập; đa dạng hình thức, đối tượng mua bán nợ; đề xuất Quốc hội thông qua Luật xử lý nợ xấu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet.vn)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN