Các khóa dạy làm giàu nở rộ, bất minh

Vì tin lời quảng cáo của các “chuyên gia” dạy cách đầu tư làm giàu, rất nhiều người đã mất tiền, ngậm quả đắng.

Hô hào như các lớp quảng bá sản phẩm đa cấp, dẫn dắt người học từ buổi học miễn phí ban đầu rồi đưa ra các chương trình ưu đãi, hạ giá hấp dẫn nhưng thực tế học phí cao gấp nhiều lần so với các trung tâm bình thường mà hiệu quả không phải ai cũng đạt như mong muốn, chiêu trò này đã “bẫy” được nhiều người muốn kiếm tiền nhanh.

Cam đoan lãi 20%-150%/năm (!)

Chỉ cần lên mạng xã hội hay nhiều trang điện tử, chúng tôi dễ dàng tìm thấy các thông tin dày đặc về những người tự xưng là chuyên gia đầu tư, chuyên gia tài chính hay chuyên gia bất động sản như: Đ.T.K, V.P.N.H, N.V.T, P.T.L, N.M.H… Nhưng khi nêu tên một vài chuyên gia tài chính lâu năm trên thị trường, hỏi có biết không, họ đều lắc đầu “không biết”.

Qua lời giới thiệu của bạn bè, chúng tôi tìm gặp “chuyên gia chứng khoán” Đ.T.K. Người này mách nước cho chúng tôi về “cách tạo dòng tiền bền vững từ thị trường chứng khoán và phần mềm Freestock sẽ giúp nhà đầu tư đều đặn kiếm 20%-150% lợi nhuận mỗi năm”, đồng thời khuyên chúng tôi sớm đăng ký tham gia lớp học “Bí mật nhà đầu tư chứng khoán thông minh” do chính “chuyên gia” này làm diễn giả.

18 giờ, đúng giờ đăng ký, chúng tôi đến địa chỉ một chi nhánh của một ngân hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM. Rất nhiều người đã đứng chờ sẵn ngoài hành lang, đa phần là bạn trẻ, một số anh chị lớn tuổi, trong đó có cả vợ chồng, cùng theo lớp học. Khúc dạo đầu của lớp học chẳng khác gì một buổi tập huấn ở các công ty bán hàng đa cấp, diễn giả liên tục cổ vũ, khích lệ tinh thần học viên. Rồi sau đó, diễn giả cứ thao thao bất tuyệt từ cái thời sinh viên không có tiền, không thích học đến đi tìm hiểu chứng khoán, thua lỗ trắng tay… nhưng chốt lại cuối cùng vẫn là sự thắng lợi nhờ có những bí quyết mà diễn giả sẽ chia sẻ trong khóa học “Bí mật nhà đầu tư chứng khoán thông minh”.

Các khóa dạy làm giàu nở rộ, bất minh - 1

Những khóa học lên tới hàng chục triệu đồng vẫn có nhiều người đăng ký tham gia

Theo “chuyên gia” này, toàn bộ chương trình của khóa học gồm tài liệu, dĩa, kiến thức, phần mềm Freestock trị giá lên tới 50 triệu đồng nhưng đã ưu đãi rút xuống chỉ còn hơn 10 triệu đồng cho 3 buổi học. “Hôm nay các bạn nghe một lần, các bạn có thể dùng cả đời. Một năm đánh 1 lần chứng khoán, 1 lần có thể kiếm 100 triệu hay 1-2 tỉ là chuyện bình thường” - Đ.T.K quảng cáo.

Cũng với câu chuyện từ nghèo khổ, đi làm nhà cho thuê rồi có xe Mercedes, nhà lầu…, “chuyên gia bất động sản” V.P.N.H liên tục nói “I say yes” khi giới thiệu về khóa học đầu tư bất động sản của mình. Diễn giả này đưa ra mức lợi nhuận đầu tư từ 63% từ nhà cho thuê, khách sạn, căn hộ dịch vụ cho người nước ngoài thuê thu lại USD… V.P.N.H cho biết mình đã dạy hàng chục khóa học, mỗi khóa 50 người và đã có 1.800 người tốt nghiệp, trong số đó 70% ứng dụng thành công; 30% còn lại đầu tư không có kết quả vì “họ không hành động”. Đang hô hào, diễn giả này bất ngờ giục mọi người đứng dậy và xuống đăng ký lớp học… “20 người đầu tiên sẽ có mức học phí không thể tin nổi, không phải là 300 triệu đồng, cũng không phải 30 triệu đồng mà chỉ có 10,9 triệu đồng/người mà thôi! Đặc biệt, nếu đóng ngay chỉ còn 9,9 triệu đồng. Cơ hội chỉ dành cho 20 người mà thôi” - H. mời gọi chẳng khác nào một nhân viên bán hàng đa cấp.

Học phí cực đắt, hiệu quả mơ hồ

Cũng là dạy đầu tư chứng khoán với chủ đề “Nhà đầu tư kiệt xuất” nhưng “chuyên gia” T.N lại thu học phí đến 43 triệu đồng cho 3 ngày. Mỗi lớp học từ 20-30 người, diễn giả này dễ dàng bỏ túi cả tỉ đồng.

Chúng tôi liên hệ với ông N.H.K. - ngoài 50 tuổi ở quận 2, TP HCM, một học viên cũ của diễn giả T.N nói trên. Ngay khi biết chúng tôi muốn tham khảo về chất lượng khóa học, ông N.H.K đã tỏ ra bức xúc và ngăn chúng tôi không nên tham gia lớp học. Ông K. kể ngay buổi đầu, nhìn mọi người đóng tiền ào ào, “thấy ham” nên đã không ngần ngại bỏ ra 43 triệu đồng đóng tiền tham gia lớp học của “chuyên gia” T.N. Thế nhưng, khi áp dụng lại không đúng, không những không lãi chứng khoán mà tổng cộng số tiền ông thua lỗ hơn 1 tỉ đồng. “Với kinh nghiệm 10 năm chơi chứng khoán, thua lỗ cũng nhiều nên khi nghe diễn giả nói hay quá, tôi không chỉ bỏ tiền ra học và còn cho cả vợ con tham gia. Nhưng khi áp dụng, tôi mới nhận ra tất cả chỉ là lý thuyết suông, hứa hão và đánh vào lòng tham kiếm tiền nhanh của những nhà đầu tư nhẹ dạ như chúng tôi” - ông K. nói.

Một bạn nữ tên là T.T - hiện làm việc tại một công ty ở quận 1, TP HCM - cho biết chính diễn giả T.N “nổ” rằng mình đang lập một quỹ đầu tư với số vốn hàng triệu USD để đầu tư cổ phiếu nên kêu gọi T. tham gia. “Rất may, em không có tiền nhiều để đầu tư nhưng em cũng đã tốn hết vài chục triệu đồng “ngu phí” cho những lớp học trời ơi này” - T. chia sẻ.

Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh - hiện là giám đốc tư vấn đầu tư ở một công ty chứng khoán có vốn nước ngoài, người gắn bó với thị trường chứng khoán từ ngày đầu (năm 2000) - dù có là nhà đầu tư nhiều năm kinh nghiệm cũng chẳng ai dám khẳng định đầu tư chứng khoán là dễ dàng chiến thắng. Cam kết lợi nhuận hàng trăm, hàng ngàn phần trăm như các “chuyên gia” kể trên là không thể thành hiện thực. Việc hứa hẹn lợi nhuận cao giống như Ponzi - mô hình lừa đảo kinh điển đã khiến rất nhiều nhà đầu tư bị sập bẫy. “Nếu thực sự dễ làm giàu và giàu chắc như quảng cáo thì họ đã không đi rao bán “nước bọt” để kiếm tiền như vậy” - ông Khánh nhận xét, đồng thời dẫn chứng một thống kê của Ngân hàng HSBC cho thấy 6 tháng đầu năm 2016, các quỹ đầu tư lớn, xuất sắc nhất trên thế giới như Quantedge Capital Pte có trụ sở ở Mỹ và Singapore cũng chỉ lãi được 40%. Do đó, những lời cam kết với lợi nhuận “khủng” như trên là không trung thực và thiếu trách nhiệm nên nhà đầu tư phải hết sức tỉnh táo, nếu không sẽ bị lợi dụng và “tiền mất tật mang”.

Quá nhiều cạm bẫy

Luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Đông Phương Luật, cho rằng những nhà đầu tư trước khi tham gia các khóa học dạng này cần phải tìm hiểu xem các diễn giả tổ chức giảng dạy có được cơ quan quản lý cấp giấy phép, có đóng thuế nhà nước hợp pháp và có trách nhiệm xã hội hay không. Bởi khi đã dạy, có thu tiền thì phải có phiếu thu, hóa đơn, đóng thuế. Còn việc kêu gọi, rủ rê mọi người đầu tư và cam kết thành công thì người học phải yêu cầu làm hợp đồng chứ không để họ hứa suông, rất khó giải quyết khi có tranh chấp.

“Còn nếu những người này không có chức năng huy động vốn mà vẫn huy động là sai. Nếu nhà đầu tư không tỉnh táo sẽ bị mất cả chì lẫn chài vì ham lợi nhuận và tin lời hô hào” - luật sư Công lưu ý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Nhung (Người lao động)
Chuyện của doanh nhân thành dạt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN