Các “đại gia” đổ tiền vào nông nghiệp
Hàng loạt dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của các “đại gia” đã công bố hoặc đang âm thầm triển khai mang lại làn gió mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Giữa tháng 4, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco, vốn điều lệ lên đến 2.000 tỉ đồng.
Đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng
Dù chưa công bố những dự án chính thức nhưng VinEco đã làm việc và chuẩn bị triển khai các dự án nông nghiệp tại nhiều địa phương, bước đầu tập trung vào sản xuất rau quả hữu cơ và rau quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đại diện VinEco cho biết sẽ quy hoạch các vùng sản xuất theo mô hình tập trung khép kín và nhận chuyển giao công nghệ từ Nhật, Israel, Hà Lan... Sản phẩm làm ra được khép kín từ khâu nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển phân phối và sẽ được đưa ra thị trường thông qua hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+. Song song đó, đơn vị này cũng hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Hệ thống vắt sữa tự động hiện đại tại trang trại bò sữa. Ảnh: THANH NHÂN
Tính từ thời điểm bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp (năm 2008) đến nay, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã đầu tư 18.000 tỉ đồng vào nông nghiệp và bước đầu gặt hái thành công. Hiện tập đoàn này đang sở hữu 44.500 ha cao su, 8.000 ha mía đường, 17.300 ha dầu cọ, 5.000 ha bắp và đang triển khai dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Kế hoạch doanh thu năm 2015 được tập đoàn này công bố là trên 5.340 tỉ đồng. HAGL khẳng định tiếp tục tập trung đầu tư vào mảng nông nghiệp, trọng tâm là nuôi bò sữa, bò thịt và có thể bán nhiều dự án trong nước để huy động vốn vì theo lãnh đạo HAGL - ông Đoàn Nguyên Đức - chăn nuôi là ngành rất tiềm năng trong tương lai. Chỉ riêng tiền bán phân bò, hiện mỗi ngày HAGL thu về... 1 tỉ đồng.
Bầu Long - ông chủ Tập đoàn Hòa Phát (HPG) - cũng nhảy sang mảng nông nghiệp, chuẩn bị cho ra thị trường lô hàng thức ăn gia súc đầu tiên. Mục tiêu lãnh đạo tập đoàn này đặt ra trong 3 năm tới là sẽ đạt doanh thu 3.000 tỉ đồng/năm. Theo đó, HPG đã dành 300 tỉ đồng để thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên với công suất 300.000 tấn/năm. Theo ông Trần Bá Dương, Tổng Giám đốc HPG, trong 5 năm tới, HPG có thể đầu tư 5.000-10.000 tỉ đồng cho lĩnh vực này.
Sau một thời gian “gom về một mối” 8 nhà máy mía đường, Tập đoàn Thành Thành Công cũng đang ráo riết “chạy” 2 dự án khác thuộc lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Mọi thông tin về 2 dự án chưa được công khai nhưng hứa hẹn sẽ góp phần mang lại không khí sôi động trên thị trường nông sản sắp tới.
Riêng Vinamilk đã xây 5 trang trại nuôi bò ở Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng và theo kế hoạch năm 2014-2015 sẽ thêm 4 trang trại ở Thanh Hóa. TH Milk từ năm 2009 cũng đã triển khai dự án nuôi bò sữa trên diện tích 37.000 ha ở Nghệ An và đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sữa khép kín tại tỉnh này. Dự kiến, đến năm 2017, TH Milk sẽ có 137.000 con bò sữa, cung cấp ra thị trường 500 triệu lít sữa/năm.
Một doanh nghiệp (DN) đang đàm phán với tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, An Giang để hình thành những vùng sản xuất xoài khoảng 1.000 ha, hướng đến xuất khẩu xoài tươi, nước xoài, mứt xoài... DN này đầu tư công nghệ trồng xoài theo đúng kỹ thuật, lập nhà máy để sơ chế, chế biến, bảo quản, mục tiêu là sản phẩm xuất khẩu giá cao. Một “vua” thép ở tỉnh Long An cũng đang lập nhà máy, sử dụng công nghệ hiện đại, tổ chức cho nông dân sản xuất, cam kết bao tiêu toàn bộ lúa sản xuất theo tiêu chí của công ty để xuất khẩu.
Cách làm hay cần khuyến khích
Kể câu chuyện tỉnh Vĩnh Phúc có sáng kiến hợp tác với DN làm nông nghiệp công nghệ cao, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, cho biết ông rất ủng hộ các DN mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Theo ông Doanh, tỉnh Vĩnh Phúc thuê 250 ha đất giao cho Vingroup, Vingroup thuê nông dân làm việc trên chính thửa ruộng của mình với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Nông dân sẽ được tiếp cận cách sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mở ra khả năng giúp họ trở thành công nhân nông nghiệp và học được kỷ luật thị trường: sản xuất ra cái gì mà có khách hàng, có địa chỉ tiêu thụ rõ ràng. Đây là bước tích cực, giúp thoát khỏi cách sản xuất, kinh doanh manh mún.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao mà không nắm được thị trường thì rất dễ kẹt đầu ra. Những DN đầu tư bài bản, chắc chắn và có thị trường rõ ràng thì có nhiều cơ hội, nông dân cũng được hưởng lợi. Địa phương quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, DN sản xuất theo quy trình cụ thể, ứng dụng khoa học công nghệ làm ra sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Nhà khoa học tham gia cung ứng, hướng dẫn quy trình. “Tôi nghĩ đây là cách làm rất hay, cần khuyến khích ngày càng nhiều DN như thế để làm tăng năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam. Lâu nay, nông dân sản xuất nhỏ lẻ, DN làm ăn chụp giật không những không tạo được thương hiệu mà nông dân còn chịu thiệt” - nhà nông học Võ Tòng Xuân nói.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng sự đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của các “đại gia” không thay đổi được toàn bộ nền nông nghiệp nhưng sẽ xuất hiện một số điển hình, gợi ý để có thể thay đổi và là động lực đòi hỏi nông dân học tập, nâng cao trình độ. Đây là dấu hiệu tích cực, giúp các DN này thành công, giúp nông dân trở thành công nhân nông nghiệp có thu nhập, sản xuất theo công nghệ hiện đại và có thể giúp nông nghiệp Việt Nam bước vào thị trường thế giới.