Các Bộ "liên thủ" thu thuế cá nhân kiếm triệu đô qua Facebook, Google
Cơ quan thuế có thể phối kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, các ngân hàng để xem cơ sở dữ liệu, tính lại số thuế mà hộ kinh doanh trốn, gây thất thu….
Ở Việt Nam thời gian gần đây đã phát triển mạnh loại hình kinh doanh, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các phương tiện như phát sóng truyền hình, các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube… của nước ngoài.
Để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và thương mại điện tử nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử, mở rộng cơ sở thu thuế thì cần phải có các quy định cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang định kỳ thông tin về những giao dịch lớn cho cơ quan thuế. Ngân hàng Nhà nước cũng có thông tư hướng dẫn các khoản thanh toán bằng thẻ quốc tế (như Visa/Master) phải thực hiện qua những đơn vị do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Do vậy, cơ quan thuế đã kết hợp các dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và quản lý được các khoản thu thuế.
Cơ quan thuế có thể phối kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, các ngân hàng để xem cơ sở dữ liệu, tính lại số thuế mà hộ kinh doanh trốn, gây thất thu….
Cùng với đó, ông Huy cho biết, Bộ Công thương cũng đang đẩy mạnh hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử. Dự kiến, việc sử dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh thương mại điện tử sẽ được bổ sung vào các quy định pháp luật.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng chỉ quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên các website có tên miền Việt Nam. Đối với kinh doanh thương mại điện tử không phải trên website tên miền Việt Nam thì không nằm trong quản lý của Bộ Công thương, mà thuộc sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Do đó, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này đã bổ sung thêm các bộ ngành có liên quan trong việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử.
Theo đó, 2 nội dung quan trọng được đưa ra tại Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đó là: Kiểm soát hoạt động thanh toán. Ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế phát sinh đối với giao dịch thương mại điện tử của các tổ chức nước ngoài có kinh doanh và phát sinh thu nhập từ Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý để sau này Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cho ngân hàng thương mại và các tổ chức cá nhân liên quan triển khai thực hiện.
Hai là, bổ sung trách nhiệm của các bộ ngành, tổ chức đơn vị liên quan đến kinh doanh thương mại điện tử như Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại…
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho hay, việc quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh qua Facebook, Google…. rất khó khăn. Nếu đơn vị bán hàng qua Facebook và thu bằng tiền mặt thì khó kiểm soát hơn. Còn đối với những các hộ kinh doanh lớn, tiền được chuyển qua ngân hàng, ví điện tử… và cơ quan thuế có thể thông qua các đơn vị này để biết doanh thu, thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, phía ngân hàng, cơ quan chuyển tiền cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin.
“Về nguyên tắc, khi quảng cáo thì đơn vị quảng cáo phải khấu trừ thuế. Cơ quan thuế có thể phối kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, các ngân hàng để xem cơ sở dữ liệu. Kể cả khi xóa cơ sở dữ liệu đi thì những cơ quan này cũng có quyền khôi phục dữ liệu lại để điều tra, tính lại số thuế mà hộ kinh doanh trốn, gây thất thu”, bà Cúc nói.
Do đó, theo bà Cúc, cần phải phân loại quy mô của hộ kinh doanh để bảo đảm công bằng trong quản lý thuế. Khi phân loại được hộ bán hàng điện tử, đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm… thì cơ quan thuế sẽ phân biệt được quy mô và có biện pháp quản lý cũng như xác định doanh thu phù hợp.
“Doanh thu do hộ kinh doanh tự kê khai nhưng nếu phân biệt được thì chúng ta sẽ so sánh. Cơ quan thuế sẽ xem xét ví dụ như bán đồng hồ thì bình thường bán bao nhiêu đồng hồ, còn hàng ăn thì một ngày bán bao nhiêu bát phở… Biết quy mô đó rõ ràng quản lý thuế sẽ tốt hơn, phù hợp hơn. Tôi nghĩ rằng thuận lợi và cũng đảm bảo bình đẳng, rõ ràng, minh bạch. Bởi nếu không sẽ dẫn đến chuyện ai làm ăn nghiêm chỉnh thì lại nộp thuế đủ còn ai tránh thuế thì sẽ nộp thuế thấp và như thế không bình đẳng về thuế giữa những người kinh doanh với nhau”, bà Cúc cho hay.