Bùng nổ tỉ phú là dấu hiệu của... thất bại?
Để tăng lương thành mức đủ sống cho 2,5 triệu công nhân may mặc tại Việt Nam, sẽ cần 2,2 tỉ USD mỗi năm. Con số này chỉ tương đương với 1/3 số tiền mà năm công ty may mặc hàng đầu trả cho các cổ đông năm 2016.
Sáng 22-1, Oxfam Việt Nam (liên minh quốc tế gồm 17 tổ chức hoạt động toàn cầu nhằm nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng) đã công bố báo cáo "Đãi ngộ người lao động, không phải nhóm siêu giàu" trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) diễn ra vào ngày 23-1.
Theo đó, 1% dân số giàu nhất thế giới đã bỏ túi 82% tổng của cải được tạo ra trong năm vừa qua trong khi 3,7 tỉ người, chiếm nửa dân số nghèo nhất thế giới lại không được hưởng lợi.
Báo cáo "Đãi ngộ người lao động, không phải nhóm siêu giàu" hé lộ một nền kinh tế toàn cầu đang thúc đẩy nhóm thượng lưu giàu có tích tụ khối lượng của cải khổng lồ. Trong khi hàng triệu người dân đang vật lộn để tồn tại với mức thu nhập ở dưới ngưỡng nghèo.
Tài sản của các tỉ phú tăng trung bình 13% mỗi năm kể từ năm 2010 - nhanh hơn gấp sáu lần so với mức tăng lương của những người lao động bình thường (2% mỗi năm).
Số lượng tỉ phú tăng nhanh chưa từng thấy trong khoảng thời gian từ tháng 3-2016 đến tháng 3-2017, cứ hai ngày lại có thêm một tỉ phú.
Các công nhân may mặc đang làm việc tại một nhà máy may ở Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI
Chỉ cần bốn ngày là một giám đốc điều hành của một trong năm thương hiệu thời trang quốc tế có thể kiếm được số tiền tương đương với tổng thu nhập cả đời của một nữ công nhân may mặc bình thường tại Bangladesh.
Tại Mỹ, chỉ với hơn một ngày lao động là một giám đốc điều hành có thể kiếm được số tiền tương đương với thu nhập cả năm của một người lao động bình thường.
Trong khi đó, để tăng lương thành mức đủ sống cho 2,5 triệu công nhân may mặc tại Việt Nam, sẽ cần 2,2 tỉ USD mỗi năm. Con số này chỉ tương đương với 1/3 số tiền mà năm công ty may mặc hàng đầu trả cho các cổ đông năm 2016.
Bà Winnie Byanyima (Giám đốc điều hành của Oxfam) cho rằng: “Sự bùng nổ về số lượng tỉ phú không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế phát triển mà là một triệu chứng của một hệ thống kinh tế thất bại.
Những người may bộ quần áo chúng ta đang mặc, lắp ráp điện thoại chúng ta đang sử dụng và nuôi trồng thực phẩm ta đang ăn hằng ngày bị bóc lột để đảm bảo nguồn hàng giá rẻ ổn định và tăng lợi nhuận của các tập đoàn và nhà đầu tư tỉ phú”.
Oxfam kêu gọi các chính phủ đảm bảo nền kinh tế mang lại lợi ích cho mọi người, chứ không chỉ vì vài người may mắn.