“Bùng nhùng” hậu cổ phần hóa
Quá trình cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp (DN) nhà nước đang được Chính phủ “thúc” đẩy nhanh. Dù đi được quãng đường khá dài nhưng xem ra đến thời điểm này, CPH vẫn lắm mối “bòng bong” bởi những nhập nhằng trong thoái vốn; dấu hiệu lấn lướt của các cổ đông lớn đẩy phần thiệt thòi cho nhà nước và cổ đông nhỏ lẻ.
Nhập nhằng thoái vốn, sáp nhập
Mới đây, nhóm cổ đông nhỏ của Cty CP Nhựa Y tế (Mediplast) làm đơn kiến nghị các cơ quan nhà nước về việc nhóm cổ đông chi phối tự quyết việc sáp nhập công ty với Tổng Cty Thiết bị y tế Việt Nam (Vinamed). Các cổ đông nhỏ bức xúc đề nghị cơ quan nhà nước thanh tra quá trình sáp nhập, ngăn chặn nguy cơ thất thoát vốn và tài sản nhà nước, bảo vệ lợi ích của cổ đông.
Theo các cổ đông nhỏ, Mediplast đã được CPH với vốn điều lệ 16,5 tỷ đồng, nhà nước nắm giữ 48% vốn điều lệ, và được giao cho Vinamed làm đại diện vốn. Năm 2016, Vinamed tiến hành CPH, với một nhóm nhà đầu tư nắm giữ 79% vốn và chiếm đa số thành viên HĐQT.
Ông Phạm Quang Huy - 1 trong 3 nhà đầu tư lớn vào Vinamed được bầu làm chủ tịch HĐQT, đồng thời kiêm nhiệm cả Chủ tịch HĐQT Mediplast. Tuy nhiên, theo các cổ đông nhỏ, từ khi nắm quyền tại cả 2 công ty tới nay, nhóm cổ đông lớn này chưa đóng góp gì cho sự phát triển của DN, chỉ “ngầm” mua đi bán lại cổ phiếu.
Đặc biệt, ngày 5/5/2017, Mediplast bất ngờ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua việc sáp nhập công ty vào Vinamed. Tuy nhiên, các lãnh đạo Mediplast không công bố phương án sáp nhập cho cổ đông biết, chỉ công bố hợp đồng sáp nhập. Không tiến hành kiểm toán, định giá tài sản, định giá mua bán, chưa được cổ đông ủy quyền thực hiện giao dịch, thiếu công khai minh bạch… Những điều này xâm phạm tới quyền và lợi ích cổ đông nhỏ, cũng như vốn nhà nước tại Mediplast.
Hacinco chưa thể chuyển đổi xong, dù đã 12 năm sau ngày bán cổ phần lần đầu. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Đặc biệt khi Mediplast đang sở hữu 2 lô đất “vàng”, một lô đất rộng hơn 2.800m2 tại mặt phố Lương Định Của (Đống Đa, Hà Nội), và một lô rộng gần 14.000m2 tại Bắc Ninh.
Không chỉ trường hợp 2 công thiết bị y tế kể trên, quá trình CPH tại Cty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) cũng để lại nhiều lùm xùm, điều tiếng cho dù doanh nghiệp này đã bán cổ phần lần đầu cách đây 12 năm. Cụ thể, vào tháng 9/2005, Hacinco bán thành công 92,9% cổ phần cho nhà đầu tư (giá trị hơn 37 tỷ đồng). Tuy nhiên, do thiếu sát sao của Hà Nội (chủ sở hữu), trực tiếp là Sở Tài chính Hà Nội (đơn vị giám sát), dẫn tới một số vấn đề khiếu nại kéo dài tới nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Vẫn có hàng rào “chặn” lợi ích nhóm
Liên quan đến vụ việc của Hacico, mới đây báo cáo của Thanh tra Chính phủ khẳng định, UBND thành phố Hà Nội chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng theo kết luận của cơ quan thanh tra và chỉ đạo của Thủ tướng. Điều đó làm ảnh hưởng đến chính sách CPH DN, quyền lợi nhà nước, người lao động và nhà đầu tư vào Hacinco. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ tiếp tục thực hiện thanh tra lại toàn diện quá trình CPH Hacinco để giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, khiếu kiện vừa qua.
Trước những “bùng nhùng” hậu CPH kể trên, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, sau CPH, việc bảo vệ các quyền lợi cổ đông được quy định trong điều lệ công ty. “Nếu các quyết sách lớn của DN do các cổ đông lớn đưa ra xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông thiểu số, các cổ đông thiểu số sẽ được lấy biểu quyết. Nếu quá nửa cổ đông thiểu số biểu quyết thông qua, quyết sách mới được thực hiện. Quá trình này cổ đông chi phối không được tham gia biểu quyết. Đây cũng là cách để ngăn chặn nhóm lợi ích”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, với phần vốn nhà nước tại DN, sau CPH, nhà nước cũng bình đẳng với các nhà đầu tư khác. Trừ trường hợp nhà nước vẫn nắm vốn lớn, có quyền phủ quyết các chính sách lớn liên quan DN. Tuy nhiên, tiếng nói của nhà nước cũng chỉ có giá trị nếu trong điều lệ công ty được xây dựng theo hướng các quyết sách lớn (như mua bán, sáp nhập, chia tách, đổi thương hiệu…) bảo vệ lợi ích nhà nước. .
“Điều lệ công ty sau CPH rất quan trọng, nên khi tổ chức đại hội lần đầu, các cổ đông tham gia, kể cả cổ đông nhà nước và cổ đông thiểu số đều phải có ý kiến, nếu thấy thông qua những điều bất lợi cho mình, bởi sau này có vấn đề xảy ra sẽ không thay đổi được”, ông Tiến nói.
Vì vậy, theo ông Tiến, ban chỉ đạo CPH từng DN phải có trách nhiệm xây dựng để bảo vệ quyền lợi nhà nước. Nếu làm trái, ban chỉ đạo CPH sẽ chịu trách nhiệm đầu tiên (trừ trường hợp bán hết vốn nhà nước tại DN). “Nhiều khi quá trình thực hiện CPH DN có hiệu quả hay không còn phụ thuộc năng lực cán bộ, nhất là khi xây dựng điều lệ”, ông Tiến nói.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), có thực tế, khi tham gia mua cổ phần tại DNNN , các cổ đông nhỏ lẻ thường không để ý tới điều lệ công ty được thông qua tại Đại hội cổ đông lần đầu. Cổ đông lớn thường đưa vào điều lệ các khoản có lợi cho mình trong khi cổ đông nhỏ lẻ không xem, không ý kiến vẫn biểu quyết thông qua. Khi cổ đông lớn chiếu theo điều lệ đó áp dụng, lợi ích cổ đông nhỏ bị xâm phạm, mới quay ra khiếu nại, tố cáo nhưng khi đó đã muộn. Ông Tiến cũng lưu ý chỉ khi cổ đông lớn làm sai điều lệ, hoặc điều lệ không quy định, khi đó mới áp dụng các quy định pháp luật khác liên quan. |