Bức tranh kinh tế tháng 11 dự báo khả quan
Chiều 15/11, công ty chứng khoán MB công bố Bản tin triển vọng kinh tế tháng 11 với điểm nhấn trên thị trường tiền tệ: dòng vốn FDI ổn định tiếp tục tăng; dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục tiếp tục hỗ trợ ổn định tỷ giá….
Vốn FDI tiếp tục tăng mạnh
Vốn FDI tăng trưởng chậm lại trong tháng 8 và tháng 10 làm giảm tốc độ tăng trưởng của 10 tháng đầu năm. Tính đến ngày 20/10/2016 tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung trong 10 tháng năm nay đạt 17.613,4 triệu USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam đã thu hút 2.061 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 12.265,3 triệu USD, tăng 24,4% về số dự án và giảm 1,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đó, có 967 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5.348,1 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước tính đạt 12,7 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2015. Sự sụt giảm tăng trưởng của FDI đăng kỳ chủ yếu là do trong tháng 8/2015, Dự án Cty SamSung Display Việt Nam đăng ký tăng thêm vốn đầu tư 3 tỷ USD.
“Xu hướng thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm nhờ kỳ vọng vào các Hiệp định thương mại tự do và môi trường đầu tư liên tục được cải thiện”, nhận định triển vọng dòng vốn ngoại MBS cho biết.
Tỷ giá ổn, trái phiếu ế
Bản tin triển vọng nền kinh tế tháng 11 của công ty chứng khoán MB vừa phát đi cho biết: Tỷ giá VND/USD có xu hướng giao động đi ngang trong 2 tuần cuối tháng 10 và tăng nhẹ trong những tuần đầu tháng 11.
Nguyên nhân chủ yếu là nhờ vào cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm của NHNN kể từ đầu năm. Bên cạnh đó là nhu cầu nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu trở lại và dòng vốn FDI tiếp tục chạy mạnh vào Việt Nam. Nhờ vậy, NHNN tiếp tục tăng cường mua vào USD nhằm nâng cao dự trữ ngoại hối. Theo công bố của NHNN, tính đến cuối tháng 9, NHNN đã mua vào trên 11 tỷ USD nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 41 tỷ, hỗ trợ mạnh mẽ cho sự ổn định tỷ giá.
Trong khi đó, thị trường TPCP và TPCP trầm lắng 2 tuần cuối tháng 10 khi lượng trái phiếu chính phủ gọi thầu giảm. Tổng giá trị trúng thầu lên đến gần 6.515 tỷ đồng (giảm 59% so với 2 tuần trước). Tỷ lệ trúng thầu trái phiếu ở kỳ hạn 7 năm, 20 năm, 30 năm tiếp tục ở mức cao ( lần lượt là 70%, 77% và 91%) với tổng giá trị trúng thầu là 2.886 tỷ đồng. “Thị trường TPCP sẽ kém sôi động hơn trong những tháng tới, do nhu cầu gia tăng tín dụng của các NHTM từ thời điểm này sẽ gia tăng dần do yếu tố mùa vụ.”, bản tin nhận xét
Tính đến hết tháng 10/2016, tăng trưởng tín dụng đạt 11.45% và tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 13.4% so với cuối năm 2015. Theo MBS, NHNN đã hút ròng khoảng 6.450 tỷ đồng qua repos và tín phiếu trong 2 tuần cuối tháng 10. Tuy nhiên, NHNN cũng đã bơm một lượng lớn VNĐ thông qua hoạt động mua vào USD, tăng dự trữ ngoại hối lên mức 41 tỷ USD. “Với áp lực lạm phát đang tăng lên và thanh khoản của các NHTM dồi dào, NHNN sẽ có thể hút ròng tiền khỏi hệ thống ngân hàng trong tháng tới”, MBS nhận xét. |