BT Bộ Xây dựng: Đầu tư công tránh "tranh công, đổ lỗi”

Làm Bộ trưởng vào lúc hoạt động xây dựng có vẻ đang suy. Ông Trịnh Đình Dũng bảo, quãng thời gian vừa qua thật quý để ông tĩnh tâm cùng các cộng sự tạo nên những hành lang pháp lý quan trọng để ngành phát triển bền vững.

Chia sẻ với Tiền Phong, ông nói: “Bịt lỗ hổng gây thoát thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng và tạo ra chính sách đưa thị trường bất động sản phát triển ổn định, cũng như tạo cơ hội để người có thu nhập thấp được tiếp cận  nhà ở là điều tâm đắc nhất của tôi”.

Bịt lỗ hổng gây thất thoát lãng phí

Thưa Bộ trưởng, kỳ họp thứ 6, Quốc hội vừa cho ý kiến Luật xây dựng (sửa đổi), theo ông Luật này hứa hẹn sẽ đem lại những hiệu quả gì trong quản lý đầu tư xây dựng?

Đổi mới nhất của Luật chính là đặt ra yêu cầu tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, của công chức được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Thay vì quyền không được giao, không chịu trách nhiệm thì nay anh sẽ được giao quyền và phải chịu trách nhiệm tương xứng với các quyền đó, tránh “ tranh công đổ lỗi”.

Mục tiêu quan trọng của Luật là bịt lỗ hổng gây thất thoát lãng phí. Theo đó, các nguồn vốn Nhà nước phải được quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, đảm bảo hiệu quả và chống thất thoát lãng phí vốn Nhà nước. Còn các nguồn vốn ngoài ngân sách chỉ quản lý theo quy hoạch, đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn, đảm bảo môi trường.

BT Bộ Xây dựng: Đầu tư công tránh "tranh công, đổ lỗi” - 1

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

Điểm mấu chốt trong việc bịt lỗ hổng gây thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng được luật đề cập là gì thưa Bộ trưởng?

Đó là việc đổi mới mô hình ban quản lý dự án (BQLDA) công trình xây dựng sử dụng vốn Nhà nước, đặc biệt là vốn ngân sách.

Việc thành lập BQLDA chuyên nghiệp, tập trung sẽ giảm đầu mối và nâng cao chất lượng quản lý dự án. Sẽ có hai hình thức là BQLDA khu vực và BQLDA chuyên ngành. Khi đó các BQLDA sẽ mạnh lên, chuyên nghiệp hoá cao. Hơn nữa, các BQLDA sẽ tồn tại lâu dài, chịu trách nhiệm đến cùng với các công trình. Chuyên nghiệp hóa sẽ hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí.

Bất động sản “hạ cánh mềm”

Năm vừa qua thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phá băng. Bộ trưởng có nhận định những điểm sáng nào trong năm 2013 để từ đó làm tiền đề hâm nóng thị trường trong năm 2014?

Thị trường bất động sản đang ấm lên, giao dịch quý 3 và một phần quý 4 tăng gấp 2 lần quý 1 và 2. Trên thị trường hiện nay, những ngôi nhà, căn hộ đã hoàn thiện, đã xây xong có nhiều khách mua. Người bán cũng cơ cấu lại sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của người mua. Điều đó khẳng định những giải pháp về tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản được Bộ Xây dựng trình, được Chính phủ chấp nhận đã đi đúng hướng và có sức sống. Chúng ta không dùng tiền mà chỉ dùng chính sách để điều chỉnh những bất cập của thị trường.

Các tòa nhà chung cư mọc lên rất nhanh khu Lê Văn Lương kéo dài - Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Có người nói bất động sản Việt Nam đã hạ cánh mềm, không vỡ bong bóng. Thị trường bất động sản đã ấm lên, niềm tin vào thị trường bất động sản đang dần được khôi phục trở lại.

Theo Bộ trưởng đâu là chính sách được cho là có tính chiến lược trong việc phát triển thị trường bất động sản?

Quan điểm nhất quán của Bộ trong phát triển thị trường bất động sản là việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia. Đây là điểm quan trọng nhất trong chính sách. Bất động sản gắn liền với đất, gắn liền với tài nguyên và cuộc sống của người dân nên phát triển theo nguyên tắc thị trường nhưng phải có quy hoạch và kế hoạch.

Thứ hai, bất động sản phải hướng tới người dân, hướng tới người tiêu dùng chứ không phải phát triển theo khả năng của nhà đầu tư. Mục tiêu là cải thiện nhà ở cho người dân.

Đổi mới về công tác phát triển nhà ở thể hiện nhà nước có vai trò hỗ trợ người dân được cải thiện nhà ở. Trong đó, phải tạo điều kiện để phát triển các loại nhà ở thương mại để thỏa mãn nhu cầu của người dân có khả năng chi trả đồng thời phát triển mạnh nhà ở xã hội trong đó có sự hỗ trợ của nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân khó khăn về nhà ở.

Còn những khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng, liệu đã có cách nào giải quyết, thưa Bộ trưởng?

Tôi xin nói lại gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng là hỗ trợ cho dân nghèo vay mua nhà ở xã hội chứ không phải giải cứu bất động sản. Nhà nước không có tiền cứu bất động sản, Nhà nước chỉ có tiền hỗ trợ cho người dân. Từ đó tăng cầu, tăng khả năng thanh toán cho người dân. 

Phát triển nhà ở xã hội là vấn đề dài hạn chứ không phải trước mắt. Khi kinh tế phát triển cao, vẫn cần nhà ở xã hội. Hiện nay, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng muốn giải ngân được phụ thuộc vào nguồn cung, tức là các doanh nghiệp  làm nhà ở xã hội. Phải có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội được giao dịch thì người dân mới có thể mua được, mới đủ điều kiện cho vay. Không có nhà, không có người giao dịch mà giải ngân nhiều mới đáng lo ngại vì gói hỗ trợ khi đó sẽ không đi đúng hướng, không đúng đối tượng, bị lợi dụng, gây thất thoát.

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Sưởng - Công Khanh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN