Brexit tạo áp lực đè tỷ giá, chứng khoán

Sau sự kiện Brexit (việc Anh rời khỏi EU), 8 đồng tiền trong rổ tham chiếu của cơ chế tỷ giá trung tâm và nhóm cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU cũng mất giá. Xuất hiện quan ngại sẽ có áp lực đè lên tỷ giá VND/USD.

Một ngày sau sự kiện Brexit, trước nhiều nguồn thông tin về áp lực mất giá nhiều đồng tiền chủ chốt có thể sẽ tác động lên VND khiến tỷ giá VND/USD chịu áp lực, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: Không có quá nhiều tác động. “Các ngân hàng cần USD,  NHNN sẵn sàng bán nhưng có ai cần đâu”, vị này nói.

Biến động do tâm lý

NHNN đang dồi dào ngoại tệ. Điều này trùng khớp với thông tin của tuần trước trên thị trường khi các tổ chức dự báo: Ước tính đã có khoảng 95.000 tỷ đồng được bơm ròng vào hệ thống ngân hàng trong 5 tháng qua. Cùng lúc, tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến tín hiệu vui khi công bố chỉ trong 5 tháng đầu năm, NHNN đã mua ròng 8 tỷ USD giúp cải thiện dự trữ ngoại hối. Một lãnh đạo NHNN xác nhận, chỉ tính riêng tháng 5/2016, cơ quan này đã mua ròng hơn 1,1 tỷ USD.

Chiều 27/6, Cty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố Báo cáo đánh giá những tác động của sự kiện Brexit đến Việt Nam. Theo BVSC, quan ngại và rủi ro lớn nhất sẽ đến từ hai thị trường là tiền tệ và chứng khoán. “Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam ngay lập tức đã trải qua những thời điểm phản ứng khá hoảng loạn… Dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán các nước có độ rủi ro cao như Việt Nam có thể sẽ được tính toán theo hướng giảm bớt”, BVSC phân tích.

Dẫu cung dồi dào và nhiều dự đoán giá USD tuần qua tăng do tâm lý, nhưng mở cửa phiên đầu tuần, NHNN vẫn công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD, áp dụng cho ngày 27/6/2016 là 21.866 đồng, tăng 21 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần các ngân hàng được áp dụng là 22.522 đồng và tỷ giá sàn là 21.210 đồng/USD. Lập tức, một vài ngân hàng điều chỉnh tăng giá đồng USD. Cụ thể, Vietcombank tăng 15 đồng ở cả hai chiều mua bán, ở mức 22.310 -22.380 đồng. ACB và Eximbank cùng giá tương tự, duy chỉ có Eximbank tăng nhẹ hơn 10 đồng giá bán. DongABank giữ nguyên giá so với cuối tuần trước còn Techcombank tăng 10 đồng hai chiều giao dịch.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết, ngay từ lúc mở cửa thị trường phiên đầu tuần này giá có biến động tăng nhẹ, tuy nhiên chỉ ít phút sau đã ổn định. “Quan sát chung trên thị trường cầu mua ngoại tệ không nhiều. Khả năng biến động này vẫn do tác động tâm lý còn rơi rớt và không ngoại trừ một vài ngân hàng lớn tranh thủ tạo sóng. Thứ 6 tuần trước, có lệnh mua thấy được giá chúng tôi bán liền”, vị này kể lại.

Đầu tư vào đâu?

“Tỷ giá cũng sẽ chịu áp lực tăng theo sự phá giá của nhiều đồng tiền sau sự kiện Brexit. Tuy nhiên, tôi tin rằng, NHNN sẽ sử dụng hiệu quả và linh hoạt các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực sau sự kiện trên và từ đó giúp ổn định tỷ giá USD/VND”- TS Bùi Quang Tín- Khoa Quản trị Kinh doanh (ĐH Ngân hàng TPHCM) nói. Theo ông Tín, áp lực tăng lên tỷ giá USD/VND có khả năng diễn ra. Bởi vì sau Brexit, tình hình tài chính toàn cầu sẽ diễn biến khó lường, nhiều quốc gia có thể sẽ tiếp tục phá giá đồng bản tệ để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt hỗ trợ xuất khẩu.

Cùng thời điểm, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đầu tuần mở cửa trong sắc đỏ với những dư âm từ Brexit. Nhiều cổ phiếu trụ cột như VNM, VCB, BID, BVH, HPG, KDC… đều đồng loạt giảm giá ngay từ đầu; nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chịu tác động do giá dầu thế giới giảm; nhiều cổ phiếu như GAS, PVD, PXS, PVC… giảm giá khá mạnh. Nhìn nhận về TTCK, một lãnh đạo trong ngành tỏ ra khá quan ngại và lo lắng về hậu Brexit. “Hiện tất cả vẫn là ẩn số, nhưng khả năng nhà đầu tư ngoại hạn chế tăng vốn vào có thể xảy ra”, vị này nói.

Trước những biến động khó lường như vậy, nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp nên làm gì? Ông Bùi Quang Tín khuyên: Thời gian tới, việc đầu tư chứng khoán rất rủi ro, do thị trường tài chính toàn cầu sẽ có nhiều diễn biến phức tạp và theo chiều hướng không tốt. Khi các thị trường khác hứng chịu nhiều rủi ro, vàng vẫn luôn được xem là kênh trú ẩn an toàn. An toàn hơn hết vẫn là kênh gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, với lãi suất trung bình có thể đạt đến trên 8%/năm ở các kỳ hạn dài, tức là 6 tháng còn lại có thể hưởng với mức lãi suất 4%/năm.

Kiều hối về TPHCM dự kiến 5,7 tỷ USD

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho biết, sau 6 tháng, lượng kiều hối chuyển về thành phố qua các kênh chính thức ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Lượng kiều hối đổ về chủ yếu từ Mỹ và châu Âu. Theo NHNN chi nhánh này, trong 5 năm qua, từ năm 2011 đến 2015, lượng kiều hối chuyển về TPHCM thường tăng 10-12% sau mỗi năm. Với tình hình kinh tế của TPHCM phục hồi khá mạnh so với mặt bằng chung của cả nước, dự báo lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn trong năm 2016 sẽ tiếp tục khả quan, dự kiến đạt khoảng 5,7 tỷ USD.

                K. Huyền

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)
Nước Anh rời Liên minh châu Âu EU Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN