“Bội thực” tín dụng ưu đãi

Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng vẫn đang giải ngân ì ạch sau 15 tháng được tung ra, Ngân hàng Nhà nước lại đề xuất thêm gói tín dụng ưu đãi mà khách hàng có thể vay tối đa 2 tỉ đồng để mua nhà...

Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (BĐS) - Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 8/2014, tổng số tiền cam kết cho vay trong gói 30.000 tỉ đồng là 7.064 tỉ đồng, tăng mạnh so với tháng trước và chiếm khoảng 23,6% tổng gói tín dụng. Tuy nhiên, nếu tính trên tổng dư nợ 3.074 tỉ đồng thì tốc độ giải ngân chỉ khoảng 10,2%.

Dòng tiền bị ách tắc

Đối với khách hàng là tổ chức, các ngân hàng (NH) thương mại đã cam kết cho vay 29 dự án với tổng số tiền 4.121 tỉ đồng, trong đó đã giải ngân cho 19 dự án với tổng dư nợ 1.032 tỉ đồng. Đáng nói, dù TP HCM là địa phương có thị trường BĐS phát triển mạnh, nhu cầu về nhà ở của người dân luôn ở mức cao nhưng tỉ lệ khách hàng được vay, cả doanh nghiệp (DN) và cá nhân, lại ở mức thấp. Cụ thể, qua 15 tháng triển khai, đến nay, TP chỉ có khoảng 995 khách hàng cá nhân được cam kết cho vay, con số này ở Hà Nội lên tới 3.938. Với các DN, tại TP HCM hiện chỉ có 3 dự án được cam kết cho vay và mới giải ngân cho 2 dự án…

“Bội thực” tín dụng ưu đãi - 1

Một chung cư được xây dựng theo dự án nhà ở xã hội tại TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Lý giải việc thị trường BĐS trên địa bàn không “tận dụng” được gói tín dụng này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết đối với các dự án BĐS, nếu muốn vay gói 30.000 tỉ đồng thì phải được Bộ Xây dựng duyệt, sau đó chuyển qua NH Nhà nước rồi mới tới các NH thương mại xem xét cho vay. Những dự án Bộ Xây dựng không duyệt, DN không thể vay và đến nay trên địa bàn chỉ có vài DN tiếp cận được gói hỗ trợ này để xây nhà ở xã hội. Ngoài ra, nguồn cung nhà ở đáp ứng điều kiện gói này tại TP chưa nhiều.

Năm ngoái, khi gói 30.000 tỉ đồng được NH Nhà nước đề xuất trình Chính phủ ban hành, thị trường hồ hởi đón nhận với kỳ vọng sẽ giúp kích thích người mua nhà ở phân khúc nhà giá trung bình thấp, lan tỏa ra phân khúc BĐS bình dân. Với mức lãi suất chỉ 6%/năm trong vòng 10 năm (hiện lãi suất giảm còn 5%/năm) dành cho khách hàng mua nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại có giá dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70 m2…, không chỉ người mua nhà mà cả DN BĐS cũng hào hứng chờ đợi. Vậy mà, sau vài tháng triển khai với tốc độ “rùa”, gói 30.000 tỉ đồng bắt đầu gây thất vọng!

Cho vay 2 tỉ đồng mua nhà: Khó khả thi

Để đẩy nhanh tốc độ gói 30.000 tỉ đồng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61 về mở rộng đối tượng cho vay, kéo dài thời gian vay lên 15 năm và khách hàng chỉ cần mua nhà dưới 1,05 tỉ đồng sẽ được vay… Trong khi đó, một thông tin tiếp tục gây sự chú ý của dư luận là việc Vụ Tín dụng - NH Nhà nước đang nghiên cứu tung ra tiếp một gói tín dụng cho thị trường BĐS, hỗ trợ khách hàng vay mua nhà với hạn mức tối đa 2 tỉ đồng/người. Đối tượng vay vốn là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang - những khách hàng có thu nhập trung bình khá, thu nhập một gia đình khoảng 25 triệu đồng/tháng. Dự kiến thời gian vay tối đa 10 năm, lãi suất cho vay dao động trong khoảng 6%-7,5%/năm. Người vay sẽ dùng chính căn nhà của mình để thế chấp.

Ngay khi thông tin vừa đưa ra, cả DN BĐS lẫn chuyên gia kinh tế đều cho rằng gói tín dụng này khó khả thi. Chỉ tính chuyện lãi suất, với mức lãi suất thấp và ổn định trong 10 năm nhưng lại không phải gói ưu đãi có sự hỗ trợ của nhà nước thì sẽ khó có NH thương mại nào mặn mà. Còn nếu thả nổi theo lãi suất thị trường, khách hàng sẽ không dám vay bởi trong quá khứ, mức lãi suất mua nhà từng bị đẩy lên cao đã làm nhiều người “xanh mặt”. Các chính sách liên tục được tung ra với kỳ vọng gỡ khó cho thị trường BĐS và cũng nhằm giúp đỡ NH giải quyết khoản nợ xấu khổng lồ đang tồn ứ trong thị trường này. Tuy nhiên, tín dụng ưu đãi thì nhiều nhưng hiệu quả lại chưa như kỳ vọng. 

Cứu trợ nhà giàu... mua xe hơi!

Với gói 30.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người thu nhập thấp có nhà, DN đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp mục đích là rất tốt nhưng cách thực hiện lại không ổn! Việc quy định khách hàng chỉ được vay mua nhà ở các dự án có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70 m2 đã bó hẹp nguồn cung, trong khi những dự án nhà ở xã hội có sẵn lại đếm trên đầu ngón tay. Lâu nay, cả khách hàng lẫn DN đều không mặn mà mua hoặc đầu tư nhà ở xã hội do thủ tục mua bán, chuyển nhượng quá nhiêu khê. Kết quả, đến nay cả TP HCM mới chỉ có 1 DN đầu tư dự án nhà ở xã hội tiếp cận được gói tín dụng này dù có đến 5-6 DN đăng ký xin vay ưu đãi.

Phải nói thêm, những DN xin chuyển sang làm nhà ở xã hội chủ yếu là có dự án đang “trùm mền” vì thiếu vốn, nay nhờ gói 30.000 tỉ đồng nên xin chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Kẹt nỗi, DN khó khăn không còn vốn mồi để đối ứng hoặc vướng nợ xấu nên NH thương mại không cho vay. Ngay chính sách từ trung ương đến địa phương cũng “chỏi” nhau, như Bộ Xây dựng đồng ý cho chẻ nhỏ căn hộ trên 100 m2 thành căn hộ diện tích nhỏ hơn phù hợp với nhu cầu nhưng TP HCM lại không “hào hứng”, đưa điều kiện rất khắt khe nên DN không đáp ứng nổi...

Gói tín dụng này chưa “xài” hết, thay vì nên tập trung tiêu thụ, nay NH Nhà nước lại tính chuyện thêm một gói tín dụng khác dành cho đối tượng thu nhập cao vay tới 2 tỉ đồng để mua nhà, xây sửa nhà, liệu có ổn? Bởi lẽ, cho vay tối đa 2 tỉ đồng để khách hàng mua nhà 3-4 tỉ đồng là nhà cao cấp, giúp người giàu có nhà. Hoặc như một công chức có mảnh đất 10 tỉ đồng, nay vay 2 tỉ đồng để xây nhà lầu, biệt thự thì có hợp lý không? Chuyện này giống như thay vì hỗ trợ người dân mua xe máy, nay lại giúp nhà giàu mua xe hơi... Và tôi đang nghi ngờ gói tín dụng này có phải nhằm giúp những người mua căn hộ cao cấp, từ đó “cứu” DN giải thoát khỏi nợ xấu NH và cũng là gián tiếp hỗ trợ chính các NH thương mại đang mắc kẹt với BĐS? Nếu không phải gói từ ngân sách, phải chăng do các NH chủ động để cứu phân khúc BĐS trung cao cấp và cứu chính mình. Chưa kể các công chức, đối tượng được ưu tiên vay gói này có thể lợi dụng mua xong bán lại hoặc đứng tên cho người khác...

Nguyễn Văn Đực (Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM)

Áp dụng không thống nhất

“Bội thực” tín dụng ưu đãi - 2

Ông Đoàn Chí Thanh

Một số dự án BĐS mà công ty phân phối thuộc diện được vay gói ưu đãi 30.000 tỉ đồng, lãi suất 5%/năm nhưng trong khoảng 1.000 khách hàng hỏi vay chỉ 500 người đáp ứng được các điều kiện về thủ tục, nhất là khâu chứng minh thu nhập và xác nhận tình trạng nhà ở. Trong khi phía NH có mẫu soạn sẵn ở mục xác nhận tình trạng nhà ở, đơn vị xác nhận chỉ việc ký tên, đóng dấu nhưng UBND phường, xã lại muốn xác nhận phải có... ghi chú vài dòng rồi mới đóng dấu, kết quả là khi khách hàng mang hồ sơ lên NH nói không hợp lệ, bắt sửa. Đây là gói ưu đãi từ ngân sách, tiền của nhà nước nên việc NH phải chặt chẽ cũng dễ hiểu. Do đó, với các gói tín dụng tiếp theo, khi ban hành thủ tục, các cơ quan phải “thông” với nhau để khách hàng tiếp cận vay vốn dễ dàng.

Ông Đoàn Chí Thanh (Tổng Giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn)

Kỳ vọng sẽ giải ngân nhanh hơn

“Bội thực” tín dụng ưu đãi - 3

Ông Nguyễn Hoàng Minh

Vừa qua, DN địa ốc Hoàng Quân có đề xuất vay gói 30.000 tỉ đồng ưu đãi để xây dựng dự án nhà ở xã hội nhưng gặp vướng mắc về thủ tục trong quá trình vay vốn với BIDV, NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM và Sở Xây dựng đã họp bàn để tháo gỡ khó khăn. Hiện vướng mắc đã được giải quyết và sắp tới, Hoàng Quân cùng 600 khách hàng có nhu cầu mua dự án này sẽ được tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất thấp này để mua nhà, đẩy mạnh tỉ lệ được vay của TP. Bộ Xây dựng và NH Nhà nước đang soạn thảo thông tư sửa đổi đối tượng được vay vốn theo Nghị quyết 61 mới đây của Chính phủ. Khi đối tượng vay gói này mở rộng và thủ tục thông thoáng hơn, kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Một trong những nguyên nhân khiến gói 30.000 tỉ đồng giải ngân chậm do vấn đề thủ tục, xác minh tình trạng nhà ở, thu nhập...

Ông Nguyễn Hoàng Minh (Phó Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP HCM)

15-20 triệu đồng/tháng là mua được

“Bội thực” tín dụng ưu đãi - 4

TS Cấn Văn Lực

Gói cho công chức, viên chức và người dân vay tối đa 2 tỉ đồng mua nhà ở phân khúc trung cao cấp, nhà ở thương mại, nhà phố... và gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng hoàn toàn khác nhau về đối tượng nên sẽ không có sự chồng chéo. Do không phải gói ưu đãi từ ngân sách nhà nước nên thủ tục sẽ thoáng hơn như không cần xác nhận hiện trạng nhà cửa, thu nhập của một gia đình khoảng 15-20 triệu đồng/tháng là có thể vay được. Dù vậy, cần nghiên cứu kéo dài thời gian vay nên 15-20 năm (như ở nước ngoài cho vay mua nhà từ 20-30 năm) để khách hàng trả gốc và lãi mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng là phù hợp. Ngoài ra, mức lãi suất 6%-7,5%/năm không nên cố định mà cần linh hoạt theo lãi suất thị trường để tránh thiệt thòi cho người vay hoặc NH.

(TS Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc NH BIDV)

T.Phương ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN