Bob Diamond: Từ người hùng đến kẻ tội đồ

Diamond là đại gia không mấy xa lạ với giới ngân hàng, được mệnh danh là "cỗ máy in tiền" thời bão khủng hoảng. Con người ông hội tụ những điểm khiến cả thế giới phải ghen tị và thậm chí nổi điên. Một ông chủ ngân hàng trọc phú, với mức độ giàu tăng lên hàng ngày, luôn "chai mặt" với dư luận về các vụ scandal rùm beng.

Bob Diamond ít khi lo sợ vì ông luôn biết tính toán, tinh ranh như cáo và chưa từng phải xin lỗi bất cứ ai, kể cả chính phủ về những vấn đề của giới ngân hàng. Có thể khẳng định Bob Diamond đã trở thành một hình mẫu kiếm tiền cực kỳ thành công, với những lý thuyết và bài học kinh nghiệm đắt giá.

Từng xuất hiện trước các nghị sĩ, Diamond tự tin nói chỉ có lòng ham muốn tột bậc mới chiến thắng, rằng cuộc chiến tài chính giữa chính phủ và các đại gia ngân hàng chẳng bao giờ có hồi kết. Ông cũng rất coi trọng văn hóa doanh nghiệp, luôn muốn tạo dựng lòng tin nơi khách hàng và tìm kiếm cơ hội đầu tư bằng mọi nỗ lực.

"Cỗ máy in tiền" trên thị trường tài chính

Bob Diamond sinh ngày 27/7/1951 tại Concord, Massachusetts trong một gia đình có 9 anh chị em và cha mẹ đều là giáo viên. Năm 1973, Diamond tốt nghiệp Trường Colby College với bằng cử nhân kinh tế loại ưu, và sau đó nhận bằng thạc sĩ tại Đại học Connecticut với số điểm cao nhất lớp. Cơ duyên đầu tiên đưa Diamond tới lĩnh vực ngân hàng xuất hiện khi ông gia nhập Tập đoàn Morgan Stanley năm 1979 trong vai trò môi giới hợp đồng.

Được chú ý bằng sự nhanh nhẹn và khôn khéo trong kinh doanh, Diamond quyết định về đầu quân cho Ngân hàng Barclays năm 1996, nhanh chóng trở thành Trưởng phòng đầu tư nắm trong tay Quỹ Barclays Capital với số vốn và lãi khổng lồ. Chính từ đây, Bob Diamond được coi là người nắm vận mệnh kiểm soát toàn bộ hệ thống ngân hàng tại Anh mỗi khi có biến động trên thị trường tiền tệ. Ông có kinh nghiệm tại các vị trí cao cấp thuộc nhiều ngân hàng lớn nhỏ, phải kể đến như CS First Boston hay Morgan Stanley International.

Diamond tạo nên cú đột phá cho Tập đoàn Barclays khi đạo diễn thương vụ mua đứt Ngân hàng Lehman Brothers năm 2008 với giá hời. Vụ thương thảo đã giúp cho Ngân hàng Barclays nhảy lên hàng đầu trong số các ngân hàng chuyên về đầu tư, hay theo danh từ của Diamond là "chuyển hóa quyền lực".

"Tôi nghĩ rằng không nên nhìn ngược lại thời gian và nói rằng chúng tôi đã mua được một món hàng "bở" với giá "bèo". Vào thời điểm đó, đa số dân trong nghề nói rằng chúng tôi quá "bạo". Tuy nhiên, nhờ thương vụ này mà Diamond leo được tới chức Giám đốc điều hành Barclays vào cuối năm 2004. Ông tạo nên những làn sóng "khái quát hóa" trong đế chế ngân hàng, thu hút ngày càng nhiều tiền về cho Barclays và luôn khẳng định làm ăn trong sáng, lành mạnh. "Chúng tôi có lỗi lầm, song điều quan trọng là chúng tôi phải học hỏi từ các lỗi lầm này và thay đổi cách làm việc. Trong tương lai, Barclays sẽ hoạt động với số lượng tiền tươi nhiều hơn, với số vốn vượt trội".

Bob Diamond là ví dụ điển hình cho hàng loạt các ông chủ ngân hàng lớn có khả năng kiếm tiền và vượt xa mức độ giàu có của các danh thủ bóng đá nổi tiếng với những bản hợp đồng triệu bảng. Tháng 3/2012, dư luận chính thức biết mức lương cơ bản của Diamond - 17 triệu bảng, bao gồm lương, thưởng, cổ phần và hoa hồng… Sự làm ăn bứt phá đã nhanh chóng đưa tên tuổi Bob Diamond "nổi như cồn" với vị trí đầu tiên trong danh sách 100 tỉ phú kiếm tiền giỏi nhất ngành ngân hàng năm 2011. Người ta ước tính con số tài sản của Diamond có thể lên tới 105 triệu bảng để nhanh chóng tăng bậc trong danh sách những nhân vật tạo ảnh hưởng nhất thế giới.

Trên thực tế, Bob Diamond vốn đã rất "đại gia" trước khi lên nắm quyền lãnh đạo Barclays. Báo cáo tài chính hàng năm của Barclays tiết lộ: Diamond từng cộng tác với một chi nhánh của Barclays với hợp đồng 10 triệu bảng, lại ăn thêm hoa hồng từ các hóa đơn chi tiêu không được công khai. Bob Diamond rất có ảnh hưởng đối với nhóm các nhà đầu tư toàn cầu của Barclays (BGI), và chính ông đã yêu cầu sáp nhập BGI với bộ phận quản lý tài sản của Barclays. Nhờ sự hậu thuẫn, và sau này là sự quản lý hoàn toàn của Diamond mà BGI được mở rộng, trở thành đầu não của Barclays.

Bob Diamond: Từ người hùng đến kẻ tội đồ - 1

Trụ sở ngân hàng Barclays.

9 năm kinh nghiệm trên thương trường tài chính giúp Diamond nắm quyền lãnh đạo BGI vào tháng 8/2002. Từ những gì dư luận biết, không ai dám khẳng định chắc chắn về con số thu nhập thực sự của Diamond, hay các thương vụ kinh doanh mà ông tham gia. Năm đầu mới gia nhập BGI nhưng thu nhập của Diamond đã cao ngất ngưởng- 5,58 triệu bảng - và tăng lên 13,5 triệu năm 2004. Trong vòng 2 năm tiếp theo, Diamond thu về gấp đôi mức lương cũ, rồi gấp 3 và chưa hề có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Bob Diamond nổi tiếng về khả năng kiếm chác từ các thương vụ làm ăn của Barclays. Cho dù tài chính thế giới đang trải qua những thời kỳ khó khăn, nhưng Diamond vẫn ung dung thu tiền về túi. Trung bình mỗi lần "nhúng tay" vào việc giao dịch của ngân hàng, ông được trích hoa hồng 20 triệu bảng, chưa kể các khoản phí phát sinh bên ngoài. Nếu tính tổng cộng lương, thưởng, cổ phần và hoa hồng trong các vụ làm ăn, Diamond mỗi năm thu về 80 triệu bảng. Tuy nhiên con số này không bao giờ chính xác khi các thông tin cá nhân của ông đều được “trưng ra” một cách mù mờ.

Các giải thưởng cũng là chiêu bài tận thu tuyệt đối của Bob Diamond. Ông được khuyến khích bằng 16 triệu bảng năm 2005 trích từ quỹ của Barclays, và trung bình mỗi năm Diamond được hứa hẹn cầm chắc ít nhất 6 triệu bảng. Bob Diamond sẽ nhận được 6,5 triệu bảng cho những cống hiến của ông trong năm 2011. Ông cũng được nhận 2,25 triệu bảng Anh cổ phiếu theo chương trình ưu đãi dài hạn sẽ được trao quyền trong 3 năm.

Chưa hết, tiền đang chảy về túi Diamond qua các kênh chuyển tiền từ đầu tư cho một nhóm doanh nghiệp tư nhân với mức thuế siêu thấp. Rõ ràng, ông chẳng cần phải nhận trợ cấp từ cha mẹ ở London, chỉ phải trả cực kỳ ít tiền thuế và không ngừng mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khác. Điều này khiến dư luận nổi giận vì ông quá giàu.

Năm 2008. Bob Diamond giới thiệu kế hoạch khuyến khích đầu tư dài hạn, tận dụng các cơ hội sẵn có để làm giàu. Ông cũng đề xuất kế hoạch bồi thường nhằm xây dựng một quỹ dự phòng cho những rủi ro hay biến động trên thị trường. Ông tăng cường tính minh bạch cho mọi báo cáo, công khai các dữ liệu chi tiêu hoặc lãi suất để trấn an nhân viên, xoa dịu dư luận vì độ "giàu nứt đố đổ vách" của ông.

Con số đáng chú ý nhất dư luận biết được từ Bob Diamond là ông nhận được 20 triệu bảng sau khi bán BGI năm 2009 cho Tập đoàn BlackRock. Toàn bộ cổ phần của BGI bấy giờ được định giá xấp xỉ 27 triệu bảng, nhưng sau khi tính toán mọi chi phí làm ăn, Diamond chỉ phải trả chưa đầy 6 triệu, "tiết kiệm" được trên 2/3 giá gốc của BGI.

Những thuyết giảng của "đại gia ngân hàng" về cách kiếm tiền

Sau các thương vụ thành công, ông nhận được vô số lời mời chào với mức lương "khủng" từ phía các đối tác nhưng vẫn quyết định trụ lại Barclays. Diamond được đồng nghiệp kính trọng và nể phục vì nỗ lực đưa Barclays vượt lên khủng hoảng tài chính mà không hề nhận bất kỳ trợ giúp nào từ chính phủ. Ông cho rằng Ngân hàng Barclays sẽ ăn nên làm ra nếu không bị chính phủ kiểm soát và kìm hãm.

Bob Diamond làm ăn giống như đánh cược bằng vận may đỏ đen của những lá bài. Có người gọi ông là hình mẫu lý tưởng của chủ ngân hàng thời hiện đại. Số khác lại ví Diamond như một cơn ác mộng, một cỗ máy sản xuất tiền đáng ghê sợ. Người ta nói ông kiếm tiền chẳng khác nào nhện giăng tơ ở mọi ngóc ngách; dường như ở đâu có tiềm năng đầu tư là ở đó có bóng dáng Bob Diamond. Hai thái cực đối chiều nhau về thành công của Diamond cho thấy sự căng thẳng và định kiến bấy lâu tồn tại trong dư luận về ngành ngân hàng và rủi ro nó mang lại.

Trong khi các chủ ngân hàng liên tiếp bị chỉ trích vì sự tham lam kiếm chác và bỏ túi hàng chục triệu bảng trong khủng hoảng thì Diamond lại được khen ngợi khi tự đầu tư sinh lời. Người ta nói mọi động thái của ông đều thể hiện phong thái ung dung và kiên cường đến kỳ lạ, dập tắt mọi ồn ào dư luận về vai trò của các ngân hàng trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chưa hết năm 2012 nhưng Diamond đã bỏ túi trên 10 triệu bảng, trong khi đó mức lương cứng của ông chỉ "bèo bọt" 250.000 bảng!

Bob Diamond khá khôn ngoan khi tận dụng tối đa mọi nguồn lực. BGI là chiến thuật tài chính và trung tâm điều khiển cỗ máy sản xuất tiền của Diamond. Chính ông đã đưa ra kế hoạch hoạt động và hướng đi cho toàn ngân hàng. Diamond cho phép được mua lại cổ phần với giá ưu đãi dành cho các giám đốc điều hành chi nhánh, mở ra cơ hội đầu tư dàn trải và tự do. Bên cạnh đó, cổ phần có thể được bán lại cho Barclays với mức giá cao hơn, đem lợi cho cả người bán và chính Diamond cùng ngân hàng của ông. Diamond cho hay kế hoạch này là bước động viên tinh thần và khuyến khích tài năng ở BGI, cũng như tăng tối đa giá trị cổ phần của các cổ đông. Trong vòng 6 năm, Diamond đã thu về cho ngân hàng 1,26 tỉ bảng bằng kế hoạch kinh doanh rất thành công của mình.

Con số này gấp nhiều lần các khoản thu khác sau thuế của Barclays. Nếu như chỉ mất có chưa đầy 30 triệu bảng thử nghiệm và triển khai kế hoạch, thì sau vài tháng Diamond đã làm lợi cho chính mình với con số đáng kinh ngạc 211 triệu bảng. Ấy thế nhưng báo cáo tài chính của ngân hàng lại giấu nhẹm chuyện này, hay không đưa ra bất cứ chỉ báo nào về các khoản thu của Bob Diamond.

Các nhà bình luận chỉ ra những điểm thiếu sót và phê phán chiến thuật BGI của Diamond là "mượn tay nhân viên để làm giàu cho bản thân". Song ông phản pháo rằng, mọi dự tính đều hợp pháp, rằng nhân viên cũng nhận được lợi mỗi khi BGI thành công trong một thương vụ làm ăn, và Diamond đã từng phải chịu cảnh thua lỗ nặng vì tính toán sai.

Bob Diamond không phải là kẻ tiểu nhân hay một anh hùng nào đó quá nổi danh trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, ông có nhiều quan điểm khá chặt chẽ về mọi cơ hội đầu tư và tương lai của giới ngân hàng. Theo ông, chính phủ nên "thả" ngân hàng, đặc biệt là chuyện lãi suất và tiền thưởng hay lợi tức, vì suy cho cùng các ông chủ như Diamond đều phải chịu trận trước mọi biến động của thị trường. Diamond cũng chia sẻ những điều duy nhất và quan trọng nhất cho các ngân hàng hay doanh nghiệp hiện nay là tập trung vào việc giúp đỡ tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế. Đó là lý do tại sao kể từ khi ông trở thành giám đốc điều hành của Barclays, đội ngũ quản lý đã tập trung vào 4 ưu tiên chiến lược - một trong số đó là công dân.

Ông kêu gọi sự hợp tác để tạo ra tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn và thêm nhiều việc làm. Các ngân hàng có một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng. Họ cần một mối quan hệ mang tính xây dựng với khách hàng, với công chúng, với các chính phủ và với các nhà quản lý, để có thể tập trung vào tương lai. Để đạt được mục tiêu này, Diamond tiết lộ cần ba yếu tố. Trước tiên, phải xây dựng một sự hiểu biết tốt hơn về cách các doanh nghiệp và ngân hàng làm việc với nhau để tạo ra tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, phải chấp nhận trách nhiệm về những gì đã đi sai và đánh giá đúng thiệt hại. Cuối cùng, quan trọng nhất là phải sử dụng các bài học kinh nghiệm để trở nên tốt hơn và sắm vai công dân hiệu quả hơn.

Bấy lâu nay, Bob Diamond được dư luận ca ngợi về tài năng và nhân cách của một nhà quản lý trên thương trường tài chính. Nhưng anh hùng chỉ gặp thời, mà chẳng mấy chốc sẽ vấp ngã, trở thành một tội đồ. Diamond liên tục trở thành mục tiêu công kích của báo giới vì tiền và sự thiếu minh bạch trong đầu tư. Vụ bê bối thao túng lãi suất được công khai, ông chịu sức ép từ chức, ngân hàng phải bồi thường. Nhưng Diamond vẫn kiên quyết tự bào chữa, lôi kéo mọi "ông lớn" của chính trường Anh vào cuộc trong sự tức giận của Thủ tướng David Cameron…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lâm Anh - Việt Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN