Bộ trưởng Xây dựng: BĐS về sát giá trị thực

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, giá bất động sản trước đây là ảo, hiện nay đã giảm mạnh về sát giá trị thực...

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, giá bất động sản trước đây là ảo, hiện nay đã giảm mạnh về sát giá trị thực...

Có dự án giảm giá tới 50%

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương diễn ra sáng nay (24/12), Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, giá bất động sản đã giảm đến giá trị thực, phù hợp với khả năng thanh toán của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng, nhìn chung giá bất động sản đã giảm bình quân từ 10 – 30%, có một số dự án giảm tới 50%.

Ví dụ, tại Hà Nội, chỉ số giá nhà chung cư giảm từ quý 1/2013 đến nay, trong đó khu Cầu Giấy trong quý 3/2013 đã giảm 27% so với quý 1; khu chung cư trung cấp - cao cấp giảm khoảng 15%. Các quận Thanh Xuân, Hà Đông… đều giảm từ 12 – 21%. Đặc biệt là dự án Nam An Khánh đã giảm 50% so với năm 2010.

Bộ trưởng cho rằng, do trước đây, giá bất động sản là giá ảo nên trong bối cảnh hiện tại, các chủ dự án bắt buộc phải giảm giá sản phẩm về giá trị thực để tăng khả năng thanh khoản. Cùng với đó là hoạt động cấu trúc lại các dự án để phù hợp hơn với đối tượng mua nhà và cắt giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, phù hợp với thị trường.

Bộ trưởng Xây dựng: BĐS về sát giá trị thực - 1

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũnggiao

Ông Dũng cũng cho biết, giao dịch bất động sản theo chiều hướng ngày càng tăng về cuối năm, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà chung cư có vị trí thuận lợi. Thống kê cho thấy, giao dịch 2 quý cuối năm 2013 đã gấp đôi so với 2 quý đầu năm.

Theo báo cáo của 17 doanh nghiệp và 5 sàn giao dịch bất động sản cho thấy, tính đến hết tháng 11/2013, tại Hà Nội đã có trên 4.000 giao dịch thành công.

Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm mạnh mặc dù nguồn cung nhà ở được tiếp tục bổ sung. Hết tháng 11/2013, tồn kho bất động sản còn 96.805 tỷ đồng, giảm hơn 24% so với cuối quý 1.

“Gói 30 nghìn tỷ không giải cứu thị trường bất động sản”

Nói về gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng Dũng cho biết, mục đích chính của gói này là nhà nước cùng góp phần vào hỗ trợ nhà ở cho người dân chứ không phải giải cứu thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nói: “Tuy nhiên, nếu việc thực hiện gói hỗ trợ này tốt sẽ góp phần tạo điều kiện hỗ trợ cho thị trường bất động sản và các ngành khác có liên quan. Góp phần tăng cầu cho nền kinh tế và một khi kinh tế ấm lên thì nhiều người sẽ có khả năng và quay lại mua nhà thương mại”.

Thừa nhận việc giải ngân gói 30 nghìn tỷ bị chậm so với mục tiêu, Bộ trưởng lý giải:

“Do nguồn cung nhà ở xã hội vẫn hạn chế và thủ tục yêu cầu chặt chẽ, sự vào cuộc của các cấp chính quyền chưa hiệu quả”. Trong khi đó, gói hỗ trợ này muốn thực hiện nhanh phải có nhiều doanh nghiệp tham gia và nhiều nguồn cung nhà ở xã hội.

Ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc phát triển dự án, chuyển đổi công năng nhà ở… để đẩy nhanh quá trình giải ngân gói tín dụng này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN