Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Tiếp tục tái cơ cấu nợ công
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng xác định nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt của ngành tài chính trong năm 2017 vẫn là tái cơ cấu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi, đảm bảo an toàn nợ công.
Năm 2017 sẽ tiếp tục giảm mạnh sử dụng xe công. Ảnh: Như Ý.
Cơ cấu nợ công thay đổi mạnh mẽ
Trong không khí xuân, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có những chia sẻ với báo chí về kết quả năm qua và nhiệm vụ những năm tới. Nhìn lại năm 2016, người đứng đầu ngành tài chính đánh giá: Năm qua, nước ta trải qua không ít khó khăn, tăng trưởng kinh tế tuy ở mức cao so với khu vực nhưng chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Dù vậy, hết năm, ngành tài chính vẫn thực hiện thu ngân sách nhà nước vượt 7,7% so với dự toán (trong đó ngân sách trung ương vượt 0,18%, ngân sách địa phương vượt 18,6%). Đây là thành công to lớn.
Năm qua, việc thực hiện tái cơ cấu, minh bạch hóa nợ công được thực hiện ra sao, thưa ông?
Số liệu nợ công chúng tôi đã báo cáo nhiều lần trước Quốc hội, Chính phủ. Tái cơ cấu nợ công năm 2016, có thể nói đã đạt kết quả tốt nhất trong những năm qua. Như huy động vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển, Nghị quyết của Quốc hội đặt ra nhiệm vụ phải nâng tỷ lệ trái phiếu kỳ hạn 5 năm trở lên chiếm trên 70%, kỳ hạn 3 năm chỉ 30%, nhưng năm qua chúng tôi huy động vốn trái phiếu kỳ hạn 5 năm trở lên đã chiếm trên 91%.
Điều nữa cũng rất quan trọng, lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ năm 2016 chỉ khoảng 6%/năm, trong khi giai đoạn 2002-2013 ta huy động trái phiếu lãi suất 12-13%/năm. Những khoản trái phiếu 2-3 năm với lãi suất cao thời kỳ trước đó tới nay đã trả hết và kéo dài kỳ hạn thêm. Có thể nói, so với trước, hiện kỳ hạn trái phiếu lâu gấp đôi và lãi suất giảm một nửa. Đồng thời, tỷ lệ nợ trong nước chiếm 57%, nợ nước ngoài còn 43%. Cơ cấu nợ công, đặc biệt trái phiếu Chính phủ năm 2016 đã đạt những kết quả rất tích cực, và đang đi đúng hướng.
Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được kết hợp ra sao?
Chính sách tài khóa và tiền tệ năm qua đã phối hợp tốt trên các lĩnh vực. Trước tiên chính sách tài chính đã tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Cùng với đó, trong quản lý thị trường đặc biệt thị trường tài chính và vốn chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ. Từng đợt, từng kỳ phát hành trái phiếu Chính phủ, đảm bảo nguồn cung thị trường trái phiếu cũng như lãi suất hợp lý. Ngoài ra, kiểm soát giá cả và lạm phát của chính sách tiền tệ đã được kiểm soát nhịp nhàng trong điều hành giá, theo đúng cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước. Kết quả, hết năm 2016, lạm phát chỉ ở mức 4,74% (trong giới hạn Quốc hội cho phép không vượt quá 5%).
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Tiếp tục giảm mạnh sử dụng xe công
Vậy, mục tiêu và giải pháp trọng tâm của ngành tài chính năm 2017 là gì?
Năm 2017, bên cạnh thuận lợi vẫn còn không ít khó khăn cả trong nước và quốc tế. Nhiệm vụ trọng tâm năm nay có nhiều, nhưng quan trọng nhất và xuyên suốt cả nhiệm kỳ vẫn phải tiếp tục tái cơ cấu ngân sách nhà nước, đặc biệt chi ngân sách tiết kiệm, chống lãng phí để đảm bảo an toàn nợ công.
Cùng với đó, phải quản lý tài sản công minh bạch, tiết kiệm hơn. Chúng tôi sẽ trình Thủ tướng ban hành quyết định mới thay thế Quyết định 32/2015 về chế độ sử dụng xe công, với mục tiêu giảm số lượng xe công từ 30-50% trong những năm tới. Giải pháp cụ thể là mở rộng khoán xe công, tính toán lại định mức sử dụng xe phù hợp với thực tế từng địa bàn, không phải cào bằng như hiện nay. Rà soát, sắp xếp, điều chuyển, hoặc thanh lý với xe dư thừa, vượt định mức. Đây là vấn đề mấu chốt để đi vào tiết kiệm, thiết lập kỷ cương, kỷ luật ngân sách nhà nước. Kết hợp với chuyển phí, lệ phí thành giá, để tái cơ cấu đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, giảm bao cấp từ ngân sách nhà nước.
Năm nay, chúng tôi cũng cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế (đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan), gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, tăng cường quản lý thị trường, chống thất thu thuế, chuyển giá. Qua đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển.
Cảm ơn ông.
Theo Bộ Tài chính, năm 2016, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1,094 triệu tỷ đồng, trong đó thu ngân sách địa phương vượt 18,6% kế hoạch năm (vượt 77,8 nghìn tỷ đồng), thu ngân sách trung ương cơ bản đạt dự toán năm. Năm 2017, ngành tài chính được giao kế hoạch thu ngân sách 1,21 triệu tỷ đồng, dự toán chi 1,39 triệu tỷ đồng (bội chi 178 nghìn tỷ đồng, bằng 3,5% GDP). |