Bộ trưởng KH&ĐT: Anh rời EU chưa tác động đến Việt Nam

Ngày 28-6, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã tổ chức Đối thoại chính sách đầu tư 2016.

Tại đây, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ KH&ĐT đã có những phân tích sơ bộ những tác động của sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Qua đánh giá ban đầu, việc Anh rời EU chưa tác động lớn đến Việt Nam, bao gồm vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu.

Theo ông Dũng, Anh chưa phải là đối tác chiếm tỉ trọng lớn trong xuất nhập khẩu cũng như thu hút FDI nên trong ngắn hạn việc Anh rời EU chưa tác động trực tiếp ngay đến Việt Nam.

Tuy nhiên trong dài hạn, các bộ, ngành liên quan của Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến sự việc. Brexit sẽ ảnh hưởng đến đồng tiền đối với rất nhiều nước, mà các nước đó là bạn hàng của Việt Nam, do vậy Brexit sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam thông qua các kênh gián tiếp.

Bộ trưởng KH&ĐT: Anh rời EU chưa tác động đến Việt Nam - 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Chia sẻ thêm về điều này, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, lưu ý rằng nhà điều hành cần lượng hóa các tác động của sự kiện này đến Việt Nam để đưa ra các phòng ngừa cũng như đánh giá tác động tâm lý của nhà đầu tư từ EU, Anh vào Việt Nam.

“Mấy ngày nay, sau khi Anh rời EU, kinh tế thế giới có nhiều biến động lớn, thị trường chứng khoán Việt đã giảm điểm nghiêm trọng sau ít giờ. Tuy nhiên trên thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam không hề có mối liên quan mật thiết nào đối với thị trường chứng khoán London, Anh. Do đó sự sụt giảm này có thể do yếu tố tâm lý, Việt Nam cần phải xây dựng các cơ chế phân tích, để đưa ra các cảnh báo thị trường trước những cú sốc như Brexit" - ông Mại nói.

Theo ông Mại, hiện nay vốn FDI của Anh vào Việt Nam đạt 4,2 tỉ USD, chiếm 1,5% tổng vốn đăng ký FDI tại Việt Nam và nhà đầu tư Anh đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là bất động sản. Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Anh chỉ chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Cũng tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Dũng cho biết theo nghị quyết của Chính phủ, Chính phủ sẽ lấy nguyên tắc phục vụ doanh nghiệp thay vì với cách thức nặng nề tính quản lý như trước kia.

Các bộ, ngành cũng như chính quyền sẽ thân thiện hơn nữa với doanh nghiệp. “Khi doanh nghiệp thấy sự thân thiện của Chính phủ, pháp luật đồng bộ hiệu quả, người ta mới yên tâm bỏ tiền ra đầu tư, làm ăn" - ông Dũng nói.

Tuy nhiên, để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, Bộ trưởng Dũng đề nghị các doanh nghiệp chú ý đến tính liên kết. "Một con thuyền đơn độc ra khơi chắc chắn sẽ khó khăn nhưng nhiều con thuyền lớn cùng đi, cùng hỗ trợ nhau sẽ vượt được bão, sẽ ra được biển lớn” - ông Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cũng nhắc đến yếu tố cạnh tranh trong quá trình phát triển; cạnh tranh là để doanh nghiệp lớn mạnh hơn theo hướng tích cực, không phải là tiêu diệt nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Nước Anh rời Liên minh châu Âu EU Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN