Bộ trưởng Bộ Tài chính lên tiếng về thuế tài sản

Đề xuất thuế tài sản dựa trên cơ sở là các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ.

Tuần trước, ngày 13-4, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về đề xuất thuế tài sản. Suốt một tuần qua, dư luận đã có nhiều ý kiến xung quanh đề xuất này. Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ cũng đã lên tiếng nói rằng chưa xem xét đề xuất này và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội cũng chưa có dự thảo Luật Thuế tài sản.

Chiều nay, 20-4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trao đổi với các cơ quan báo chí về nội dung dự án Luật Thuế tài sản.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: “Đề xuất thuế tài sản được Bộ Tài chính xây dựng trên cơ sở các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, cùng với đó là “Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020”; Đề án của Chính phủ về huy động, khai thác nguồn lực đất đai; Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Ngoài ra còn cả Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 2016-2020, trong đó nêu rõ yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật về thuế tài sản bao gồm cả đất đai…”

Bộ trưởng Bộ Tài chính lên tiếng về thuế tài sản - 1

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói đề xuất thuế tài sản còn đang trong giai đoạn lấy ý kiến nhân dân, các tổ chức và chuyên gia. Ảnh: CHÂN LUẬN

Về mục tiêu của đề xuất thuế tài sản, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tới việc “tăng cường quản lý nhà nước về tài sản, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, đặc biệt đất đai; hạn chế lãng phí tài sản công, đẩy mạnh minh bạch, công khai. Đề xuất này cũng là giải pháp phòng chống tham nhũng, mở rộng nguồn thu cho ngân sách nhà nước…

“Chúng tôi nghiên cứu đề xuất này để xin ý kiến nhân dân, các tổ chức, chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện đề án về thuế tài sản. Sau đó, chúng tôi sẽ trình Chính phủ. Nếu Chính phủ thảo luận, nhất trí thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội để bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh…”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Báo chí đặt câu hỏi về việc tại sao Bộ Tài chính lại đề xuất tăng thuế, chứ không nhấn mạnh tới việc giảm chi.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng: đây là một trong những biện pháp. Bởi trong quá trình cơ cấu lại ngân sách thì phải có chính sách mới. Mặt khác, Việt Nam tham gia quá trình hội nhập sâu rộng thì phải cắt giảm thuế quan. Đồng thời, giá dầu thô giảm sâu trong một thời gian dài. Tất cả những điều này làm cho cơ cấu ngân sách khó khăn.

Về giải pháp tiết kiệm, giảm chi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định ngân sách phải tiết kiệm, chi thường xuyên phải giảm đi… để tăng đầu tư cho phát triển và trả nợ.

“Chúng ta đã tiết kiệm hội thảo, hội nghị, giảm các chuyến đi nước ngoài…Một số nơi khoán xe công. Từ nay tới năm 2020, chúng ta cũng cần phải triển khai cách có hiệu quả việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công nhằm đảm bảo an sinh xã hội”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Báo chí đặt câu hỏi về việc Bộ Tài chính đã làm gì để giảm chi, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết bộ đã cắt giảm, khoán xe công. “Bộ Tài chính đã giảm 27 đầu xe công. Đã trình Chính phủ 14 nghị định về xe công trong tổng số 15 nghị định về vấn đề này”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Về tinh gọn bộ máy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, Bộ Tài chính đang thực hiện quyết liệt. Cụ thể như phương án cắt giảm, sắp xếp lại cơ quan thuộc Kho bạc Nhà nước. “Năm nay chúng tôi sẽ giải thể, sáp nhập 43 phòng, đầu mối cơ quan thuộc đơn vị này”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Đối với hệ thống thuế việc cắt giảm đầu mối sẽ được thực hiện trong ba năm, từ 2018-2020. Cụ thể, năm 2018 Bộ sẽ tập trung sắp xếp 327 chi cục thuế huyện, xã và giảm 173 chi cục. Năm 2019 bộ tiếp tục giảm 28 chi cục và năm 2020 giảm tiếp 90 chi cục nữa.

“Trong quá trình sắp xếp thực hiện thì tiếp tục tinh giản đầu mối các chi cục thuế để làm sao chỉ còn chi cục thuế theo khu vực thôi”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Vào ngày 13-4, Bộ Tài chính đã họp báo công bố đề xuất dự án Luật Thuế tài sản. Theo đó Bộ Tài chính đề xuất nhà, căn hộ có giá trị xây dựng trên 700 triệu đồng sẽ phải chịu thuế tài sản 0,3 hoặc 0,4% cho phần vượt trên giá trị đó. Với thuế tài sản đối với đất là đất phi nông nghiệp, thuế suất dự kiến là 0,3 hoặc 0,4%, gấp khoảng 10-13 lần so với hiện nay. Riêng đối với xe hơi, Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế các loại xe có giá trị trên 1,5 tỉ đồng.

Sau khi Bộ Tài chính công bố dự luật này đã gây phản ứng mạnh trong dư luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chân Luận (Pháp luật TPHCM)
Đề xuất đánh thuế nhà đất từ 700 triệu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN