Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đã có bài toán “chạy nợ công”!
Trước lo ngại của cử tri cả nước và các ĐBQH về nợ công tiếp tục tăng cao và khả năng trả nợ khó, trong phiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội sáng 17.11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đã có “bài toán chạy nợ công, nếu làm tốt thì nợ công đến năm 2020 sẽ về mức 58,5% GDP”.
Tình hình khó cân đối ngân sách, nợ công tăng cao, cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước chậm và cải cách thủ tục hành chính thuế có đạt kết quả?... là các vấn đề mà các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trong phiên hỏi và trả lời chất vấn sáng nay.
Về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Nợ công đang được kiểm soát theo lộ trình và chỉ dành để đầu tư cho phát triển. Chúng ta đang sử dụng vốn vay cho đầu tư hạ tầng thiết yếu, tăng vay dài hạn, vay trong nước và quản lý tốt rủi ro nợ công”. Theo Bộ trưởng Dũng, cũng chính vì nêu cao việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn vay mà chúng ta có thêm một nguồn để tăng lương.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, bài toán "chạy nợ công” để đến năm 2020 sẽ có thời gian trả nợ dài hơn
Ông Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng xong kế hoạch tài chính ngân sách cho giai đoạn trung hạn 2016-2020. Trong đó, nợ công đã xây dựng kế hoạch vay và trả nợ dựa trên các chỉ tiêu kinh tế xã hội giai đoạn này như GDP tăng 6-7%, lạm phát 5%, bội chi ngân sách Nhà nước dưới 4%... “Giai đoạn này tiếp tục phát hành 260.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và vay vốn ODA khoảng 250.000 tỷ đồng. Tất cả sẽ giải ngân trong 5 năm, nếu làm tốt nợ công đến năm 2020 sẽ về mức 58,5% GDP” - ông Dũng nói.
Theo vị tư lệnh ngành, việc cơ cấu lại nợ đã đi được một bước khi tỷ lệ vay trong nước tăng từ 39% (năm 2011) lên 57,1% (năm 2015). Tỷ lệ nợ công dự kiến năm 2015 là 61,3%. Theo tính toán của Bộ trưởng Dũng, với việc cơ cấu lại nợ như kế hoạch của Bộ Tài chính, đỉnh nợ sẽ vào năm 2017 với tỷ lệ 64% nhưng đến năm 2020 chỉ còn 58,5%. Về việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế, dù Quốc hội đã thông qua đề xuất này nhưng Bộ trưởng Tài chính cho biết thời điểm này chưa thuận lợi về lãi suất để phát hành.
“Chúng tôi dự tính từ nay đến năm 2020 có “bài toán chạy nợ công” như vậy để đến năm 2020 sẽ có thời gian trả nợ dài hơn khi lãi vay tăng cao hơn” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Liên quan đến nợ công tăng lên là vấn đề thu chi ngân sách Nhà nước-thu thì giảm mà chi thì tăng. Người đứng đầu ngành tài chính cũng thừa nhận trước Quốc hội tình trạng tỷ lệ chi thường xuyên hiện nay quá cao, ảnh hưởng đến chi phát triển, trả nợ và tác động ngược khiến nợ công tăng lên. Năm 2011-2015, theo Bộ trưởng, cơ cấu chi ngân sách Nhà nước cho thường xuyên khoảng 67-68%. Năm 2016, cơ quan này dự toán sẽ đưa tỷ lệ này về 64%. Theo kế hoạch trung hạn của Bộ Tài chính, đến năm 2020, tỷ lệ chi thường xuyên có thể giảm xuống 58%.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng thu ngân sách lại bị ảnh hưởng bởi giá dầu thô giảm, thu nội địa giảm nhanh hơn lộ trình khi Việt Nam thực hiện các chính sách giảm thuế, tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước... Điều này làm cho tỉ lệ thu ngân sách nhà nước chỉ còn 9,8%, giảm sâu so với 20,8% của giai đoạn 2008-2010.
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, giai đoạn 2011-2015, dù điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng lại giữ nguyên các mục tiêu khác. Bên cạnh đó, trong khi tỷ lệ tăng thu ngân sách chỉ có 9,5% thì chi cho an sinh xã hội vẫn tăng 18%/năm. "Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng cao. Cơ cấu chi ngân sách quá lớn (chiếm tới 67-68%) đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ cấu chi cho đầu tư phát triển và trả nợ, đây là một thực tế” - ông Dũng nói.
Về giải pháp cho vấn đề nợ công, Bộ trưởng Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã đặt ra các mục tiêu hội nhập song vẫn phải đảm bảo việc thu ngân sách, còn chi thì tiết kiệm. Chi ngân sách giai đoạn tới đây sẽ chỉ ở mức 58% và giữ bội chi không tăng lên. Bộ cũng sẽ quyết liệt việc quản lý thu thuế. Giai đoạn 2011-2015 đã thanh tra 300.000 lượt doanh nghiệp, thu thêm 56.000 tỷ đồng về cho ngân sách Nhà nước, chưa kể chống chuyển giá. Khoản nợ của các doanh nghiệp đủ khả năng trả nhưng chây ỳ cũng được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết thu hồi trước Quốc hội. Con số của Bộ Tài chính cho thấy, trong số 76.000 tỷ đồng nợ đọng thuế hiện nay có khoảng 34.000 tỷ đồng là của các doanh nghiệp có khả năng tài chính nhưng không chịu trả. Trả lời trước Quốc hội, người đứng đầu ngành tài chính cam kết: "34.000 tỷ đồng này chúng tôi chắc chắn sẽ thu được".
Phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng do dài dòng, lòng vòng nên về những phút cuối đã liên tục bị nhắc. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phải cắt lời: “Bộ trưởng nói gọn gọn lại, còn nhiều đại biểu chờ chất vấn”. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì liên tiếp đưa ra các câu hỏi “chất vấn lại” Bộ trưởng. Chủ tịch QH nói: “Bộ trưởng đi vào câu hỏi thôi. Đại biểu hỏi là 67.000 tỷ nợ đọng thuế, Bộ trưởng nói 34.000 tỷ đồng có thể thu được, vậy biện pháp thế nào? Có thu được không?". Ông Dũng trả lời: "Có thu được! Chúng tôi đảm bảo thu được, chắc chắn thu được". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói ngay: “Thế là xong rồi, số còn lại là phấn đấu thu!”. Trả lời về cải cách thủ tục hành chính thuế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phải ngắt lời Bộ trưởng Dũng. Ông nói: “Chỗ này nói gọn thôi. Chính phủ nói vào ASEAN phải cải cách thủ tục hành chính, vậy bao giờ chúng ta vào được nhóm các nước ASEAN 5, ASEAN 4? Làm thế nào là việc của đồng chí, quốc hội chỉ ghi nhận lời hứa của đồng chí thôi". Trả lời, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, sau những nỗ lực cải cách, năm nay lĩnh vực thuế và hải quan đã có thể vào nhóm ASEAN 6. "ASEAN 4, 5 thì đến năm 2016 chắc chắn sẽ đạt được theo nghị quyết 19 của Chính phủ" - ông Dũng cam kết. |