Bộ Tài chính lý giải về ngưỡng đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, bộ này chọn ngưỡng chịu thuế tài sản với nhà từ 700 triệu đồng trở lên là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam.

Bộ Tài chính lý giải về ngưỡng đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng - 1

Việc đánh thuế ngay căn nhà đầu tiên với ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng vấp phải phản ứng bức xúc của cộng đồng. Ảnh minh hoạ

Theo Dự thảo Luật Thuế Tài sản, Bộ Tài chính đề xuất chọn ngưỡng chịu thuế tài sản với nhà là 700 triệu đồng, hoặc 1 tỷ đồng trở lên. Sau đó, bộ này ưu tiên chọn phương án ngưỡng chịu thuế là 700 triệu đồng trở lên.

Ông Phạm Đình Thi lý giải, theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, mục tiêu Chính phủ hướng tới năm 2020, diện tích nhà bình quân theo đầu người đạt 25m2/người. Bình quân mỗi gia đình 4 người, nên diện tích trung bình cần cho một hộ gia đình là 100m2.

Còn đơn giá xây dựng mỗi mét vuông nhà theo Quyết định của Bộ Xây dựng là 7,3 triệu đồng/m2.

Từ 2 cơ sở trên, Bộ Tài chính tính ra kết quả, đơn giá bình quân cho đầu tư xây dựng nhà tối thiểu của người dân là 730 triệu đồng (cho nhà 100m2 với 4 người).

Từ đó, Bộ Tài chính đã đề xuất ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng (chỉ tính thuế với phần vượt hơn 700 triệu đồng).

Với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng, ông Thi cho biết, sẽ không điều tiết thuế với những người sở hữu nhà ở có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình; không điều tiết đối với nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà cấp IV; không điều tiết đối với hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp III.

“Dự án Luật Thuế tài sản sẽ có tác động đến mọi người dân trong xã hội, nhưng phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, đảm bảo công bằng”, ông Thi nói.

Góp ý cho đề xuất trên, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, ngưỡng chịu thuế từ 700 triệu đồng là quá thấp, khi hầu hết người dân các thành phố lớn, như TPHCM sở hữu nhà từ 1 tỷ đồng trở xuống. 

Đồng thời, định mức xây dựng 7,3 triệu đồng/m2 nhà, theo ông Châu, đã lỗi thời, không phù hợp thực tế hiện nay, chưa kế khi thuế này được ban hành sẽ phải vài năm nữa, khi đó giá cả thị trường đã thay đổi nhiều nữa. Do đó, ông Châu đề nghị áp dụng ngưỡng chịu thuế là trên 1 tỷ đồng, mới đúng mục tiêu điều tiết với người thu nhập cao, sở hữu nhiều tài sản.

Về mức thuế, dù đưa ra phương án mức thuế 0,3% hoặc 0,4%, nhưng ông Thi cho biết, đơn vị soạn thảo nghiêng về chọn phương án mức thuế 0,4%, và xây dựng dự thảo luật theo hướng này.

Dù có thể nguồn thu từ thuế tài sản sẽ để lại ngân sách địa phương, nhưng dự thảo luật vẫn “mở” thêm để địa phương tăng thu vượt khung. Theo đó, dự thảo đưa ra quy định: Trong trường hợp cần áp dụng mức thuế suất cao hơn, HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh tăng, nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung.

Theo ông Thi, quy định này nhằm tạo tính chủ động của chính quyền địa phương để quy định mức thuế suất thuế tài sản cho phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Căn cứ từ số liệu nhà, đất của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính tính toán, nếu áp mức thuế tài sản 0,3% ngân sách nhà nước sẽ thu được 22.700 tỷ đồng/năm (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà 1 tỷ đồng); hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng/năm (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà 700 triệu đồng). 

Nếu mức thuế là 0,4%, ngân sách sẽ thu được 30.300 tỷ đồng/năm (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà 1 tỷ đồng); hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng/năm (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà 700 triệu đồng).

Đánh thuế nhà từ 700 triệu là “tấn công” người mới thoát nghèo?

Việc đánh thuế ngay căn nhà đầu tiên với ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng vấp phải phản ứng bức xúc của cộng đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LÊ HỮU VIỆT (Tiền Phong)
Đề xuất đánh thuế nhà đất từ 700 triệu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN