Bộ Tài chính đã làm gì với thuế bình quân gia quyền xăng dầu?
Kỳ điều hành giá xăng dầu của phiên đầu tiên quý IV này có điểm bất thường là Bộ Tài chính không hề công bố thuế bình quân gia quyền để tính giá cơ sở. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến đến giờ chót theo quy chế – 16h55, Bộ Công Thương mới công bố giá xăng dầu mới, trễ hẳn 2h so với các kỳ điều hành trước.
Theo một nguồn tin chúng tôi có được từ lãnh đạo Bộ Công Thương, nếu Bộ Tài chính công bố thuế bình quân gia quyền thì giá xăng đã có thể giảm mạnh hơn thay vì việc trớ trêu là phải xả quỹ bình ổn 130 đồng để xăng giảm được... 112 đồng.
Để lý giải nguyên nhân vì sao thuế bình quân gia quyền không được công bố, chúng tôi đã nỗ lực nhiều cách để liên hệ với lãnh đạo Bộ Tài chính, tuy nhiên Thứ trưởng Vũ Thị Mai – người phát ngôn của Bộ cho biết, vấn đề này bà không phụ trách, còn Thứ trưởng Trần Văn Hiếu – người được cho là phụ trách lĩnh vực này thì “đang đi công tác” và đề nghị phóng viên “hỏi ở nhà”.
Cũng phải nói thêm rằng, thuế bình quân gia quyền để tính giá cơ sở đối với xăng dầu do Bộ Tài chính là “tác giả”, và thời điểm nó ra đời đã gây ra rất nhiều tranh cãi, thậm chí có quan điểm khác nhau giữa liên Bộ Tài chính – Công Thương. Cho đến tận bây giờ, nhiều doanh nghiệp xăng dầu và Hiệp hội Xăng dầu (VINPA) đều không bị thuyết phục bởi “vận dụng” này của Bộ Tài chính.
Sau nhiều kỳ điều hành bình yên, thị trường xăng dầu đã biến động trở lại.
Trao đổi với PV Báo CAND chiều 6-10, ông Phan Thế Ruệ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch VINPA cho biết: Hiệp hội đã có kiến nghị về thuế bình quân gia quyền ngay từ khi nó ra đời và không được tiếp thu, nhưng đến nay VINPA vẫn giữ quan điểm về thuế này là nó mù mờ, không minh bạch, không kịp thời về mặt thị trường.
Không minh bạch ở chỗ không ai biết cơ cấu nhập, số lượng nhập cụ thể của các thị trường là bao nhiêu (Bộ Tài chính không công bố con số này), cũng không ai biết tính cách nào, mà chỉ biết Bộ sẽ đưa ra một con số mà tất cả phải chấp hành.
Thêm vào đó, Nghị định 83 không có điều khoản nào nói về “thuế bình quân gia quyền” cũng như cách tính đó, nên điểm này không đảm bảo tuân thủ Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Cũng theo ông Ruệ, thuế bình quân gia quyền và quỹ bình ổn là 2 điểm “bất ngờ” của điều hành xăng dầu hiện nay, khiến người dân, doanh nghiệp không biết đường nào mà lần.
Thời điểm nửa đầu năm 2016, Báo CAND cũng đã nhiều lần phản ánh về quan điểm khác nhau xung quanh thuế này. Lúc đó, Bộ Tài chính kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng tuy có những dư luận này khác, nhưng việc áp dụng thuế bình quân gia quyền vào công thức tính giá cơ sở là cách “hợp lý nhất trong thời điểm hiện nay”.
Để minh bạch và đơn giản cách tính, VINPA cho rằng nên giảm hết thuế nhập khẩu về bằng mức của thị trường thấp nhất (10% đối với xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc) thay vì giữ nhiều mức thuế như hiện nay, đồng thời tăng thu trong nước để đảm bảo công bằng, dễ điều hành, cân bằng được thu ngân sách và không gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Thậm chí, ngay cả Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Thủ tướng về thuế nhập khẩu xăng dầu tại Công văn 184 (ngày 29-4-2016) với 4 điểm kiến nghị chủ yếu, cho rằng phương pháp tính thuế bình quân gia quyền chưa phản ánh đúng tinh thần điều hành của Nghị định 83, chưa đúng diễn biến giá thế giới và có thể ngược chiều với giá thế giới.
Thứ hai, cách tính này gây dư luận là việc điều hành thiếu tính công khai, minh bạch và số liệu cụ thể để tính toán mức thuế bình quân gia quyền khó theo dõi, giám sát.
Bên cạnh đó, cách tính này cũng chưa giải quyết được hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, người tiêu dùng, các DN sản xuất, kinh doanh xăng dầu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với tất cả những vấn đề trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan sớm có giải pháp xử lý hài hòa sự khác nhau giữa các mức thuế suất theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), theo các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) cũng như với cơ chế tài chính, thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ đối với các dự án lọc dầu trong nước.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại cho rằng: “Nếu thuế nhập khẩu được tính theo mức thuế ưu đãi đặc biệt thấp nhất trong các biểu thuế thì người tiêu dùng được hưởng lợi, nhưng ảnh hưởng đến quyền lợi của DN kinh doanh xăng dầu do không phải tất cả xăng dầu nhập khẩu đều được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp; đặc biệt trong trường hợp các DN kinh doanh xăng dầu để không bị lỗ, chỉ nhập khẩu xăng dầu từ nguồn áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất mà nguồn cung không đáp ứng đủ và không nhập khẩu từ nguồn khác có thuế suất cao hơn thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia”.
Cách lập luận này đã tỏ ra thiếu chính xác, khi đến thời điểm này, phần lớn xăng được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan: Năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu xăng của Việt Nam khoảng 1,25 tỷ USD, trong đó 75% nhập khẩu từ thị trường này. Năm 2017, liên tiếp trong 3 quý, thuế xăng đều quanh mức 10% (10,56% trong quý I, 10,21% trong quý II và thậm chí thuế quý III còn xuống 9,31%).
Một lý do khác Bộ Tài chính dẫn ra để bảo vệ quan điểm của mình là “Để đạt được các mức thuế ưu đãi đặc biệt trong các FTA là rất khó khăn và phải có sự đánh đổi về lợi ích từ các ngành khác. Vì vậy, đồng nhất ngay mức thuế MFN với FTA là không hợp lý, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách”.
Nhưng cũng phải một lần nữa dẫn ra con số để thấy rằng Bộ này đã tính toán “lỗ vốn” khi thuế bình quân gia quyền của xăng quý III là 9,31% - còn thấp hơn mức thuế thấp nhất từ ASEAN là 10%, nghĩa là ngân sách còn thất thu hơn. Một cách tính vừa mù mờ, vừa thêm việc, vừa gây khó khăn cho điều hành của cơ quan chức năng, cho chấp hành của doanh nghiệp, vừa làm dư luận băn khoăn lại gây thất thu cho ngân sách, thì không hiểu sao Bộ Tài chính vẫn quyết giữ đến giờ?