Bỏ quên 500 tấn vàng!

Nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế những năm tới rất lớn trong khi lượng vàng trong dân ước tính còn khoảng 500 tấn lại đang “bỏ két sắt, nằm gầm giường”.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đã đến lúc cần quan tâm việc huy động vàng trong dân khi nền kinh tế rất cần vốn như hiện nay.

Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã gửi hàng loạt kiến nghị lên thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong đó đề xuất nghiên cứu giải pháp huy động vàng trong dân và thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia.

Gần 20 tỉ USD bị lãng phí

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA, nhiều năm qua, nước ta chủ yếu nhập khẩu vàng, còn xuất khẩu không đáng kể nên lượng vàng trong dân còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn. Dù Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo NHNN thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng đến nay, chưa có giải pháp nào được triển khai.

Dự kiến, đến tháng 7-2017, theo Bộ Tài chính, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo thị trường với lãi suất cao.

“Nhu cầu vốn cho kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn nên việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển là rất cấp bách. Đề nghị Bộ Tài chính và NHNN thành lập tổ công tác nghiên cứu xây dựng đề án huy động vàng trong dân” - ông Long đề xuất.

Từ giữa năm 2011, khi các NH thương mại ngừng huy động và cho vay vàng theo yêu cầu của NHNN đến nay, phần lớn người dân giữ vàng tại nhà. Các hiệp hội, doanh nghiệp và cả Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã nhiều lần đề xuất nghiên cứu huy động lượng vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tính theo giá ngày 16-5 là 34,2 triệu đồng/lượng, 500 tấn vàng đang nằm trong dân tương đương khoảng 19,8 tỉ USD.

Bỏ quên 500 tấn vàng! - 1

Nếu huy động được nguồn vàng trong dân sẽ góp phần giải quyết đáng kể nhu cầu vốn của nền kinh tế Ảnh: Tấn Thạnh

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam, cho biết theo các tổ chức tài chính như Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu tiêu thụ vàng mỗi năm của Việt Nam khoảng vài chục tấn, trong khi xuất khẩu vàng chủ yếu là nữ trang hoặc theo đường biên mậu là không đáng kể. Tính ra, lượng vàng trong dân lên tới vài trăm tấn là rất lớn nhưng đến giờ vẫn chưa được huy động dù Chính phủ từng yêu cầu tìm giải pháp cho vấn đề này.

Vậy huy động vàng trong dân có khả thi không? Theo ông Hải, trong Nghị định 24 của Chính phủ năm 2012 về quản lý thị trường vàng có đề cập việc nghiên cứu huy động kim loại quý này. NHNN và các NH thương mại cũng từng có kinh nghiệm huy động vàng qua các sàn giao dịch vàng trong giai đoạn 2007-2010.

“Việt Nam đang phải huy động vốn từ nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu quốc tế với lãi suất khá cao. Nay, nếu huy động vàng trong dân thành công, nhà nước có thể đem số vàng này thế chấp, vay có tài sản bảo đảm sẽ huy động được trái phiếu quốc tế với lãi suất thấp hơn” - ông Hải lập luận.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận một trong những lý do NHNN chưa muốn huy động vàng là để chống vàng hóa nền kinh tế. Sau khi có Nghị định 24, NHNN là đơn vị duy nhất nhập khẩu vàng rồi sản xuất vàng miếng SJC đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Biện pháp này đã thành công và giúp ổn định thị trường vàng. Trong giai đoạn mới, nền kinh tế đang rất cần vốn, cần ngoại tệ trong bối cảnh dự trữ ngoại hối còn mỏng, huy động vàng là giải pháp cần được tính tới.

Khơi thông bằng cách nào?

Theo VGTA, để huy động vàng hiệu quả, NHNN cần nghiên cứu để sớm thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia. Tổ nghiên cứu đề án huy động vàng trong dân và thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia bao gồm cả cán bộ quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế am hiểu và có kinh nghiệm về lĩnh vực đầu tư, kinh doanh vàng, kể cả mời nước ngoài.

“Thông qua Sở Giao dịch vàng quốc gia, nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng để huy động nguồn lực này trong dân. Sở giao dịch còn góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm đáng kể lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng và loại bỏ những loại hình giao dịch vàng bất hợp pháp như sàn vàng chui… Đặc biệt, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu thông qua sở giao dịch để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước” - ông Long kiến nghị.

Theo nhiều chuyên gia tài chính, ở các nước, sàn giao dịch vàng là phổ biến nên người dân không cất giữ nhiều vàng vật chất ở nhà như nước ta. TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các NH thương mại sẽ không tiếp tục huy động - cho vay vàng theo cách như trước đây nhưng có thể huy động thông qua phát hành chứng chỉ vàng.

Các chứng chỉ vàng này sẽ được phát hành dưới danh nghĩa là NHNN thông qua một số NH thương mại. Song song đó, một sàn giao dịch vàng quốc gia được thành lập để người dân có thể trao đổi, mua bán hoặc cầm cố các chứng chỉ này.

Ông Trần Thanh Hải đề xuất: “Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sẽ đến NH thương mại gửi vàng và nhận chứng chỉ vàng. Các chứng chỉ vàng này ghi rõ số CMND của người gửi, nằm trong tài khoản của họ. Khi có nhu cầu, người gửi có thể bán chứng chỉ vàng trên Sở Giao dịch vàng quốc gia. Một số doanh nghiệp ngoại, quỹ đầu tư nước ngoài cũng có thể tham gia trên sở giao dịch này như một “món ăn” khác thay vì chỉ có thị trường chứng khoán”.

Giải pháp tốt sẽ được thực hiện

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 16-5, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết NHNN đã nhận đề xuất của VGTA nhưng quan điểm là giải pháp nào tốt nhất cho nền kinh tế thì sẽ thực hiện. Riêng đề xuất huy động 500 tấn vàng trong dân, ông Cảnh cho rằng nền kinh tế đang tự điều tiết để người dân dịch chuyển vàng sang các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khác. Thời gian qua, NHNN cũng áp dụng nhiều chính sách nhằm làm giảm bớt tính hấp dẫn của vàng, như ngừng huy động vàng (vàng gửi ở NH thương mại không được trả lãi), không cho vay vàng…

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia vàng:

Cần quan tâm đến quyền lợi người gửi

Nếu huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế là quá tốt. Để đạt mục tiêu này, phải có biện pháp để có lợi cho cả người gửi và nền kinh tế.

Mới đây, tôi có người bạn tính mua vài trăm lượng vàng để dành và đầu tư nhưng không thực hiện bởi để quá nhiều kim loại quý ở nhà là không an toàn, còn gửi NH phải mất phí. Hiện vì lý do an toàn, nhiều người dân và nhà đầu tư có nhu cầu gửi vàng ở NH dù lãi suất huy động là 0%. Nếu được thành lập, Sở Giao dịch vàng quốc gia cũng là giải pháp để người dân có kênh mua bán, cầm cố, như muốn giao dịch chứng khoán phải lưu ký.

Chị N.T. T (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM):

Giữ vàng như một tài sản an toàn

Từ nhiều năm nay, mẹ tôi luôn có thói quen mua vàng để dành, cất trữ như một tài sản an toàn thay vì gửi tiết kiệm. Cứ mỗi lần có tiền nhàn rỗi, mẹ tôi lại mua vài chỉ để dành phòng thân, bà không bán ra nhưng cũng không có ý định gửi NH vì sợ phiền phức. Nhu cầu của bà chỉ là mua vàng để dành chứ không có ý định sinh lời.

Anh Tr.V. D (ngụ quận 9, TP HCM):

Nếu có lợi, tôi sẽ gửi!

Khi các NH thương mại còn huy động vàng, tôi thường đem vàng gửi tiết kiệm lấy lãi dù số lượng gửi không nhiều. Đến khi NH ngừng huy động vàng, tôi đem số vàng này về cất ở nhà dù không yên tâm. Nay nếu NHNN huy động vàng với giải pháp thuận lợi và có lợi cho người dân, tôi sẽ gửi.

Linh Anh ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN