Bộ Lao động, Bảo hiểm Xã hội lý giải về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu
Bộ LĐ-TB&XH - đơn vị soạn thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có giải trình Thủ tướng về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Hàng loạt lý do được đưa ra, nhưng mục tiêu hàng đầu của việc tăng tuổi nghỉ hưu vẫn là đảm bảo cân đối Quỹ BHXH, khi nguy cơ mất cân đối đã hiện hữu.
Với bản dự thảo lần 2 Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vừa được đưa ra lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đưa vào nội dung tăng tuổi nghỉ hưu (nam lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi). Chỉ có điều khác, lần này đơn vị soạn thảo đưa ra phương án tăng tuổi hưu nhanh hơn, mỗi năm tăng thêm 6 tháng (thay vì 3 tháng như dự thảo lần 1). Nên thời gian đạt mức tuổi nghỉ hưu mới cũng ngắn lại.
Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 6 lý do viện dẫn cho đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Trước tiên, với mức đóng - hưởng hiện nay, Quỹ BHXH cho hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối trong tương lai (dự kiến từ năm 2034). Khi đó, ngân sách nhà nước phải bù đắp. “Đây là lý do quan trọng nhất để đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu”, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.
Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội, Việt Nam cần nâng dần tuổi nghỉ hưu để bảo đảm mối tương quan giữa đóng - hưởng BHXH, và giải quyết thiếu hụt lao động trong tương lai. Ảnh minh họa.
Dù có thể không tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng theo đơn vị soạn thảo, phải tăng mức đóng BHXH, giảm lương hưu vì sự bền vũng của Quỹ BHXH. Tuy nhiên, giải pháp này khó khả thi, khi DN còn khó khăn, sức cạnh tranh suy giảm, giảm lương hưu khiến cuộc sống người già khó khăn. “Vì vậy, phương án được tính đến vẫn là nâng tuổi nghỉ hưu để cân bằng thời gian đóng, mức đóng và thời gian hưởng, mức hưởng”, Bộ LĐ-TB&XH giải trình.
Với những nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, dù mở rộng thêm người tham gia BHXH, quản lý chặt quỹ, giảm trốn, chậm đóng… cũng chỉ kéo dài cân đối Quỹ BHXH thêm 1 - 2 năm.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng viện dẫn một số lý do khác cho việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, như: Tuổi thọ người Việt đã tăng nhiều; nhiều người về hưu vẫn đủ sức khỏe và vẫn muốn làm việc; Việt Nam đang chuyển từ dân số vàng sang giai đoạn giá hóa dân số, lao động sẽ thiếu hụt; tận dụng lao động có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn…
Tăng tuổi nghỉ hưu nữ lên bằng nam
Trước đó, BHXH Việt Nam cũng có những giải trình với Thủ tướng về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Cơ quan này cho rằng, hiện số người về hưu đúng tuổi (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) chỉ 40,5%, hơn một nửa về hưu trước tuổi. Bình quân thời gian đóng BHXH của nam là 28 năm, nữ 23 năm. Số tiền đóng BHXH chỉ đủ hưởng lương hưu 13 năm, nhưng thực tế thời gian hưởng lương hưu bình quân lên tới 20 năm (tuổi thọ tăng). Như vậy, có khoảng 7 năm lương hưu Quỹ BHXH phải đảm bảo (đóng ít, hưởng nhiều).
Để đảm bảo Quỹ BHXH ổn định, theo BHXH Việt Nam, một số giải pháp cũng được tính tới, như: Tăng mức đóng, giảm mức hưởng, kéo dài thời gian đóng, rút ngắn thời gian hưởng… nhưng không giải pháp nào nhận được đồng thuận của xã hội. “Việt Nam cần nâng dần tuổi nghỉ hưu để bảo đảm mối tương quan giữa đóng - hưởng BHXH, và giải quyết thiếu hụt lao động trong tương lai”, BHXH Việt Nam khẳng định.
Ngoài ra, theo cơ quan này, tuổi nghỉ hưu ở nước ta đã ban hành từ rất lâu, nay có nhiều yếu tố thay đổi, trong đó có sức khỏe và tuổi thọ trung bình của người dân được nâng lên. Tăng tuổi hưu sẽ giúp Việt Nam duy trì tính bền vững của hệ thống hưu trí.
BHXH Việt Nam tính toán, nếu tuổi nghỉ hưu được nâng lên 65 tuổi với cả nam và nữ, tỷ lệ người nghỉ hưu so với người trong độ tuổi lao động sẽ tăng chậm hơn hiện nay. Cụ thể, năm 2009 người nghỉ hưu bằng 10,9% người trong độ tuổi lao động, năm 2049 là 30,7% và năm 2099 là 47,5%. Nhờ vậy, quỹ hưu trí sẽ bớt bị áp lực vê tài chính hơn so với giữ tuổi nghỉ hưu như hiện nay.
BHXH Việt Nam cũng đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên bằng nam, để tận dụng nguồn lực và đảm bảo bình đẳng nam - nữ. Ngoài ra, do nữ nghỉ hưu sớm hơn nam, nên thời gian đóng ít hơn, khi hưởng lương hưu cũng thấp hơn. Nên nâng tuổi hưu của nữ bằng nam còn giúp đảm bảo lương hưu của nữ tốt hơn.
Tuy vậy, BHXH Việt Nam cũng nhìn nhận, tăng tuổi nghỉ hưu hết sức nhạy cảm, phải được nghiên cứu thận trọng, khoa học. Tăng tuổi hưu phải phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của con người, điều kiện lao động, đánh giá tác động đến từng nhóm đối tượng… Qua đó bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và quốc gia trong việc bảo đảm an sinh xã hội bền vững.