Bộ Công thương: Thoái vốn, thu cả tỷ USD

Việc Thủ tướng có kết luận sẽ cổ phần hóa mạnh và nhanh với thời hạn cụ thể Sabeco, Habeco cùng nhiều đơn vị khác được coi là dấu chấm hết cho sự luẩn quẩn, đá bóng trong việc thoái vốn nhà nước ở các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các ngành.

Bộ Công thương: Thoái vốn, thu cả tỷ USD - 1

Thoái vốn khỏi Habeco và Sabeco cùng nhiều đơn vị khác thuộc ngành công thương sẽ giúp thu nhiều tỷ USD để đầu tư cho hạ tầng. Ảnh: Như Ý

Hết luẩn quẩn thoái vốn

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, trong số 4 doanh nghiệp trực thuộc còn lại để hoàn thành 100% số doanh nghiệp được cổ phần hóa, Bộ Công Thương đang chỉ đạo thực hiện phương án cổ phần hóa theo phê duyệt của Thủ tướng đối với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam và Tổng Công ty Máy Thiết bị công nghiệp. Riêng với Tổng Công ty Giấy Việt Nam, bộ này đã trình Thủ tướng phương án cổ phần hóa và đang chờ kết quả phê duyệt. Đối với Công ty TNHH MTV BMC, đang xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Đối với Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Bộ Công Thương đang chỉ đạo xây dựng và báo cáo kế hoạch cổ phần theo chỉ đạo của Thủ tướng.

“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo việc thoái vốn tại Habeco và Sabeco phải thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong quá trình thoái vốn và gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, cổ đông và phải tiến hành niêm yết cổ phiếu của hai đơn vị trước khi thực hiện việc thoái vốn”.    

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

“Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành thoái vốn, giảm vốn. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã hoàn thành thoái vốn tại 13/17 doanh nghiệp, trong đó đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành, bảo toàn vốn đầu tư và có lãi. Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đã hoàn thành thoái vốn ở hai đơn vị là Vietcombank và Công ty TNHH Saporo Việt Nam với tổng số tiền thu về trên 306 tỷ đồng”, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, dự kiến, đối với Tổng Công ty Cổ phần Bia, Rượu, Nước giải khát (Habeco) sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước (81.79%), tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm 2016. Việc thoái vốn tại Tổng Công ty Cổ phần Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được đề nghị theo lộ trình làm 2 đợt, đợt 1 bán 53,5% vốn điều lệ (tương đương 24.000 tỷ đồng) trong năm 2016. Đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại (tương đương 16.000 tỷ đồng) trong năm 2017 sau khi Sabeco niêm yết.

Thu tỷ USD lấy tiền đầu tư hạ tầng

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, điểm vướng trong thoái vốn nhà nước từ trước đến nay là chúng ta chưa trả lời được câu hỏi nhà nước sẽ làm gì, đóng vai trò gì trong nền kinh tế. Theo ông Ánh, việc lấy lý do sẽ làm mất các thương hiệu lớn sau khi bán vốn nhà nước là khó chấp nhận. Vấn đề với các đơn vị như Sabeco, Habeco chủ yếu liên quan những vướng mắc về quyền lợi của bộ chủ quản.

 Về ý kiến lo ngại các thương hiệu Việt có thể bị mất đi sau khi cổ phần, thực tế, bản thân nhà đầu tư khi mua cổ phần, cổ phiếu của Vinamilk, Sabeco, Habeco không có lý do gì họ lại đánh mất thương hiệu doanh nghiệp mà họ đã bỏ tiền đầu tư. “Cần quyết tâm thực hiện thoái vốn nhà nước và gắn với đó là các biện pháp hợp lý để bảo vệ các thương hiệu quốc gia”, ông Ánh phân tích.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, nhìn chiến lược hoạt động của các tập đoàn thuộc ngành công thương hiện nay, có thể nhận thấy Hội đồng thành viên của nhiều đơn vị chưa sốt sắng với cổ phần hóa. Điểm vướng là do hiện các tập đoàn, tổng công ty của Bộ Công Thương như Tổng Công ty Thép, Tập đoàn Hóa chất, Than Khoáng sản (TKV) ở vị thế tài chính rất yếu so với 10 năm trước kia. Mang tiếng là công ty mẹ nhưng không có khả năng cứu được “con” mà phải trông chờ nhà nước hỗ trợ hay bơm vốn, điều này đang diễn ra tại Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Công ty Gang thép Thái Nguyên...

Theo ông Hải, việc nhiều doanh nghiệp Nhà nước khi bán đấu giá cổ phần lần đầu mà nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối sẽ xảy ra 2 kịch bản: Doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả thì không bán được cổ phần hoặc chỉ bán được ít; Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả có bán được nhiều  cổ phần nhưng với giá thấp hơn so với giá trên thị trường chứng khoán, thường chỉ bằng 30%-50%.

“Việc đấu toàn bộ cổ phần nhà nước tại các đơn vị như Sabeco và Habeco sẽ giúp thu được nguồn vốn ước tính trên 3 tỷ USD,  đủ để tiến hành ngay việc xây dựng tuyến đường sắt số 3, số 4 tại Thủ đô Hà Nội. Khi Hà Nội có 4 tuyến đường sắt trong 7 năm nữa thì sẽ có nhiều điều kiện để phát triển nhanh hệ thống giao thông công cộng, giảm nhanh việc sử dụng hàng triệu xe máy và lúc đó Hà Nội sẽ xanh, sạch đẹp hơn nhiều so với hiện nay”, đại diện VAFI đề xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN