Bộ Công Thương lập Ban chỉ đạo thoái vốn tại Sabeco, Habeco

Ban chỉ đạo, do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đứng đầu, sẽ chỉ đạo xây dựng đề án và tổ chức thực hiện thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco đồng thời tham gia vào việc lựa chọn tư vấn bán cổ phần cho hai doanh nghiệp hàng đầu ngành bia này.

Bộ Công Thương lập Ban chỉ đạo thoái vốn tại Sabeco, Habeco - 1

Ban chỉ đạo thoái vốn tại Sabeco, Habeco do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đứng đầu

Bộ Công Thương vừa quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

Ban chỉ đạo có một Trưởng ban là Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và 10 thành viên là lãnh đạo các phòng ban chuyên trách tại Bộ Công Thương, lãnh đạo Sabeco, Habeco.

Ban chỉ đạo sẽ giúp Bộ trưởng Công Thương thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng giao, lựa chọn tư vấn bán cổ phần cho hai doanh nghiệp hàng đầu ngành bia này. 

Đồng thời, chỉ đạo xây dựng đề án và tổ chức thực hiện thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và quy định pháp luật.

Theo phương án đề xuất, việc thoái vốn tại Sabeco được thực hiện làm 2 đợt, đợt 1 bán 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng trong năm 2016. Đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi Sabeco niêm yết. Tại Habeco, sẽ thoái toàn bộ 81,79% vốn thuộc sở hữu Nhà nước (tương đương 9.000 tỷ đồng) trong năm 2016.

Liên quan đến việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, ngày 5/10 vừa qua, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có văn bản đề xuất các giải pháp tăng thu cho ngân sách nhà nước gửi Văn phòng Chính phủ.

Để buộc 100% doanh nghiệp cổ phần hóa đủ điều kiện phải thực hiện việc niêm yết, theo đề xuất của VAFI, nếu bất kỳ người đại diện cổ phần nhà nước nào không tuân thủ Quyết định 51, cố tình trốn tránh việc niêm yết thì tự động mất tư cách là người đại diện cổ phần nhà nước và khi đó các cấp có thẩm quyền sẽ cử người khác thay thế. 

Cùng đó, nếu lãnh đạo bộ, ngành địa phương nào ngăn cản doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết chứng khoán thì cá nhân đó bị kỷ luật. 

“Với các quy định như trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ cần có công văn chỉ đạo ngắn gọn thì sẽ đảm bảo Quyết định 51 được tôn trọng và mang tính khả thi cao. Từ giải pháp  này, Nhà nước có thể thu thêm 15  tỷ đô la từ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN