Bộ Công Thương cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định 1408 phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa một loạt các thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương năm 2018.
Trong đó có năng lượng, điện, quản lý cạnh tranh, tiêu chuẩn đo lường, xúc tiến thương mại, an toàn thực phẩm và xuất nhập khẩu... Đây là lần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh đầu tiên trong năm 2018 và là cuộc cắt giảm thủ tục lớn lần thứ 3 trong lịch sử ngành Công Thương.
Theo quyết định này, có 54 thủ tục hành chính nằm trong diện bãi bỏ, đơn giản hóa. Trong đó, bãi bỏ 12 thủ tục và đơn giản hóa 42 thủ tục đối với 10 lĩnh vực, tại 19 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 10 Thông tư, 1 Thông tư liên tịch, 1 Quyết định của Thủ tướng và 7 Nghị định.
Đối với lĩnh vực Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương điều chỉnh và bãi bỏ 9 thủ tục hành chính liên quan đến việc Xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại theo hình thức mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trở lên. Cụ thể, Bộ Công Thương bãi bỏ thành phần hồ sơ quy định về hình ảnh hàng hóa khuyến mại và hàng hóa dùng để khuyến mại; Mẫu vé số dự thưởng đối với chương trình khuyến mại có phát hành vé số dự thưởng; Thay thế Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa, dịch vụ khuyến mại và hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật bằng bản sao giấy tờ về chất lượng của hàng hóa khuyến mại theo quy định của pháp luật.
Bộ cũng bãi bỏ quy định trách nhiệm chậm nhất 7 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại doanh nghiệp gửi văn bản thông báo cho Sở Công Thương nơi thực hiện khuyến mại kèm theo bản sao văn bản xác nhận của Bộ Công Thương. Thay vào đó, trách nhiệm thông báo này thuộc về Bộ Công Thương cung cấp cho Sở Công Thương nơi doanh nghiệp tổ chức khuyến mại nội dung chương trình đã được xác nhận để phối hợp quản lý.
Bộ cũng bãi bỏ quy định về việc thông báo yêu cầu doanh nghiệp hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ khi hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp được lựa chọn một trong 3 cách thức đăng ký thực hiện khuyến mại bao gồm: Qua đường bưu điện, trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, dịch vụ công trực tuyến (trước đây không có cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến).
Bộ Công Thương “trảm” nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh
Điểm đáng ghi nhận trong cuộc cắt giảm lần thứ 3 này, lĩnh vực xúc tiến thương mại đã được giảm thời gian thực hiện từ 7 ngày làm việc xuống còn 5 ngày làm việc. Đối với quy định về việc thông báo thực hiện khuyến mại, thời hạn gửi thông báo đến Sở Công Thương được giảm từ 7 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại.
Các trường hợp khác như Xác nhận đăng ký tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại ở nước ngoài; Xác nhận thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại ở nước ngoài và xác nhận đăng ký tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại tại Việt Nam được rút ngắn thời gian từ 10 ngày làm việc xuống 7 ngày làm việc.
Đối với lĩnh vực An toàn thực phẩm, Bộ Công Thương bãi bỏ, đơn giản hóa 8 thủ tục hành chính. Trong đó bãi bỏ quy định về tài liệu trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm như sau: Bản sao có xác nhận của cơ sở, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề kinh doanh thực phẩm theo quy định về việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm do Bộ Công Thương thực hiện và do Sở Công Thương thực hiện.
Bộ cũng đồng thời bãi bỏ nội dung “diện tích nhà xưởng”, “hệ thống thông gió”, “hệ thống chiếu sáng’ tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 58/2014/TT-BCT.
Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương bãi bỏ quy định về việc Cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh hàng miễn thuế quy định tại Nghị định 167/2016/NĐ-CP; Giảm thời hạn thực hiện từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc đối với hoạt động cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương quy định Quyết định 10/2010/QĐ-TTg.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng bãi bỏ văn bản xác nhận của Bộ quản lý chuyên ngành. Việc xin ý kiến của Bộ chuyên ngành chuyển từ trách nhiệm của thương nhân sang trách nhiệm trao đổi ý kiến giữa các cơ quan Nhà nước; đồng thời giảm thủ tục từ 10 ngày xuống còn 5 ngày làm việc đối với hoạt động Cấp Giấy phép gia công xuất khẩu có yếu tố nước ngoài.
Liên quan đến Nghị định 109 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo gây nhiều tranh cãi thời gian qua, Bộ Công Thương cũng tiến hành điều chỉnh thời gian thực hiện thủ tục từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày đối với hoạt động cấp lại, điều chỉnh nội dung giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đồng thời bãi bỏ quy định về việc “Cấp mới gGiấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thay thế giấy chứng nhận sắp hết hiệu lực”.
Cũng theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ngoài lĩnh vực Xúc tiến thương mại (9 thủ tục); lĩnh vực An toàn thực phẩm (8 thủ tục); lĩnh vực xuất nhập khẩu (7 thủ tục), 7 lĩnh vực khác cũng được cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục lần này gồm có: Lĩnh vực Sở giao dịch hàng hóa (3 thủ tục); Lĩnh vực Tiêu chuẩn đo lường (9 thủ tục); Quản lý cạnh tranh (7 thủ tục); Kỹ thuật an toàn(5 thủ tục); Kinh doanh rượu (2 thủ tục); Năng lượng (3 thủ tục) và Điện (1 thủ tục).
Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong vòng hai năm trở lại đây, Bộ Công Thương đã thực sự chuyển động và cải cách mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế.
Kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng được thực hiện từ tháng 1/2017 đến tháng 2/2018 được công bố mới đây cũng cho thấy hiện có Bộ Công Thương đạt yêu cầu theo nghị quyết Chính phủ, còn hầu hết các bộ ngành còn lại chưa đạt, chưa cắt giảm, số lượng cắt giảm quá ít và bị yêu cầu tiếp tục cắt giảm.
Kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng cho thấy liên quan đến việc rà soát cắt giảm danh mục sản phẩm hàng hoá, Bộ Công Thương được cho là đang đi đầu trong các bộ khi đáp ứng đúng và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 01 của Chính phủ khi đã cắt giảm 402 danh mục trong tổng số 702 mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.
Đợt cắt giảm đầu tiên được thực hiện vào tháng 12/2016 theo Quyết định số 4846 của Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có 123 thủ tục hành chính được đơn giản hóa, bãi bỏ (gồm bãi bỏ 15 thủ tục và đơn giản hóa 108 thủ tục) trong tổng số 443 thủ tục hành chính thuộc phạm vi Bộ quản lý.