Bờ bãi thành sân tập golf, nhà hàng: Ai trục lợi?
Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, những cánh đồng xen kẽ, những bài bồi ven sông tại trung tâm Hà Nội trở nên đắc địa. Trên đó mọc lên những dịch vụ phi nông nghiệp hoặc nông nghiệp trá hình thu tiền tỷ mỗi tháng. Tuy nhiên, lợi ích đang vào túi một số cá nhân, ngân sách Nhà nước thất thu…
Sân golf, biệt phủ trái phép, cách hồ Hoàn Kiếm hơn 3 km
Từ trên cầu Vĩnh Tuy, người tham gia giao thông dễ dàng nhận ra một sân tập golf giữa mênh mông đồng cỏ. Cổng khu sân tập golf ghi: “Khu sinh thái Hòa Phát”. Bên trong khu sinh thái này, ngoài sân golf còn có vườn hoa, hồ nước, nhà hàng… được xây dựng kiên cố, kín cổng cao tường như một biệt phủ.
“Khu nghỉ dưỡng này không phải phục vụ khách hàng ngoài, đây là nơi nghỉ ngơi dành riêng”, một nhân viên tại đây nói.
Khu sinh thái này nằm rìa quận Long Biên, bên kia sông là quận Hoàn Kiếm, tính đường chim bay chỉ cách bờ hồ Hoàn Kiếm 3,5 km. Để có một khu nghỉ dưỡng giữa Hà Nội “tấc đất tất vàng” này, chỉ tính tiền đất, chủ đầu tư khu vực này phải bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mới có được.
Sẽ không có gì đáng nói nếu khu “biệt phủ” này là đất thổ cư nhưng diện tích này được UBND phường sở tại (phường Long Biên) xác nhận là... đất nông nghiệp. Ông Ngô Tuấn Ngọc, cán bộ địa chính phường này cho biết, việc sử dụng sai mục đích tại khu đất này được xác định từ năm 2011 nhưng chưa được xử lý. Nếu so với việc biệt phủ của đại úy công an tại huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) bị xử lý ngay sau khi báo chí lên tiếng thì việc xử lý sai phạm tại đây như “rùa bò”.
Bên cạnh khu sinh thái nêu trên là sân bóng cỏ nhân tạo Vietnet và những bãi, nhà kho tập kết vật liệu xây dựng… Hàng ngày, các xe tải cỡ lớn, xe hổ vồ, “4 chân”, “5 chân”… ra vào tấp nập. Mỗi khi những chiếc xe này di chuyển, khói bụi bốc lên mù mịt, tiếng “rầm rập”, “lọc xọc” vang lên đinh tai. Tổ hợp sân bóng này hiện có 3 sân với giá cho thuê 400 đến 500 nghìn đồng/trận với doanh thu ước đạt không dưới 200 triệu đồng/tháng. Cũng như biệt phủ sinh thái nêu trên, UBND Phường Long Biên xác nhận, khu đất làm sân bóng đang xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
“Nhảy dù” trên bãi sông - thu hàng chục tỷ đồng
Theo phản ánh của bạn đọc báo Tiền Phong, việc sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích quy mô lớn, xôm tụ nhất tại phải kể đến khu vực bãi đá Sông Hồng (cách trụ sở UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ gần 1km).
Theo người dân địa phương, đây là khu vực hành lang thoát lũ, không được cấp phép xây dựng nhưng các chủ đầu tư vẫn xây dựng các công trình ngày càng nhiều, kiên cố hơn. “Bãi đá là tổ hợp du lịch, giải trí, từ chụp hoa, cưỡi ngựa, ăn uống, chụp ảnh phim trường, hàng quán ăn nhậu và các hoạt động thể dục thể thao ở các sân bóng nhân tạo, phòng tập. Họ hoạt động công khai nhiều năm nay, khách vào ra nườm nượp”, chị Hằng, người dân địa phương nói.
Nổi bật nhất tại khu vực này phải kể đến Vườn hoa bãi đá sông Hồng. Cổng chào cùng “lô cốt” bán vé được xây án ngữ ngay trước lối vào. Phía trong, những công trình như nhà dịch vụ ăn uống, thay đồ, những cột đèn, giàn hoa bê tông… được xây dựng dày đặc. Cạnh đó là những con đường mới mở phục vụ các xe tải chở phế thải xây dựng cùng máy xúc san, cạp hàng nghìn mét vuông đất bãi.
Giá vé cho chụp ảnh, quay phim tại các địa điểm này dao động từ 50 đến 70 nghìn/ người/ lượt, ngoài ra còn có các dịch vụ ăn uống, cho thuê quần áo, cưỡi ngựa. Tiền gửi xe máy 10 ngàn đồng/xe, ô tô 50 nghìn đồng/xe. Với lượng khách nườm nượp, doanh thu của khu vực này có thể đạt hàng tỷ đồng/tháng.
Cũng trên hành lang thoát lũ sông Hồng, đối diện vườn hoa là nhà hàng Tre Bãi Đá rộng hơn 1.000 m2 với các gian nhà được xây dựng bằng bê tông, gỗ kiên cố. “Các anh đặt liên hoan đây là hợp lý vì không gian xanh bên sông Hồng, chỗ đỗ ô tô thoải mái không nhà hàng nào giữa trung tâm Hà Nội có. Ngày lễ, cuối tuần các anh phải đặt lịch trước để có bàn”, người nhân viên nhà hàng giới thiệu với khách.
Ngay cạnh nhà hàng Tre Bãi Đá là một tổ hợp phòng gym, tập võ và khoảng 6, 7 sân bóng. Các khu tập ở đây được xây dựng kiên cố; lối đi được đổ bê tông. Các sân bóng cỏ nhân tạo được xây dựng khang trang. Nhân viên Song Hong MMA Gym cho biết: Các khoá học ở đây có mức giá cao từ 500 nghìn đến gần 1 triệu đồng khóa (tuỳ từng môn); còn sân bóng có giá 300 - 500 nghìn đồng/trận đấu tuỳ vào từng khung giờ.
Câu hỏi đặt ra là ai hưởng lợi từ những công trình xây dựng vi phạm này?!
Để làm sáng tỏ việc đất nông nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều được sử dụng vào mục đích khác, phóng viên liên hệ làm việc với ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân. Sau 2 tuần đặt lịch, phóng viên báo Tiền Phong vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía UBND phường Nhật Tân. |