Bịt lỗ hổng để người mua vàng không bị móc túi
Các cơ quan chức năng đã tịch thu hơn 4.000 mẫu vàng không đạt chất lượng.
Sau khi phát hiện hơn 600 cơ sở kinh doanh vàng vi phạm, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012 để quản lý tốt hơn chất lượng vàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Việc quản lý nhập khẩu, kiểm tra chất lượng vàng chưa chặt chẽ nên dễ có nguy cơ vàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. Ảnh minh họa: HTD
Quản lý phần… ngọn
Lý giải về đề nghị trên, Bộ KH&CN nêu rõ với các quy định hiện hành việc sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ (vòng vàng, nhẫn, lắc tay, kiềng cổ… - PV) không được kiểm soát về chất lượng. Đặc biệt là các doanh nghiệp (DN), cá nhân được nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ qua cửa khẩu không cần kiểm soát chất lượng và chỉ nộp thuế theo quy định là xong.
“Các cửa hàng kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ cho rằng họ chỉ biết bán vàng trang sức, mỹ nghệ lấy từ các cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất, chế tác được Ngân hàng Nhà nước cho phép; chất lượng trang sức, mỹ nghệ do các cơ sở này tự quyết định. Cách quản lý như hiện nay vô hình trung tập trung quản lý phần ngọn (lưu thông) mà không quản lý từ gốc (sản xuất, nhập khẩu). Trong khi đó, nguyên tắc của quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là phải quản lý từ gốc” - văn bản kiến nghị của Bộ KH&CN nêu rõ.
Nhiều ý kiến cũng nhận định chính vì lỗ hổng này đã ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, gây thiệt hại cho DN sản xuất, kinh doanh chân chính và ảnh hưởng xấu đến văn minh thương mại. Đi vào cụ thể hơn, một chuyên gia cho rằng do quản lý nhập khẩu, kiểm tra chất lượng vàng không tốt nên có không ít vàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường.
Ví dụ có hiện tượng vàng, trang sức nhập khẩu đóng dấu là bảy tuổi rưỡi (loại 18K) nhưng khi thử ra chỉ tầm sáu tuổi. Hoặc vàng đóng dấu nhập khẩu Mỹ nhưng thực tế là nhập từ Trung Quốc.
Báo cáo của Bộ KH&CN cũng nêu rõ thực trạng trên. Cụ thể trong tám tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng của Bộ đã tiến hành thanh tra hơn 580 cơ sở kinh doanh vàng. Qua đó phát hiện hơn 183 cơ sở vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, sử dụng cân vàng không kiểm định, không đạt yêu cầu về đo lường; chỉ số hàm lượng vàng không đạt chuẩn so với chỉ số công bố...
Như vậy tính chung trong hai năm qua, đã phát hiện có ít nhất 600 cơ sở kinh doanh vàng vi phạm về kinh doanh vàng. Từ đó các cơ quan chức năng đã tịch thu số hàng hơn 4.000 mẫu, tạm dừng lưu thông hơn 2.800 mẫu... Đáng chú ý các mặt hàng không đáp ứng tiêu chuẩn chủ yếu là loại vàng trang sức, mỹ nghệ.
Nhiều bất hợp lý cần sửa
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM, nói: “Đề nghị sửa Nghị định 24/1012 của Bộ KH&CN là phù hợp. Bởi hiện nay đối với một số hàng trang sức nhập khẩu từ nước ngoài thì chỉ đóng thuế hải quan chứ không được kiểm tra về hàm lượng vàng cũng như chất lượng”.
Tuy vậy, ông Dưng cho rằng thay vì kiểm tra hàng ngàn cơ sở mua bán vàng trang sức trên cả nước, cơ quan chức năng chỉ cần thanh tra, kiểm tra hoạt động của các DN được cấp giấy phép sản xuất vàng trang sức và mỹ nghệ. Bởi xét cho cùng những tiệm kinh doanh vàng cũng chỉ lấy hàng từ chành (lò) về bán mà thôi. Do vậy, nhiều tiệm vàng bị xử phạt do vi phạm về tuổi vàng là làm khó cho họ.
Một số DN cũng cho rằng cần sửa Nghị định 24/2012 đồng thời sửa cả các quy định khác liên quan đến vàng trang sức vì còn nhiều bất hợp lý. Chẳng hạn theo quy định hiện hành, các cơ sở kinh doanh vàng nữ trang phải dùng cân điện tử loại 200 g trong khi nhiều tiệm vàng đang sử dụng cân loại 300 g, 500 g trở lên. Mà để đầu tư một cân đúng theo quy định thì cửa hàng phải bỏ ra 30-45 triệu đồng. Nếu toàn bộ cửa hàng vàng trên cả nước phải đầu tư loại cân 200 g thì tốn kém vô cùng.
“Thực tế cho thấy sản phẩm vàng được cân đo trên các loại cân 300 g, 500 g trở lên vẫn chính xác, đúng tiêu chuẩn nhưng khi cơ quan quản lý kiểm tra thấy không đúng theo quy định thì bị phạt. Như vậy nhiều tiệm vàng đang bị phạt oan vì quy định này” - ông Dưng phân tích.
Ở khía cạnh khác, lãnh đạo một thương hiệu sản xuất, kinh doanh vàng uy tín của cả nước cho biết: Quy định về giới hạn sai số cho phép khi xác định hàm lượng vàng 0,1%-0,3%. Dung sai này là quá ngặt nghèo mà ngay cả DN vàng uy tín cũng có thể gặp khó.
Dẫn chứng bằng chính sản phẩm của công ty mình, vị giám đốc công ty trên cho biết đã từng cán miếng vàng năm chỉ đúng chuẩn hàm lượng vàng 75%, kích thước khoảng 4 x 4 cm rồi đem đến Trung tâm Kiểm định Chất lượng 3. Lần đầu tiên máy đưa 7,45%, tức là vàng thiếu 0,5%. Hôm sau cũng miếng vàng đó nhưng lại có hàm lượng vàng là 7,53%, tức dư 0,3%.
“Điều đó cho thấy các loại máy móc hiện đại cũng khó có thể đạt được độ nhạy cảm thấp đến vậy. Chưa kể nếu đo sản phẩm có tiết diện nhỏ như vàng nhẫn hay dây chuyền thì độ dung sai có thể còn khác nữa. Do đó đề nghị Nhà nước nên sửa quy định hiện hành, nâng mức dung sai lên thay vì 0,3% như quy định” - đại diện công ty trên kiến nghị.
Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Từ đó sẽ có đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Xử lý thế nào với vàng cũ? Hiện nay có tình trạng các cơ sở thường mua lại và tiếp tục bán các sản phẩm đã được sản xuất từ trước khi các quy định về quản lý hoạt động vàng có hiệu lực giữa năm 2014, trong đó một lượng lớn sản phẩm kém chất lượng vẫn đang lưu thông. Để giải quyết số vàng này, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng lẽ ra từ lâu các cơ quan chức năng phải triển khai ngay việc cho các chủ cửa hàng kinh doanh kê khai số lượng vàng nữ trang còn tồn là bao nhiêu. Sau đó cho họ có thời gian để chuẩn bị. “Bởi trung bình một cửa hàng kinh doanh vàng có khoảng 50-60 lượng vàng. Nếu bắt họ đùng một cái đem hết số lượng vàng đó đi nấu lại thì tốn kém không biết bao nhiêu tiền của, công sức. Con số thiệt hại này không biết phải mất bao lâu chủ tiệm vàng mới có thể bù lỗ nổi. Do đó, các cơ quan chức năng cần tiến hành từng bước và có lộ trình cụ thể thì mới có thể khơi thông được lượng vàng tồn” - ông Hải nhấn mạnh. Tiêu điểm Ngay cả việc ghi nhãn theo quy định hiện hành cũng gây khó khăn cho DN. Bởi một cái tem bé xíu mà quy định phải ghi đủ thứ thông tin, nào là tên hàng, tuổi vàng, trọng lượng, xuất xứ… Bà TRẦN THỊ HỒNG THU, chủ tiệm vàng ở quận 2, TP.HCM |